.
Chuyện xưa xứ Quảng

Súng thần công ở thành Điện Hải

.
Thành Điện Hải, vào năm Thiệu Trị thứ bảy (1847), được mở rộng với chu vi 556m, cao hơn 5m, chung quanh có hào sâu 3m. Thành có 2 cửa, một cửa chính mở về phía Nam, một cửa mở về phía Đông. Trong thành có hành cung, kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị 30 ụ súng đại bác, gọi là những khẩu thần công.

Mô tả ảnh.
Hai cỗ thần công “ngự” ở một trong những vị trí trang trọng của Bảo tàng Đà Nẵng.
 
Theo ghi chép của Bảo tàng Đà Nẵng (nằm trong khuôn viên của thành Điện Hải xưa), súng thần công là loại vũ khí đánh xa, ra đời vào khoảng thế kỷ XIV ở châu Âu, tiền thân là loại máy bắn đá thời Thượng cổ. Loại súng này có kích thước lớn, trọng lượng nặng, được đúc bằng đồng, sắt hoặc gang. Đạn súng là những quả cầu bằng gang được bắn ra bởi sức đẩy bên trong của súng.

Thường được gắn trên xe kéo để dễ cơ động, súng thần công gồm các phần: nòng súng chứa trái đạn, trục quay để điều chỉnh khi bắn, lỗ điểm hỏa để châm ngòi và khối hậu được đúc kín chứa thuốc nổ…

Qua những tư liệu lịch sử viết về thành Điện Hải và đối chiếu những khẩu súng thần công được phát hiện trước đây ở thành, đây là hai khẩu súng thần công trong số 30 khẩu còn sót lại ở thành Điện Hải dưới thời Thiệu Trị nhà Nguyễn (1847) như đã nói trên.

Sử liệu cho thấy, dưới các triều Gia Long (1802 - 1819) và Minh Mạng (1820 - 1840), kỹ thuật đúc súng thần công của Việt Nam phát triển rực rỡ nhất. Các vị vua này đã cho đúc 2.468 khẩu các loại.

Như tên gọi, súng thần công có sức mạnh như thần và một thời được tôn như một vị thần. Nhà Nguyễn, ngay từ đầu thế kỷ XIX, đã cho trưng bày súng thần công trước cung điện để thể hiện sức mạnh của vương triều. Dân chúng thường bị cấm không được đi ngang qua súng thần công, nếu đi ngang ở tầm xa xa cũng phải ngả mũ chào. Các võ quan đương thời một tháng hai lần cúng bái Thần công, mỗi khi được thăng quan tiến chức phải tạ lễ Thần công.

Khi chiếm được thành Điện Hải trong trận đánh ngày 1-9-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã thu được rất nhiều cỗ súng thần công. Trung tướng Rigault de Genouilly đã chọn 2 cỗ đẹp nhất làm quà dâng lên vua Napoléon III và Nữ hoàng Tây Ban Nha.

Năm 2006, Lễ hội Bắn súng thần công được tái hiện lần đầu tiên tại đồi Bạch Dinh, Vũng Tàu, theo nghi lễ truyền thống Việt Nam. Nơi đây xưa vốn là một pháo đài, được vua Minh Mạng cho đặt 2 cỗ súng thần công và 6 cỗ hồng y (một loại trọng pháo đặt trên chiến thuyền). Là nơi từng có nhiều súng thần công trong trận đầu đánh Pháp, Đà Nẵng hy vọng sẽ sớm được đăng cai tổ chức hoạt động đầy ý nghĩa này.

LÊ HUỲNH
;
.
.
.
.
.