Sau gần 13 năm bị tai biến liệt nửa người, đây là lần thứ ba nhà văn trở lại Đà Nẵng. Đi lại khó khăn, vẫn trên chiếc xe lăn nên mỗi lần đi xa phải có một nhóm “tùy tùng”, ngoài vợ là nhà thơ Mỹ Dạ còn phải có thêm ít nhất 2, 3 người nữa phụ giúp. Phiền phức, tuế toái đến thế nhưng tác giả Người hái hoa phù dung khi có điều kiện là lên đường. Huống chi lần này, được trở lại một nơi chốn từng gắn bó sâu nặng, từng giúp nhà văn viết nên tập bút ký Rượu Hồng Đào chưa uống đã say làm lay động lòng người, cũng là nơi mà anh bị tai biến hôn mê sâu gần 3 tháng trời ở Bệnh viện Đà Nẵng và hồi sinh.
Vẫn là nơi căn phòng lầu 3 của Đại học Duy Tân (cơ sở đường Quang Trung) nơi mà ngày trước mỗi lần vào Đại học Duy Tân giảng dạy giáo trình Văn hóa Phú Xuân anh thường ở lại. Không biết vì cảnh cũ người xưa hay vì bận tiếp anh em bạn bè mà có vẻ anh không được khỏe, nhưng gặp lại nhau – vẫn thế, luôn muốn tâm tình nhiều chuyện. Anh hỏi tôi sao lâu nay không thấy về Huế chơi. Tôi ậm ự, vì thật ra nhiều khi vội không ghé thăm anh. Nhưng rồi vì những lý do gì đó, nhiều khi thấy mình như có lỗi. Tôi cũng gần anh nhiều năm, biết cái tính anh thích ngao du đánh bạn với nhiều người, thích rong chơi ta ba khắp mọi miền đất nước, thế mà bây giờ phải ngồi một mình đối bóng với chính mình, với nỗi cô đơn sâu thẳm không thể cưỡng lại được.
Bìa tập bút ký Lời tạ từ gửi một dòng sông . |
Biết, nhưng như một sự hờn dỗi, sao thế anh. Khởi đi từ Ai đã đặt tên cho dòng sông và bây giờ là tạ từ dòng sông. Anh biết không, rất nhiều người từng nhiều năm đọc anh, họ cho đó là một niềm hạnh phúc. Nên khi nghe tin, phần đông đều cảm thấy hụt hẫng. Và văn chương nói cho cùng nếu không đem đến cho con người niềm hạnh phúc an ủi thì đâu còn lý do và ý nghĩa để tồn tại. Tôi gặng hỏi.
Mình không viết nữa đơn giản mình đâu còn có cơ hội để đi nữa đâu. Đi, chuyển dịch là niềm đam mê, là năng lượng cuộc sống của mình, tách biệt cắt đứt nó khác gì mình đoạn tuyệt với hơi thở của hiện thực. Không thể ngồi tưởng tượng để mà viết, lâu nay từ ngày lâm bệnh đến giờ có bao nhiêu gan ruột trong lòng, ký ức, trí nhớ đã lôi ra hết, giờ không còn năng lượng để tiếp tục viết, có viết cũng là một điều không thật với bạn đọc, điều ấy không nên, anh tâm tình.
Đúng rồi, bởi vì đối với Hoàng Phủ từng có một quan điểm rạch ròi rằng: Nhân cách của một nhà văn lớn mãi mãi là sự chân thực. Chân thực trong cuộc sống và cả trong tác phẩm văn chương. Không thể làm khác đi được. Và nghĩ lại, thế mà 13 năm nay Hoàng Phủ cũng đã từng cho ra đời 6 tập bút ký. Một sự nuôi dưỡng cảm xúc được chắt lọc và lắng đọng được như thế cũng đủ làm cho bạn đọc cảm phục. Nhưng thôi, đừng nên đòi hỏi nhà văn nhiều hơn nữa, nhà văn dù có tài hoa đến mấy cũng phải hạn hữu trước số phận và thời gian.
Về Lời tạ từ gửi một dòng sông, theo tác giả, sau những chiêm nghiệm chìm nổi của đời người, đã nghiệm ra rằng: Bỏ đi tất cả mọi yếu tố quanh nó, sông Hương trong lời tạ từ vẫn là hiện thân của một nỗi bình yên mà thiên nhiên đã ban tặng cho những ai từng gắn bó yêu thương dòng sông như người bạn đời sẻ chia dâu bể.
Trong câu chuyện hàn huyên bên sông Hàn, bạn bè cứ luyến tiếc về “sự cố” của nhà văn Hoàng Phủ không còn tiếp tục viết nữa. Sợ cứ phải day dứt bởi câu chuyện về lời tạ từ, anh Lê Diễn mới đùa: Biết đâu nhờ bệnh mà anh sống lâu chứ như ngày xưa anh uống rượu như nước lạnh, uống cả ngày, mà bất cứ rượu nào anh cũng chẳng chừa, có mà chết sớm…
Anh cười và kể một câu chuyện về rượu nhưng lại mang một sắc thái văn hóa. Có lần một đoàn nhà văn Nga đến Huế, vì thời bao cấp còn khó khăn, anh em văn nghệ mới mời đoàn nhà văn nước bạn qua một quán nhỏ ở dốc Bến Ngự uống rượu làng Chuồn, một đặc sản rượu Huế. Nói thế, nhưng anh em ở địa phương cũng biết rằng rượu cũng không còn nguyên chất lắm, chắc có pha thêm rượu sắn. Thế nhưng mấy bạn nhà văn Nga đều khen. Có người uống hết một ly cối đầy và sau đó xin thêm một ly cối khác để uống, và khen: Ngon hơn cả Volka, vì thế họ không phải khen theo kiểu ngoại giao. Thế đấy, dân mình vẫn cứ có thói quen coi thường những sản phẩm do mình làm ra…
Đêm đó, chia tay anh chị Hoàng Phủ Ngọc Tường trong sự bùi ngùi, ngoài kia sông Hàn đang lung linh sắc màu chờ tung tẩy pháo hoa trên bầu trời. Sông Hương, sông Hàn, sông Thạch Hãn… những dòng sông muôn đời là khát vọng của thi nhân.
Hồ Sĩ Bình