.
Giới thiệu sách

500 năm hòa hợp

.
Có thể khẳng định sự hòa hợp đó qua cuốn sách “Có 500 năm như thế” của tác giả Hồ Trung Tú, phác họa hành trình tạo nên bản sắc của người dân Quảng Nam như là kết quả của sự “hòa huyết”, là quá trình giao thoa và tiếp biến văn hóa một cách bình đẳng của hai dân tộc Việt - Chăm; là sự lựa chọn để cùng tồn tại chứ không đơn thuần chỉ là sự áp đặt, cai trị từ trên xuống như hiểu biết của chúng ta trước đây về lịch sử, văn hóa vùng đất này.

Mô tả ảnh.
Với những lập luận chặt chẽ, Hồ Trung Tú đưa người đọc đến những gợi mở mà cũng chính là các phát hiện của ông về bản thân mình, rằng “sẽ có lúc chúng ta nhận ra cái bản sắc văn hóa mà chúng ta đang có nó hình thành từ xa xưa và từ nhiều nguồn gốc, với những đóng góp vào những mảng tâm hồn quan trọng chứ không phải chỉ có đơn tuyến, một chiều như đã hình dung lâu nay”. Và cái gốc của bản sắc hiện nay là nhờ có 500 năm hai tộc người sống cạnh nhau, tiếp biến và hòa vào nhau cả về lối sống, văn hóa và huyết thống.

Sử dụng phương pháp lịch sử phân kỳ, chia rồi sắp đặt lại các khu vực địa lý trong một chuỗi thời gian, tác giả đã tái dựng một bức tranh xã hội suốt 500 năm trên vùng đất Quảng Nam ngày nay. Theo diễn biến lịch sử từ đám cưới Huyền Trân năm 1306 đến ngày Gia Long lên ngôi năm 1802, qua các tài liệu lịch sử ghép với các ghi nhận điền dã về giọng nói (ngữ điệu, giọng điệu, phương ngữ) để minh họa cho luận điểm rằng Chămpa cũng là “di sản văn hóa của người Việt chứ không phải của một nền văn minh bị biến mất như các tờ rơi du lịch giới thiệu”. Giọng nói khác nhau giữa người sống ở bắc và nam con sông Thu Bồn được đối chiếu với sử liệu về 170 năm chia cắt trên đất Quảng Nam.
 
Hay cùng một “làng Thanh Quýt, chỉ một con đường làng không vừa lối cho một chiếc xe bò nhưng bên này đường thì nói mô, tê, răng, rứa còn bên kia đường thì đâu, kia, sao, dậy...”, có thực sự là “do nước uống chăng?” Tác giả khẳng định trong suốt 500 năm đó, những cư dân Chăm-Việt sống hòa hợp với nhau, các di dân Việt chỉ là thiểu số, chứ không phải người Chàm thua trận, số còn sống sót bỏ đi hết, để lại vùng đất đai hoang vu vắng bóng người. Người Chàm vẫn là số đông dân cư của vùng đất từ Thanh Chiêm vào Cổ Lũy, tức nam Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay. Và họ giữ gìn từng mẩu bản sắc của cha ông, đến nay những mẩu bản sắc đó là những tính cách đặc trưng của người Quảng, như nhận xét của ông là “… phảng phất đâu đó trong tính cách người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên một nét văn hóa, tính cách bất chợt lộ ra, nhiều khi xa lạ như người nước ngoài, khó nhọc diễn đạt ý tưởng, thô mộc trong ứng xử, chỉ lấy sự chân thành để bù đắp, lấy sự quyết liệt để thay thế cho sự tinh tế thị thành”.

Với hơn 250 trang cho một khảo luận, sự tìm tòi của tác giả với nhiều dữ liệu, luận cứ mới mẻ, mở ra một cái nhìn mới về sự tiếp biến và giao thoa văn hóa và cả huyết thống giữa Việt và Chàm, chứ không phải là sự biến mất hay bỏ đi cả của người Chàm. Công trình của tác giả Hồ Trung Tú mang ý nghĩa như một gợi ý khởi đầu cho một công cuộc nghiên cứu bản sắc một vùng đất vốn ẩn chứa nhiều nét văn hóa đặc thù như Quảng Nam.

Hoàng Nhung

* Đọc sách Có 500 năm như thế-Bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử - Hồ Trung Tú. NXB Thời đại và Phương Nam Book ấn hành quý 1-2011.
;
.
.
.
.
.