.

Chỗ dựa cho người khuyết tật

.

Khi ta lành lặn, đủ đầy trong cuộc sống thì còn biết bao người vì sự khiếm khuyết của tạo hóa mà phải nhận lấy số phận không may.

Mô tả ảnh.
Cô giáo Ngọc Thanh: “Hiếu là một tấm gương về nghị lực, ý chí vượt lên số phận. Tôi biết ơn em, biết ơn người mẹ hiền đã thương con đến nhường ấy”.

 

Tình yêu của người mẹ khuyết tật

Một buổi chiều, tôi đang chuẩn bị làm bếp thì có một phụ nữ bước vào nhà. Tôi rót nước, mời đến ba lần mà chị vẫn không uống. Một lát, chị ngập ngừng tự giới thiệu: “Dạ, em là Xuyến, bán cá ở chợ Siêu thị. Em có một đứa con có hai bàn tay giống như em”. Nói rồi, chị đưa hai bàn tay nãy giờ giấu trong túi áo ra, mỗi bàn chỉ có một ngón. Hèn chi chị không uống nước.

Chị bảo mình có thể cầm dao làm cá, tính toán tiền nong nhưng chữ nghĩa thì không rành lắm. Chị rất lo, không biết con mình có học được không và nhà trường có chịu nhận cháu? Tôi đưa cho chị cây bút, chị kẹp vào ngón tay duy nhất và nguệch ngoạc viết rất khó khăn. Nhìn người mẹ có đôi bàn tay khiếm khuyết ấy nỗ lực hết mình vì con, tôi không cầm lòng được.

Chiều hôm sau, chị đưa con đến, em tên là Nguyễn Đoàn Minh Hiếu, một bé trai trắng trẻo, dễ thương, nhưng cũng khuyết tật như mẹ. Theo yêu cầu của tôi, em kẹp bút, cố gắng đến toát mồ hôi mà nét chữ thì mấp mô nửa hàng trên nửa hàng dưới. Nhưng nhìn ánh mắt em rực lên khát khao được đi học, tôi đã nhận lời, mặc dù biết mình sẽ rất vất vả.

Đêm đó, tôi trằn trọc mãi. Tôi cũng có một con trai bị khuyết tật như chị. Nhưng con chị còn được đến trường chứ con tôi thì đã mất lúc cháu 14 tuổi vì bệnh bại não. Người mẹ nào mà không đau khi con mình ra đời không được lành lặn hoặc đã sớm lìa xa cuộc đời? Có lẽ sự đồng cảm này là một trong những nguồn động viên giúp tôi vượt qua khó khăn trước mắt.

Ngày đầu tiên đi học, Hiếu được phân vào lớp tôi, lớp 1/5. Học trò trẻ con đứa nào cũng tò mò trước bàn tay khiếm khuyết của Hiếu. Tôi hỏi cả lớp: “Em nào bàn tay cũng đủ năm ngón nhưng bạn Hiếu mỗi bàn chỉ có một ngón nên bạn ấy viết chữ rất khó khăn. Vậy, các em có thương bạn không?”. Các em đồng thanh: “Dạ có”. Thế là, sự lành lặn và sự khiếm khuyết đã không còn ranh giới.

Cái khó nhất với Hiếu là viết chữ, tôi đề nghị với mẹ em là hãy để em cầm bút tay trái vì ngón tay dài hơn, mạnh hơn. Gò mình viết những nét cong phải, cong trái, trán em rịn mồ hôi. Nhiều lúc em bỏ bút, ngồi thừ người ra. Tôi nắm tay em, xoa bóp cho đỡ mỏi rồi động viên em hãy cố gắng. Những lúc như thế tôi thương em vô cùng, không phải tình cảm cô trò mà là tình mẫu tử thiêng liêng.

Em đã vượt qua tất cả, từ cầm bút viết trên vở đến cầm phấn viết trên bảng, từ chữ to đến chữ nhỏ, từ chữ xấu đến chữ đẹp. Cuối học kỳ 1 vừa rồi, em đạt 9 điểm và 10 điểm hai môn Tiếng Việt và Toán, là một trong năm học sinh của trường được nhận học bổng “Học sinh nghèo, khuyết tật học giỏi”.

Tìm thấy niềm vui trong cuộc sống

Khi ta lành lặn, đủ đầy trong cuộc sống thì còn biết bao người vì sự khiếm khuyết của tạo hóa mà phải nhận lấy số phận không may. Em Hiếu trong câu chuyện mà cô giáo Nguyễn Đình Ngọc Thanh ở Trường tiểu học Hà Huy Tập, quận Thanh Khê, kể trên đây thật xúc động. Và còn nhiều cảnh đời như thế.

Như em Mai Tính, quê phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Theo ông Lê Tấn Hồng, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố Đà Nẵng, 7 năm trước, khi được cha mẹ gửi vô trung tâm, em “bỏ đâu ngồi đó”. Thế nhưng, giờ đây em đã tìm thấy niềm vui trong cuộc sống khi có thể một mình kết cườm, thêu hoa văn cho những tấm liễn trong xưởng sản xuất của trung tâm. Vơi đi nỗi đau da cam, trung tâm giờ là ngôi nhà thân yêu của em.

Hay em Võ Thị Thanh Hằng, quê Hà Lam, Thăng Bình, trời “bắt” em câm điếc bẩm sinh, nhưng lại bù cho đôi tay tài hoa. Vào trung tâm học nghề thêu, em thêu rất đẹp, được các thầy cho học thêm vẽ để hướng cho em một nghề mưu sinh trong tương lai.

Trung tâm hiện nuôi dưỡng và dạy nghề cho 56 thanh thiếu niên là người khuyết tật. Theo ông Hồng, nguồn kinh phí tài trợ chỉ đủ cho 22 em, còn lại phải tự cân đối từ các nguồn khác, trong đó có nguồn thu tiêu thụ sản phẩm của chính các em làm ra. Hằng tuần, tình nguyện viên từ các trường đại học ở Đà Nẵng đến vừa dạy các em về văn hóa, hướng dẫn các em vui chơi, vừa làm cầu nối để giới thiệu sản phẩm của các em ra xã hội. Tình nguyện viên người nước ngoài thì dạy tiếng Anh hoặc bày các em làm thủ công, chơi các trò chơi...

Ở ngoài đời, những người khuyết tật đã qua lứa tuổi học hành như chị Huỳnh Thị Huệ ở phường Hà Khê, quận Thanh Khê, muốn có một cuộc sống tự tin hơn cũng phải nhiều nỗ lực. Bị tật 2 chân, chị từng vay “nóng” mua một chiếc máy may với lãi suất cao. Năm 2009, chị vay 3 triệu đồng qua kênh Hội CTĐ phường, sửa máy may, mua máy vắt sổ, còn lại mở một quầy cho thuê truyện. Với “cú hích” 3 triệu đồng, chị đã ổn định được cuộc sống của mình và còn nuôi được mẹ già mất sức.

Từ năm 2008, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phối hợp với Ban Dân vận Trung ương phát động Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Bà Hà Thị Hương, Chủ tịch Hội CTĐ quận Thanh Khê, cho rằng đây mà một chỗ dựa giúp người khuyết tật có cơ hội vượt qua số phận, hòa nhập cộng đồng trong khả năng của mình. Bà Hương đơn cử như chị Lê Thị Huề, tình nguyện viên CTĐ ở phường Hà Khê, kiên nhẫn hướng dẫn, tập luyện cho em Nguyễn Thị Hoàng Phước bị liệt chi tay, để em có thể cầm được ly uống nước, nói được và từ đó tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.