.

Công chúng không có lỗi

.
Nụ cười trên môi người đi lẫn kẻ ở- người đi là ông Calisto, kẻ ở là hai đại diện cao nhất của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam- cuộc chia tay giữa bóng đá Việt Nam và chuyên gia Bồ Đào Nha diễn ra có vẻ êm thắm.
 
Mô tả ảnh.
HLV Calisto. (Ảnh tư liệu)
Không hằn học chua cay, chỉ gồm những lời cảm thông chia sẻ giàu chất ngoại giao giữa hai bên, có trách cứ thì cũng chỉ là những lời xa xôi, bóng gió, chiếc gánh bị đứt giữa chừng không để lại tiếng vang có thể làm đinh tai nhức óc lẫn nhau? Những người mến mộ tài năng, tính cách ông Calisto, trân trọng thành tích mà ông giành được cho bóng đá Việt Nam mong đợi như thế. Nhưng dường như đằng sau cuộc ra đi bề ngoài có vẻ nhẹ nhàng dễ chịu ấy là không ít điều kém vui, thậm chí làm thất vọng nhiều người, là những câu hỏi không thể không nêu lên.

Đại loại lý do chính yếu khiến ông Calisto quyết định chia tay với vai trò dẫn dắt đội tuyển Việt Nam là ông không còn hứng thú, không thấy hạnh phúc với công việc của mình nữa. “Tôi sẽ ích kỷ vô cùng nếu vẫn ngồi lại khi mà trong người mình chẳng còn nhiệt huyết”, ông trả lời câu hỏi liệu sự ra đi của ông có gây lúng túng, khó khăn cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Và rằng nhiều huấn luyện viên khác sẽ chọn cách cứ tiếp tục tại vị, điềm nhiên mắc sai lầm để được sa thải và được đền bù một khoản tiền đáng kể nhưng ông không cho phép mình xử sự như vậy.
 
Tiền bạc không phải là lý do chính trong quyết định của ông bởi, như ông nói, nếu vì điều đó thì từ lâu ông đã đặt bút ký vào các bản hợp đồng có mức lương cao từ các câu lạc bộ ở Trung Đông…Những lời này có vẻ phác họa rõ hơn tính cách của một người từng xem Việt Nam là quê hương thứ hai, chí thú làm việc với lòng tự trọng nghề nghiệp, luôn tìm cách trả lời mọi thắc mắc phê phán bằng thành tích trên sân cỏ.

Nhưng cũng chính vì vậy mà không ít người tỏ ra thắc mắc trước lời than của ông rằng giới truyền thông trong nước đã tạo sức ép khiến ông thất vọng, rằng các chỉ trích của báo chí trở nên thiếu công tâm so với các nỗ lực và thành tích của ông. Thực sự thì chẳng ai dại gì chê ông khi ông đang làm tốt, hình ảnh của ông luôn được vinh danh trang trọng sau mỗi chiến công của bóng đá Việt Nam. Còn khi những chỉ đạo của ông có phần chệch hướng, sự run tay của ông tiềm ẩn nguy cơ chuệch choạc (nhà cầm quân nào, cả những bậc thầy như Ferguson, Capello, Erikson, mà chẳng có lúc run tay, thiếu sáng suốt!) thì sẽ bất thường nếu báo chí không lên tiếng góp ý, cảnh báo.
 
Phần lớn tiếng nói của các cơ quan truyền thông đúc kết cái nhìn ngay thẳng, ước muốn trong sáng của số đông công chúng nguyện đứng sau lưng đội tuyển, vui buồn cùng thăng trầm của bóng đá nước nhà. Là một huấn luyện viên đề cao chất chuyên nghiệp, hô hào sự thẳng thắn, cầu thị, lẽ nào ông Calisto không nhận ra sự cần thiết từ những góp ý phê bình? Ông quên mất rồi sao, nếu so với chất mạnh mẽ, bộc trực, thậm chí lạnh lùng cay độc của những phê phán, chỉ trích mà các đồng nghiệp của ông ở các nền bóng đá châu Âu, Nam Mỹ hứng chịu hằng ngày, những phê bình trên các trang báo thể thao ở đây có thấm vào đâu.

Những Mourinho, Wenger, Bernitez mẫn cán, lẫy lừng như vậy nhưng vẫn không tránh khỏi những chỉ trích lắm lúc cay độc, nghiệt ngã. Những người này có cách đáp trả bất công bằng chính công việc thầm lặng trên ghế huấn luyện, bằng các chiếc cúp và qua sự trưởng thành hằng ngày ở các học trò. Chưa một ai trong số họ nghĩ về sự thanh thản, tròn trịa khi chấp nhận ngồi vào chiếc ghế huấn luyện. Chính ông Calisto cũng từng tuyên bố đầy nghĩa khí rằng hãy phê phán chính ông trước mỗi thất bại, đừng chỉa mũi dùi vào các học trò kia mà!

Nếu ông Calisto bảo rằng đã đến lúc ông thấy mình không đủ sức đương đầu với áp lực công việc của một người đứng đầu đội tuyển quốc gia và cần thay đổi môi trường làm việc, công chúng dễ dàng chia sẻ cùng ông với lòng trân trọng biết ơn. Đừng mang công chúng vào các quyết định riêng tư của mình vì họ vốn hồn nhiên, chân chất.

Tường Phước
;
.
.
.
.
.