.

Hiệu quả từ sơ cấp cứu

.
Dù chỉ làm nghề xe ôm nhưng lúc nào, anh Phạm Tấn Lực (Hòa Minh, Liên Chiểu) cũng mang theo chiếc túi đựng y cụ. Anh nhớ mãi một lần khoảng 4 giờ sáng, chở vợ đến cảng cá Thuận Phước, đi qua Trường Cao đẳng Công nghệ thấy có người bị xe đụng gãy chân, anh đã nhờ người chở vợ đến cảng cá, còn anh ở lại sơ cấp cứu (SCC) cho người bị nạn rồi đưa họ vào bệnh viện…

Mô tả ảnh.
Buổi tập huấn sơ cấp cứu.
 
Không mong chuyện trả ơn

Phường Hòa Minh nằm trên tuyến đường ngã ba Huế, Tôn Đức Thắng chạy thẳng tới chân đèo Hải Vân, mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe qua lại nên những tai nạn, rủi ro thường xuyên xảy ra. Việc SCC rất quan trọng và cần thiết để giúp đỡ người bị nạn. Hiện phường Hòa Minh có 2 đội tình nguyện viên (TNV), mỗi đội có 20 người, ngoài ra còn có 1 đội xe ôm an toàn gồm 10 người. Tất cả những TNV này đều trải qua các lớp tập huấn, thường xuyên rèn luyện kỹ năng, thao tác trong quá trình SCC để bất cứ địa điểm nào gặp người bị nạn đều có thể thực hiện SCC đúng kỹ thuật, kịp thời cho nạn nhân.

Ông Nguyễn Hữu Tùy - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) phường Hòa Minh mô tả công việc trong một câu ngắn gọn: Đang ngồi trong nhà cứ nghe cái “rầm” là anh chị em TNV quơ vội chiếc túi cứu thương chạy nhào ra đường.  Chỉ cần trễ một chút là người bị nạn dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Hầu hết các TNV đều làm nghề tự do, thuộc nhiều độ tuổi. Điểm SCC được chọn đặt ở những nhà TNV ven đường, nơi có mật độ giao thông cao, mỗi khi tai nạn xảy ra là các TNV đều có mặt kịp thời. Tính từ đầu năm 2011 đến nay, đội SCC của phường đã thực hiện SCC cho 34 trường hợp trước khi người bị nạn được đưa đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện.

Là Phó Chủ tịch Hội CTĐ phường Hòa Minh kiêm phụ trách đội SCC, nhà riêng của anh Nguyễn Văn Thị cũng là một chốt SCC nhiều người biết. Gắn bó với công việc này đã lâu nên cứ mỗi lần nhận điện thoại thông báo có người bị nạn là anh sẵn sàng đi ngay. Nhiều trường hợp được anh sơ cứu rồi đưa đến bệnh viện an toàn, gia đình tìm đến cảm ơn nhưng anh cũng như những TNV khác không mong chuyện trả ơn.

Mở rộng mô hình

Năm 2009, Hội CTĐ TP. Đà Nẵng phát động chương trình Phòng tránh tai nạn thương tích và đẩy mạnh cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, giúp công tác SCC trên địa bàn thành phố có những tiến triển rõ rệt. Trong năm 2010, Hội đã tổ chức tập huấn cho gần 200 lớp SCC, đồng thời duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của 11 đội xe ôm an toàn, xây dựng, phát triển 150 điểm SCC tình nguyện tại cộng đồng. Riêng đội xe ôm an toàn ngoài việc được trang bị áo, mũ, dụng cụ cũng được tham dự các lớp tập huấn thường xuyên để nâng cao kỹ năng.

Ông Nguyễn Văn Lưu , hướng dẫn viên SCC và phòng ngừa thảm họa Hội CTĐ Việt Nam cho biết: SCC ban đầu rất quan trọng, có thể quyết định sự sống chết, phục hồi chức năng hoặc tàn tật vĩnh viễn đối với người bị nạn. Năm 2010 các TNV, hội viên đã thực hiện 1.030 trường hợp SCC và chuyển viện an toàn. Ông cũng cho biết thêm: “Làm nhân đạo không có chỉ tiêu nhưng cũng đưa ra để phấn đấu, tập huấn và cố gắng hoàn thành tốt công việc. Trước đây Hội chỉ thực hiện thí điểm ở 12 xã, phường thường xuyên xảy ra thiên tai, mỗi điểm có 25 TNV nhưng giờ 56 xã, phường trên địa bàn thành phố nơi nào cũng có các điểm SCC. TNV được tư vấn, hướng dẫn để nắm rõ về phương pháp, kỹ năng, được hỗ trợ túi y cụ để giảm thiểu thương tích khi tai nạn xảy ra”.

Theo ông Trần Mãng, Chủ tịch Hội CTĐ phường Hòa Thọ Tây, hiện phường có 20 TNV của đội xe ôm an toàn và 15 TNV của Hội CTĐ đặt rải rác ở 14 chi hội trên địa bàn phường. Năm 2010 các TNV đã SCC được hơn 40 trường hợp bị nạn chủ yếu trên các tuyến quốc lộ 1A, 14B. Các TNV không những không nhận được một khoản hỗ trợ nào, thậm chí nhiều người đang chở khách thấy người bị nạn đành phải nói khó với khách để có thể xuống giúp người bị nạn, người thông cảm thì không sao nhưng vẫn có người bị khách bực mình bỏ đi không phải là chuyện hiếm.

Do được tập huấn thường xuyên nên công tác SCC hiện nay rất chuyên nghiệp, được các y bác sĩ đánh giá cao vì đã thực hiện đúng các quy trình để bảo đảm an toàn cho người bị nạn, đồng thời tránh được những dị tật về sau. “Tuy nhiên trong một số trường hợp, người bị nạn tỏ ra không hợp tác vì cho rằng họ không phải là y bác sĩ, chỉ đến khi TNV giới thiệu và đưa thẻ của Hội CTĐ ra họ mới tin. Cũng có trường hợp người bị nạn không cho lại gần vì sợ là kẻ gian… Những lúc như thế TNV chỉ có thể cố gắng thuyết phục người bị nạn hoặc giữ nguyên hiện trường và gọi 115”, ông Tùy cho biết thêm.

Thu Hà
;
.
.
.
.
.