.

Nơi hầm tối là nơi sáng nhất

.

Anh hùng LLVT, Đại tá Trần Kim Hùng thường nhắc với chúng tôi “thắng lợi của cuộc cách mạng này dành cho những người đã mãi mãi nằm xuống và cho nhân dân, những người “một tấc không đi, một ly không rời”, bám trụ kiên cường trong lòng địch, làm cơ sở nuôi giấu cán bộ”.

Lòng mẹ mênh mông

Mô tả ảnh.
Bước qua tuổi 93, nhắc đến chuyện nuôi cán bộ ngày xưa là mẹ Chinh lại khóc.

Bao nhiêu năm đã xa rồi, mẹ Chinh (Võ Thị Nhự) vẫn nhớ như in cái ngày ông Đào Ngọc Chua, người chồng, người cán bộ mẹ nuôi giấu bao năm trời trong lòng địch, bị sát hại, giặc vứt xác ông ra sông. Phải chờ đến đêm mẹ mới dám ra sông, rồi lần ra biển tìm xác, không dám khóc. Nỗi đau của mẹ chất chồng khi trước đó vài năm, hồi còn chống Pháp, chúng đã giết em trai và em dâu của mẹ, để lại hai đứa con. Không đi tập kết, những năm ông Đào Ngọc Chua ở lại hoạt động là những năm miền Nam bị kìm kẹp, địch tìm mọi cách ly tán giữa cách mạng và nhân dân, chỉ cần một sơ hở là trở thành “miếng mồi” của luật 10/59. Ông làm Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, năm 1959 theo lệnh của Trung ương ông chuẩn bị bàn giao để ra Bắc. Thời kỳ 1956-1959, không ai dám đứng mũi chịu sào nuôi giấu cán bộ, vậy mà mẹ Chinh vẫn trung kiên nuôi giấu các anh.

Hơn 50 năm trôi qua, mẹ Chinh vẫn nhắc tên những người tới lui nhà mẹ thường xuyên. Ăn cơm mẹ nấu. Ngủ hầm mẹ đào. Nhà mẹ Chinh ở cánh bắc Hòa Vang, thuộc xã Hòa Lạc, sau này là thôn Quan Nam 5, xã Hòa Liên. Cán bộ trung ương, khu, tỉnh, thành đều qua ở nhà mẹ, nhưng mẹ thương nhất mấy anh lính đặc công của tiểu đoàn 89, 87 và quận nhì. Chiều, mấy anh từ Tà Lang, Giàn Bí xuống, phải qua nhà mẹ để nắm tình hình, ăn cơm tối xong mới đi đánh. Đánh xong, thương vong cũng về nhà mẹ. Có bữa cả trung đội đi công tác về, mẹ soạn cơm ra cái nong ngoài sân cho bộ đội ăn. Mấy anh thắc mắc, mẹ bảo “tụi bây không lo, tao có mấy cái nò làm cá ngoài kia, bán đi, mua gạo nuôi bây”. Nhà mẹ có 6 căn hầm đào ngoài vườn nuôi cán bộ; có 30 mẫu ruộng, mẹ chỉ làm được 5-7 mẫu, còn lại cho người ta cấy rẽ. Năm 1968 mẹ mua được khá nhiều quần áo của sĩ quan ngụy, cả một trung đội nhờ đó được trang bị để cải trang đánh xuống Nam Ô. Cả xã chỉ có 20 nhà theo cách mạng, nhưng không phải nhà nào cũng ở được, bởi dân không thương thì nắm chắc cái chết. Nhà mẹ là cơ sở nuôi cán bộ từ năm 1952 đến 1975, con trai mẹ, Hồ Văn Chinh (nguyên Bí thư Quận ủy Liên Chiểu) mới 13 tuổi mẹ cũng cho thoát ly theo cách mạng…

Mô tả ảnh.
Má Toan, 98 tuổi và con gái Ngô Thị Nguyệt.

Cánh Điện Bàn, Hòa Châu những năm chống Mỹ là vùng vành đai và cũng là túi bom của giặc, có được cơ sở cách mạng ở đây coi như những trận đánh bên kia sông Cẩm Lệ thành công một phần. Nhà má Toan (Nguyễn Thị Toàn) làm cơ sở cách mạng từ hồi chống Pháp, qua chống Mỹ. Đơn vị trinh sát từ núi xuống dặn má, ông cụ và mấy đứa em những đêm nào yên thì chong ngọn đèn dầu lên cho anh em từ Giáng Đông xuống qua nhà má nắm tình hình, mới lội qua Bàu Cầu, qua sông Cẩm Lệ vô nội thành. Má có 13 đứa con, còn lại 10, cậu thứ 10 vào du kích; các chị sàn sàn tuổi nhau, đứa lớn có chồng, đứa nhỏ ở với má. Chị Ngô Thị Nghiên (Nguyệt) hồi đó mới 14-15 tuổi hằng ngày cứ khoảng 4 giờ chiều thì băng đồng lên thôn Dương Sơn đưa tin tức, thư từ, đường sữa, giày dép của bà con gửi cho các anh bộ đội, 10 giờ đêm chị băng đồng dẫn bộ đội về.

Má Toan làm ruộng nuôi anh em, lo cơm nước, quần áo, còn mấy chị em vừa làm giao liên vừa binh vận, chị bảo hồi đó không ai bảo ai, nói một tiếng là đi, không ai nghĩ sống chết chi hết, dù cực không ai bằng, sống chui sống nhủi. Chị Nguyệt kể có lần 2 anh bộ đội giấu lựu đạn vô đống rơm, gà bươi ra nên giặc lấy được, chúng bắt ông, bà và cậu 12 tra tấn, nhận đầu trong bồn nước. Chịu không nổi cậu bảo thôi để con khai cho anh 10 nhưng má cản lại, bà bảo thôi con ráng chịu, chứ khai cho anh lỡ chúng bắt anh, tội. Chị Nguyệt bảo chuyện đòn roi không là gì, nhiều lần chị bị bắt, bị đánh vào hai bên đùi, da bầm lại như miếng thịt trâu nhưng cứ một lời không biết, già chối là được, thế nào chúng cũng thả.

Sức mạnh Việt Nam

Mô tả ảnh.
Trải qua bao biến cố đau thương, bà mẹ VNAH Trần Thị Liêu giờ sống một mình, vẫn nghĩ mà thương mấy anh trinh sát hồi đó…

Má Hai Liêu (Trần Thị Liêu) ở thôn Giáng Đông, xã Hòa Châu làm giao liên, ngày nắm tình hình, tối báo lại cho mấy anh bộ đội về nhà trú trước khi trinh sát trận đánh. Đợi chi gạo nhiều ít, dân có ăn sắn cũng gắng nấu cho mấy anh miếng cơm. Bữa cơm hết nấu ở nhà này là qua nhà khác. Hồi đó má mới ngoài 30, chồng đi tập kết, con trai hơn 3 tháng tuổi. Má bảo hồi đó không hề nghĩ suy, mình làm hợp pháp thì có chi mà sợ, với lại nếu có gì thì đã có bà nội, bà ngoại. Con trai má lớn lên, xuống học ở Cẩm Lệ nhưng về làng hoạt động má đâu có hay, đến hồi bộ đội về thấy nó ôm súng đi gác, má mới biết con mình đã tham gia du kích, má nghĩ trong bụng “Việt cộng gì mà có xí xi”.

 Năm 16 tuổi, con má bị địch bắn chết. Đó là năm 1969. Má bảo lúc đó chẳng còn gì mà nản, khi sống giữa hai làn đạn, ban ngày là giặc, ban đêm là ta, bị thương rồi được đưa đi điều trị, má hoạt động hợp pháp luôn. Năm 1971 má bị bắt, ở tù một năm, ra lại tiếp tục hoạt động. Mỗi buổi chiều má hái rau khoai vò nát với bồ hóng để mấy anh đặc công ngụy trang. Thương mấy anh không hề thấy mặt trời, mùa mưa lụt nước vô hầm, ngồi là nước ngang đến ngực, nên vài ngày má lại xuống chợ Cồn mua cá khô về chiên, nướng, nấu cơm xong gói lại để mấy anh ăn. Má nuôi bộ đội nhưng không hề biết ai vô ai, không hỏi con tên chi. Sau giải phóng cũng không biết ai còn, ai mất; lúc đó ai có trở về mới nhận má con, anh em, bởi trước đó ban đêm đâu có tỏ mặt.

Mẹ Sum (Lê Thị Nhự) thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu và 5 đứa con của mẹ đều là đảng viên. Mẹ cào hến, bắt cá, đi làm thuê nuôi cán bộ; trực tiếp tham gia công tác, làm giao liên của khu ủy. Tháng 10-1968, lính vô nhà mẹ, khui thấy hầm công sự, chúng đốt nhà, gánh lúa gạo đi hết. Ở thôn Đông Hòa, gia đình cụ Võ Bàn (Tế) có hầm bí mật trong nhà nuôi cán bộ trinh sát tiểu đoàn 489, bị lộ, chúng đem cụ ra giữa sân bắn chết ngày 30-6-1968. Những con người như thế, những gia đình như thế, dường như ở nơi đâu trên mảnh đất này, cũng không thể kể hết. Chỉ biết rằng, họ lặng lẽ kết thành một sức mạnh vô bờ,  không gì lay chuyển được.

Chiến tranh, dù có lùi xa bao nhiêu năm nữa, thì thế hệ mai sau vẫn luôn khắc ghi một điều: Nếu không có những gia đình kiên trung, chịu đựng hy sinh, một lòng theo cách mạng, không có hàng triệu triệu người dân đã ngã xuống, nhuộm thắm màu cờ Tổ quốc, thì sẽ không có khúc khải hoàn cất lên trong ngày toàn thắng.

Ghi chép: Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.