.
Cửa sổ tri thức

Nguồn gốc của pháo hoa

.
* Pháo hoa đã được phát minh như thế nào? Kỹ thuật chế tạo và sử dụng pháo hoa ra sao? (Nguyễn Quang Thành, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Mô tả ảnh.
Pháo hoa chùm tạo thành cánh hoa nhiều màu sắc rực rỡ trên bầu trời. (Ảnh: V.T.L)
 
- Pháo hoa (còn gọi là pháo bông) là loại pháo kết hợp theo một liều lượng nhất định các loại thuốc phóng, thuốc nổ và các phụ gia đặc biệt nhằm tạo nên một cảnh sắc hoành tráng trên bầu trời đêm với màu sắc huyền ảo, hình khối phong phú, thoắt hiện thoắt ẩn rất sinh động.

Trong nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của pháo hoa, nhiều người đồng tình với ý kiến cho rằng Trung Quốc là quê hương của loại pháo dành cho hội hè này. Chính người Trung Hoa đã nắm được bí quyết chơi pháo hoa đầu tiên và đi trước châu Âu cả mấy trăm năm. Trước đó, người Hy Lạp và người Ai Cập cổ đại cũng đã có một loại pháo bông nào đó. Tuy nhiên, pháo bông như ta thấy ngày nay thì chỉ có từ sau khi thuốc súng được đưa vào sử dụng và khi khoa học đã phát triển.

Kỹ thuật chế tạo pháo hoa đã hình thành khá sớm ở Trung Quốc. Cho đến thế kỷ XIII, nhà thám hiểm Marco Polo đã mang phát minh thuốc súng từ Trung Quốc về châu Âu. Ban đầu, người ta dùng thuốc súng vào các mục đích quân sự, như chế tạo đạn dược, tên lửa... Sau đó, người Ý đã sản xuất thành công pháo hoa từ thuốc súng. Tiếp theo đó, cùng với Ý, người Đức cũng làm được pháo hoa vào thế kỷ XVIII. Dần dần, pháo hoa trở nên phổ biến ở nhiều nước châu Âu.

Theo Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia, pháo hoa thông thường luôn có hai thành phần chính. (1) Bộ phận phóng: có thể là bộ phận tách rời như nòng súng, nòng pháo; cũng có thể là một phần thân chứa thuốc phóng của chính quả pháo. Bộ phận phóng thực hiện chức năng phóng phần phát nổ của quả pháo hoa lên không trung. (2) Bộ phận phát nổ: chứa thuốc nổ, hạt hóa chất tạo màu, các quả pháo con…

Màu sắc sống động, rực rỡ mà pháo hoa tạo ra là kết quả của sự kết hợp giữa nhiều loại hóa chất với nhau. Magiê và nhôm đốt cháy tạo ra ánh sáng trắng, muối natri tạo ra màu vàng, stroni nitrat hoặc cacbonat tạo ra màu đỏ và bari nitơrat tạo ra màu xanh lá cây. Muối đồng tạo ra màu xanh nước biển và mỗi dạng carbonnat lại tạo ra những màu sắc khác nhau. Các hóa chất có ưu, nhược điểm nhất định trong việc tạo màu ánh sáng: khả năng tạo màu rất đẹp có thể lại không đi kèm với đặc tính bền vững, khiến màu sắc chỉ tồn tại rất ngắn trong ngọn lửa nóng, hoặc lóe sáng mạnh lấn át màu của pháo hoa, hoặc dễ phát nổ gây nguy hiểm. Sự điều chỉnh sắc độ màu, thời gian cháy, do đó, thường đòi hỏi nhiều nghiên cứu công phu thường được thực hiện tại các quốc gia có truyền thống chế tạo pháo hoa như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia…

Pháo hoa được kích hoạt bằng cách châm lửa vào ngòi pháo, hiện nay nhiều nơi đã sử dụng điện để kích hoạt pháo nổ. Mỗi loại pháo hoa có một nguyên lý phát nổ riêng. Dưới đây là nguyên lý cơ bản của một loại pháo hoa chùm:

Kích hoạt pháo hoa bằng lửa châm vào ngòi, khi pháo bắn lên trời ngòi nổ tiếp tục kích nổ những ngôi sao nhỏ li ti, thực chất là phần đầu tiên của quả pháo. Sau khi được kích nổ, những ngôi sao nhỏ bắt đầu tách khỏi pháo hoa và bắn ra nhiều hướng khác nhau một cách đẹp mắt.

Quá trình thứ hai của pháo hoa vẫn tiếp tục vì ngòi nổ vẫn chưa tắt hoàn toàn. Ngòi sau đó tiếp tục kích nổ phần còn lại của pháo và tiếp tục tạo ra những chùm sao nhỏ li ti. Những chùm sao ở quá trình thứ hai tiếp tục bắn ra nhiều hướng khác nhau và các chùm sao sẽ nổ tung và tạo thành những hình ảnh nhiều màu sắc rực rỡ trên bầu trời.

ĐNCT
;
.
.
.
.
.