.

Có những ngày như thế, dưới một mái nhà

.

Có những ngày, tôi nhận ra mình là kẻ bội bạc: Trong hai bữa cơm, chẳng mấy khi tôi nghĩ về những hạt gạo đang nuôi sống cái thân này. Có những ngày, trước khi ngủ, tôi mới biết ơn một mái nhà đã chở che những giấc mơ.

 

Mô tả ảnh.
Học sinh Trường Trung học Bồ Đề Đà Nẵng (Trường Nguyễn Huệ ngày nay) bãi khóa chống bầu cử độc diễn tháng 10-1971.

 

Có những ngày, tấm lưng mồ hôi của người nông dân hay một căn nhà và những khuôn mặt ngỡ đã chìm quên… bỗng trở về như niềm nhớ tiếc. Và, đã có những ngày, một mái nhà như thế, chợ Cồn, tháng 5, năm 1972…

Những ngày ấy, có những người trẻ tuổi bơ vơ, theo đòi một bộ phận thanh niên “Hippy” ở một số quốc gia phương Tây, sống thác loạn. Tại một số các đô thị miền Nam Việt Nam, cũng hình thành một tầng lớp Hippy. Nhưng, khác với hiện tượng Hippy châu Âu được xem như một phản ứng đối với thế giới người lớn, ở miền Nam, đây lại là sự phục tùng tầng lớp thống trị để được sống… buông cương. Chúng tôi không thuộc về hai tầng lớp đó nhưng chúng tôi đang đứng trước một thứ chiến tranh phi nghĩa của những kẻ thống trị tại miền Nam. Chiến tranh luôn chực chờ ném bao nhiêu thanh niên vào những quân trường rồi đưa nhanh ra mặt trận…

Thế nhưng, sau những ngày tháng khắc khoải của một thế hệ trẻ đang “tìm đường”, chúng tôi đã vượt qua được những câu hỏi, những băn khoăn trước một xã hội mà nhiều giá trị đã sụp đổ. Chúng tôi đã quyết định phải chống lại cái bộ máy chiến tranh đang sắp nuốt chửng chính mình. Và, đường phố là trận địa.

Giờ đây, vẫn còn lung linh trong tôi, giữa một sân chùa Phổ Đà ngày tranh đấu, bên hàng hiên những ngôi trường Phan Châu Trinh, Sao Mai, Phan Thanh Giản, Bồ Đề, Nữ Trung học… những khuôn mặt trẻ trung mà quả cảm của những người mới 15 - 17 tuổi đời mà đã biết thế nào là “vận nước nổi trôi”.

Đấu tranh vì Hòa bình - Thống nhất, một trong những vũ khí của tầng lớp thanh niên trong phong trào đô thị là văn nghệ. Hàng trăm ca khúc, hàng ngàn bài thơ ra đời từ những trái tim nồng nhiệt lúc ấy đã được gọi bằng cái tên đầy yêu thương là “văn nghệ rạng đông”, để phân biệt và chống lại loại văn nghệ ru ngủ do chính quyền Sài Gòn gieo rắc. Vẫn không mờ những đêm đốt lửa “Hát cho đồng bào tôi nghe” của Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng tổ chức.

Những tác phẩm không có nhiều tính nghệ thuật nhưng thừa nhiệt huyết ấy nhanh chóng lan ra khắp các đô thị miền Nam Việt Nam và vượt biên để đến với bạn bè nhiều nơi trên thế giới, góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh cho một đất nước không bị phân chia.

Vẫn muốn nói nhiều hơn về một ngôi nhà với căn gác nghĩa tình của vợ chồng cụ ông, cụ bà, gốc người Điện Bàn. Không một ai trong gia đình ấy lại không biết anh em chúng tôi, những sinh viên - học sinh tham gia phong trào đấu tranh chống chính quyền, song lại rất yêu thương, che chở và đùm bọc.

Những ngày ấy và cái căn gác nhỏ tồi tàn ở bến xe chợ Cồn. Căn gác chứa bao kỷ niệm không quên của những năm 1970, 1971, 1972. Đấy là căn phòng không ra phòng, thấp hơn đầu người, lợp tôn, rất nóng. Đây là nơi chúng tôi cất giấu truyền đơn, tài liệu, các bài thơ, bản nhạc từ vùng giải phóng đưa vào nội thành. Đây là nơi, vào những buổi chiều, chúng tôi, sau những lần xuống đường, rải truyền đơn, về ngồi lại, trao đổi văn thơ, gửi những tâm tình, mơ về một ngày mai hòa bình. Từ mái nhà ấy, nơi căn gác nhỏ ấy, nhiều người trẻ trong chúng tôi đã lớn lên thành người có ích.

 

Mô tả ảnh.
Một chương trình văn nghệ của Tổng Đoàn Học sinh Đà Nẵng năm 1971.

Những ngày chống chính quyền Sài Gòn, chống Lonnol, Sirik Matak “cáp duồn” người Việt, những ngày biểu tình chống bầu cử độc diễn 3-10-1971 của Nguyễn Văn Thiệu, nhiều anh em đã trú tại căn gác này. Do địa điểm thuận lợi, phía trước là bến xe đi các tỉnh miền Trung, lại họp chợ đông, dễ rải truyền đơn, dễ trao đổi thông tin, thư từ, dễ nhận tin tức từ vùng giải phóng đưa vào, anh em thường ghé vào tá túc. Lại nữa, gia đình này có người con gái đang thoát ly, hoạt động tại vùng giải phóng, nên đồng cảm với anh em hoạt động phong trào.

 

Tháng 4-1972, phong trào nội thành Huế bị vỡ. Địch bắt hàng trăm người đưa đi Côn Đảo. Tôi và Trần Phá Nhạc chạy vào Đà Nẵng, trú tại căn gác của Huỳnh Văn Hoa và Trương Công Lâm, nằm ở bến xe chợ Cồn này.

Cái căn gác nhỏ mà sao một đời thương nhớ, không quên! Bây giờ, cụ ông, cụ bà đã về với tổ tiên. Người chị ngày xưa thường gửi thư vào nội thành động viên chúng tôi cũng không còn nữa. Chị đã mất. Ngày chúng tôi rời căn gác, có người thoát ly ra vùng giải phóng, đến chiến trường Nam Bộ, Thừa Thiên - Huế hay bị bắt vào tù; địch đã đến lục soát, lấy đi nhiều tài liệu.

Còn nhớ buổi chiều giữa tháng 5-1972, vừa viết xong một bài thơ kêu gọi “xuống đường”, Nguyễn Công Khế cầm lấy để đi đánh máy, song, việc chính là để nắm tình hình và mua thức ăn cho Trần Phá Nhạc và tôi. Mãi đến khoảng 6 giờ, vẫn không thấy Khế về. Sốt ruột, tôi xuống đường Ông Ích Khiêm, vào cái ngõ hẻm nhà Nguyễn Thị Thọ. Vừa thấy mặt, mẹ của Thọ vội vã xua tay rồi nói nhỏ: “Đi đi. Bọn chúng bị bắt hết cả rồi”.

Sau này mới biết, khoảng gần trăm người ở Đà Nẵng lúc ấy đã bị cảnh sát hốt gọn, trong tháng 5-1972… Những ngày tháng ấy, một mối liên kết vô hình đã kéo chúng tôi lại gần nhau. Về sau, cũng dần hiểu ra, lý tưởng cách mạng không chỉ đơn thuần là các mục tiêu đấu tranh cụ thể mà xa hơn, nền tảng của nó là những gì thuộc về những phạm trù tinh thần có gốc rễ từ rất xa trong quá khứ của dân tộc…

Những ngày ấy, việc Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam và dội bom ác liệt miền Bắc đã dẫn đến những phong trào chống Mỹ, đòi hòa bình, tố cáo tội ác chiến tranh… vô cùng mạnh mẽ tại khắp các đô thị miền Nam. Có lẽ, đấy là hiện tượng duy nhất trong lịch sử loài người: Cuộc chiến kéo dài 20 năm giữa những người tay không có một tấc sắt trước kẻ địch được trang bị đầy đủ các phương tiện đàn áp, giết chóc.

Những ngày ấy, giờ đây, vẫn hiện lên và còn mãi nhắc nhớ một thời. Còn mãi hình ảnh của thầy giáo Vĩnh Linh, các bạn Đặng Thanh Tịnh, Nguyễn Công Khế, Huỳnh Văn Hoa, Lương Thanh Liêm, Lê Đức Hùng, Đỗ Pháp, Lê Thị Quỳnh Dung, Lê Thị Ngọc Lan, Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Thọ, Đinh Công Hảo, Lê Tự Quảng, Nguyễn Cam, Lê Văn Thọ… Chân dung của một lớp người trẻ tuổi biết sống. Và đã chọn một cách sống đúng với tiếng gọi của dân tộc và thời đại: QUÊN MÌNH.

Nguyễn Đông Nhật

;
.
.
.
.
.