Với tôi, người làm thơ là người “chắt lọc”, “chưng cất” tâm hồn mình để “ngưng tụ” thành ngôn ngữ. Họ chính là nhà thơ.
Người đọc thơ cũng là nhà thơ vì họ là người “thẩm thấu” ngôn ngữ thơ vào tâm hồn của mình. Cả hai đều là những tâm hồn mở. Có chăng chỉ khác nhau ở chỗ là mở để “bật ra”, “ngân vang” những âm điệu và mở ra để “hấp thụ” những âm điệu đó. Họ rất giống nhau, rất gần nhau và rất cần nhau. Họ đều là thi sĩ.
Sự kết hợp giữa người làm thơ và người đọc thơ là sự kết hợp giữa “dương” và “âm”, hài hòa như giữa “linga” và “yôni”. Và từ đó tạo nên “khoái cảm”, “hoan lạc”, “hạnh phúc”, rất tự nhiên và rất thánh thiện.
Thế mà hiện nay khoảng cách giữa họ dường như ngày càng xa nhau.
Có quá nhiều người “làm thơ” nhưng lại có quá ít “nhà thơ” và cũng có quá ít người đọc thơ.
Có quá ít người đọc thơ là điều đáng báo động. Đó là sự “cằn đi”, sự “rữa trôi”, “bạc màu” của tâm hồn. Vì sao thì đã rõ và không thể bàn đến vì có thể nó lại thuộc “phạm trù vĩ mô”. Nhưng cũng có một điều có thể lạm bàn được, đó là sự “cách tân” quá mức của một số người làm thơ.
Có khi sự phát triển của thơ hiện nay không đồng bộ. Nhà thơ thì đi nhanh quá, hiện đại quá còn người đọc thơ thì đi chậm quá, “quê mùa” quá. Sự giải thích xem ra thiếu sức thuyết phục nhưng đôi khi phải chấp nhận.
Ở một số người làm thơ hình như họ sử dụng quá nhiều những thủ pháp mới từ lý luận văn học, từ trào lưu thi ca của thế giới trong khi người đọc thơ - trừ một số rất ít - lại hoàn toàn không được dự một lớp “bồi dưỡng” nào về thi pháp (và cũng không ai vô duyên làm việc đó). Họ chỉ có duy nhất một “tâm hồn bỏ ngỏ” rất “quê mùa”. Mặt khác có một số người làm thơ lại sử dụng quá nhiều trong thơ (chúng tôi vạn lần không dám dùng từ lạm dụng) những “ẩn ngôn”, “mật ngữ” vốn rất xa lạ với những người đọc thơ “quê mùa”.
Và nếu thơ tiếp tục phát triển theo kiểu đó thì có khi thơ sẽ thành hàng “chất lượng cao” chỉ dành riêng cho “nhóm thiểu số” của cộng đồng.
Thế thì buồn quá!
Lê Phương Nghi