Đà Nẵng hiện là một trong những tỉnh, thành đầu tiên trong cả nước sử dụng hoàn toàn nguồn máu nhân đạo trong việc cứu người ở các bệnh viện. Và không chỉ hiến máu cứu người như một nghĩa cử cao đẹp, hiện đã có 4 người làm đơn xin hiến cơ thể, 2.800 người xin hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.
Hiến tặng nội tạng mong cứu người
“Sống và chết đều có ích, mới nở hoa trong cuộc đời”, từ quan điểm đó, anh Lê Chí Bảy mong muốn hiến xác sau khi mình qua đời. |
Anh Lê Chí Bảy qua khỏi sau 4 lần tai biến mạch máu não như một sự thần kỳ, và như anh nói là “rất ngạc nhiên” bởi sau đó anh khỏe trở lại, đi làm bình thường. Trước tết vừa qua, trở về từ bệnh viện khi lần thứ 3 đi cấp cứu trong cơn nguy kịch, anh Bảy đã viết một lá thư đầy tâm huyết gửi Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng, bày tỏ ý nguyện được “hiến toàn bộ cơ thể cho sự nghiên cứu khoa học ngành y. Riêng các bộ phận nội tạng hiến cho người nghèo có bệnh mà không chữa được bệnh, phần này tôi ưu tiên cho người nghèo phường Hòa Hải, bởi những người dân Hòa Hải đã nuôi tôi trong những năm chống Mỹ cứu nước”. Đã mấy lần anh Bảy nói đến chuyện hiến tạng nhưng vợ anh gạt đi, anh bảo có thể chị và các con sẽ không đồng ý nên anh mới viết thư cam kết bày tỏ tâm tư nguyện vọng. Anh bảo những người bệnh khó khăn thì mình giúp, đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn là người có ích, vì mình đã để lại được cái gì có ý nghĩa.
Có thể khi bài báo này đến với bạn đọc thì gia đình, bạn bè anh Lê Chí Bảy mới biết được ý nguyện của anh. Nhưng nói như anh là sống và chết đều có ích, mới nở hoa trong cuộc đời thì chuyện lìa bỏ thế gian của những người muốn hiến tặng cơ thể sẽ trở nên nhẹ nhàng, đơn giản hơn rất nhiều. Như chị Đặng Thị Hường mong muốn được hiến xác cho Trường Y khoa Huế và hiến giác mạc cho người cao tuổi ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, nơi gia đình chị sống mấy chục năm nay. Chị Hường cho rằng lời kêu gọi hiến tạng tặng những người bệnh hiểm nghèo cần ghép tạng đã xuất hiện ở nước ta nhiều năm rồi, vì vậy cần phải có những người đi đầu tự nguyện, chứ không thể người nọ chờ người kia. Với chuyện hiến xác, chị nghĩ rất đơn giản: trong khi có người cần mà mình chôn thì lãng phí. Chị Hường có lẽ cũng là người trẻ nhất hiện nay ở Đà Nẵng bày tỏ ý định hiến xác, khi chị chưa đầy 50 tuổi. Cùng suy nghĩ như chị Hường, chú Thái Tạo ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà đã ghi rõ việc hiến tạng trong di chúc, mong muốn con cháu sẽ thực hiện khi chú qua đời. Ông bảo “Chết rồi cũng về với đất, nên quan trọng là sống thế nào, cần phải đối xử với nhau theo đúng đạo lý, nên tôi coi chuyện hiến giác mạc hay các bộ phận trong cơ thể là chuyện thường, không có gì quan trọng”.
Ở các nước châu Âu, việc hiến mô tạng là rất phổ biến trong khi ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á khác, quan niệm người chết phải được ra đi một cách nguyên vẹn nên nguồn mô tạng rất eo hẹp. Hiện cả nước đang có hàng ngàn người chờ ghép tạng nhưng không thể thực hiện được vì nguồn tạng quá khan hiếm. Việc tuyên truyền vận động hiến tặng giác mạc mới được triển khai ở 11 tỉnh, thành và hiện Đà Nẵng có 2.800 người đăng ký sẽ tặng giác mạc sau khi qua đời. Hội Chữ thập đỏ thành phố đã thành lập 7 câu lạc bộ những người đăng ký hiến giác mạc để giữ mối liên lạc với người cho sau này.
Hiến những giọt máu quý
Với tỷ lệ 99,5% nguồn máu sử dụng trong các bệnh viện hiện nay là từ người hiến tặng, Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương trong cả nước có người hiến máu tình nguyện đông nhất, không còn người bán máu; trong khi dân số của thành phố chỉ chiếm khoảng 2% dân số toàn quốc. Điều đó chứng tỏ công tác vận động hiến máu và những người sẵn sàng hiến máu cứu người, vì cộng đồng đang trở thành một nét đẹp trong lối sống của nhiều người dân. Ngoài hiến máu, nhiều thanh niên cũng sẵn sàng hiến tiểu cầu cứu giúp người bệnh, khi Bệnh viện Đà Nẵng trang bị máy lọc tiểu cầu ở khoa Huyết học. Thành phố cũng đã thành lập những đội hiến máu tình nguyện như những ngân hàng máu sống, sẵn sàng hiến máu khi có yêu cầu với trên 300 thành viên, tập trung ở 13 điểm, phân bố trên khắp các xã, phường và trường học.
Ngoài ra, câu lạc bộ 25 của Đà Nẵng được thành lập những năm gần đây như mô hình quốc tế “Câu lạc bộ quốc tế 25, một thế giới... một dòng máu”, đã liên kết những người hiến máu trẻ, có số lần hiến từ 15 lần trở lên, duy trì sự hiến máu nhắc lại, có người đã hiến gần 40 lần. Cách đây 2 năm, câu lạc bộ máu hiếm (Rh âm) của thành phố mới có 10 thành viên, nhưng hiện nay con số này đã là 15 người và tất cả các bệnh viện ghi nhận đến nay chưa có ca cấp cứu nào người bệnh thuộc nhóm máu hiếm mà bị thiếu nguồn máu.
Hiến máu là một việc hết sức bình dị mà ai cũng có thể làm được, nhờ suy nghĩ đó, Đà Nẵng có những con người sẵn sàng nhường những giọt máu, hay hiến tặng một phần thân thể quý giá của mình cho người khác, mong đời sẽ nở hoa.
Hoàng Nhung