.

Nhật ký người lính đặc công

.
Quyển nhật ký dày có đến hơn năm trăm trang, ông Trần Kim Hùng bắt đầu ghi từ năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Mô tả ảnh.
Trang đầu tiên của nhật ký ghi Thơ chúc Tết năm Bính Tuất 1946 của Hồ Chủ tịch: Bao giờ kháng chiến thành công/ Chúng ta cùng uống một chung rượu đào/ Tết này ta tạm xa nhau/ Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy.
 
Quê ở Bình Định, ông từng tham gia công tác vận động chính trị quần chúng trước khi đi tập kết. Trong suốt gần 30 năm làm lính, quyển vở gối đầu giường này đã theo ông lăn lộn trên khắp các chiến trường, lưu lại những buồn vui của mình và đồng đội.

Ngày 19-5-1954, lần đầu tiên bước chân lên đất Bắc, ông đã chụp một tấm hình kỷ niệm và ghi lại cảm tưởng của mình vào nhật ký. Trong cuộc đời cầm súng của mình, ông nhớ mãi một người bạn vong niên tên là Trần Việt Bắc, người Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Trước năm 1965, lúc ông đến trực tiếp xây dựng Tiểu đoàn Đặc công 409 cơ động Quân khu 5, hai người quen biết, rồi gắn bó với nhau hơn cả ruột thịt. Trẻ tuổi, gan dạ, anh Bắc đã vào sinh ra tử nhiều lần, để lại một phần thân thể cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Trong một lần hội ngộ vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Binh chủng Đặc công 19-3-1997, ông mới có điều kiện chụp chung với anh Bắc một tấm hình để làm phong phú hơn những trang nhật ký ngày trước.

Những năm tháng càng gần với thời điểm 29-3-1975, lúc là Trưởng phòng Đặc công Quân khu 5, ông càng dành nhiều trang giấy ghi lại sơ đồ và diễn biến các trận đánh trên địa bàn Đà Nẵng như Kho xăng Liên Chiểu, Sân bay Đà Nẵng, Sân bay Nước Mặn... (Hiện nay, ông vẫn còn giữ được chiếc kìm bấm mà ông đã dùng để bấm dây thép gai tiến công đánh vào Kho xăng Liên Chiểu). Ông cất quyển nhật ký vào trong một chiếc túi đựng tài liệu, cùng với những cây bút bi, bút chì dùng ghi chép và vẽ lại sơ đồ các trận đánh.

Ông còn lưu lại trong nhật ký nhiều hình ảnh rất quý. Ảnh chụp năm 1972, ông cùng với thành viên khác trong Đoàn đại biểu Đặc công Quân khu 5 đi dự Hội nghị Bộ đội Đặc công tại Hà Nội. Ảnh chụp năm 1995 tại Hội nghị Tổng kết thi đua Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ông được vinh dự đứng chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Là Anh hùng LLVT nhân dân, đại tá về hưu, ông năm nay đã ngoài tuổi tám mươi, hiện là Trưởng ban Liên lạc Bộ đội đặc công Đà Nẵng. Ông đã từng tặng Đoàn Dân Chính Đảng thành phố một tờ tín phiếu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - lúc đồng chí Phạm Văn Đồng là Bộ trưởng Tài chính - để giáo dục truyền thống. Bởi lẽ, ông rất thích câu nói bất hủ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Quá khứ vinh quang chỉ được trân trọng khi hiện tại biết làm đẹp cho đời”.

LÊ HUỲNH
;
.
.
.
.
.