Chân dung Tề Bạch Thạch. |
Bức tranh được họa sĩ Tề Bạch Thạch vẽ vào năm 1946, mười một năm trước khi ông qua đời. Tranh khổ 1 x 2,66m, đặc tả con chim ưng đậu trên cành thông. Hai bên tranh trang trí bằng thư pháp, trình bày theo hình cuốn dọc.
Tề Bạch Thạch là họa sĩ tự học, chuyên vẽ về thực vật, động vật như cây lá, chim muông, tôm cá. Tranh của ông thường dùng mực đen và màu nước. Nét bút nhẹ nhàng, uyển chuyển, màu sắc linh động tạo nên không gian thơ mộng giữa thực và ảo. Nhiều bức vẽ về hoa sen với bố cục đứng, chặt chẽ hay nhiều bức vẽ các khóm trúc thanh mảnh và không quên thêm vào đó những con vật quen thuộc như gà tựa vào gốc trúc hay một vài con vịt trời trong các bức vẽ về sen. Thỉnh thoảng, trong số tranh nhẹ và mơ màng theo phong cách thủy mạc của ông, bất ngờ gặp được sắc màu đỏ chói hay vàng cam mạnh mẽ của những chiếc lá nho nổi bật trên nền tranh màu tím thẫm của các chùm nho chín mọng.
Tên thật của ông là Tề Thuần Chi, sinh năm 1864 tại Tương Đàm, Hồ Nam, Bắc Kinh. Làm thợ chạm gỗ và học vẽ từ năm lên 14. Đến tuổi thành niên, ông chu du khắp các vùng miền Trung Quốc vẽ và chạm khắc tác phẩm. Vì thế, ngoài tranh vẽ ra, Tề Bạch Thạch còn nổi tiếng với tài khắc triện gỗ và tự đặt cho mình biệt danh “phú ông của ba trăm triện đá” (tam bách thạch ấn phú ông). Chân dung của ông được in trên tem và phát hành tại Nga.
Tề Bạch Thạch có một dòng tranh mang phong cách riêng, phong phú cả về chất lượng và số lượng thuộc hàng bậc nhất Trung Quốc ở thế kỷ 20. Tác phẩm của ông vẫn đang được giới sưu tầm tìm kiếm. Ông mất vào năm 1957, thọ 93 tuổi.
HOÀNG ĐẶNG