.

LHQ kêu gọi sử dụng năng lượng tái tạo

.
Thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản. Bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi kéo dài. Vấn đề năng lượng trở nên nóng hơn và cũng là điều “trăn trở” nhất của LHQ cho thế giới trong tương lai. Các chuyên gia của tổ chức lớn nhất thế giới này kêu gọi các quốc gia thành viên hãy ủng hộ tuyệt đối cho những nguồn năng lượng thay thế nhằm giúp thế giới ổn định lâu dài trong tương lai.

Mô tả ảnh.
IPCC đang báo cáo kết quả nghiên cứu của mình.
 
Hội đồng liên minh về biến đổi khí hậu (IPCC) vừa đưa ra báo cáo với triển vọng cực kỳ sáng sủa rằng tới năm 2050 những nguồn năng lượng tái tạo có thể cung cấp tới 77% nhu cầu về năng lượng cho toàn thế giới. Tuy nhiên, để đạt được con số hấp dẫn đó thì theo IPCC điều cốt yếu nhất là chính phủ các nước phải quyết tâm ủng hộ cả về tài chính lẫn yếu tố chính trị cho phát triển những nguồn năng lượng này. Ramón Pichs Madruga, một thành viên của IPCC nói rằng chính sách mở rộng hay hạn chế phát triển năng lượng sạch sẽ quyết định rất lớn tới vấn đề năng lượng cho thế giới trong thời gian tới. Vấn đề kỹ thuật và địa lý đa dạng là hai thách thức lớn nhất cho kế hoạch này.

120 chuyên gia và nhà nghiên cứu của IPCC đã viết báo cáo dày một nghìn trang khi so sánh 160 kịch bản khác nhau về vấn đề sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giúp đại diện các quốc gia thành viên của LHQ thảo luận kỹ hơn, sâu hơn về vấn đề này. Báo cáo cũng nói rõ những nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng sinh học, gió, mặt trời, địa nhiệt, thủy điện và năng lượng đại dương hiện nay chỉ mới chiếm được 13% nhu cầu năng lượng toàn cầu. Để đạt chỉ tiêu cung cấp gần 80% nhu cầu năng lượng toàn cầu trước năm 2050 thì chính phủ các nước, tổ chức và cá nhân phải đầu tư khoảng 51 nghìn tỷ USD từ nay tới năm 2020, và khoảng 72 nghìn tỷ USD nữa từ năm 2021 tới 2030.

 Lợi ích thấy rõ là sức khỏe người dân tốt hơn nhờ bầu không khí trong lành hơn, lượng khí carbon dioxide giảm đi hàng trăm triệu tấn nên nhiệt độ có thể xuống khoảng 2oC. Bức tranh mà IPCC “vẽ” ra đương nhiên sẽ cần rất nhiều thời gian để các quốc gia thảo luận và tìm ra phương án khả thi nhất, nhưng rõ ràng trong hoàn cảnh nhiều quốc gia bắt đầu e ngại về thảm họa của nhà máy điện hạt nhân mà bài học nhãn tiền từ Fukishuma (Nhật Bản) nên những giải pháp thân thiện với môi trường, có tính bền vững và không phụ thuộc đối tác rất được quan tâm.

 

Vì sao Bill Gates không ủng hộ?

 

Trong cuộc họp ở New York tuần trước, tỷ phú Bill Gates (ảnh) bày tỏ thái độ không ủng hộ năng lượng tái tạo vì cho rằng năng lượng hạt nhân đang ngày một phát triển và hiệu quả. Tuy nhiên, người ta phát hiện ra rằng tỷ phú ngành máy tính này đang đầu tư vào nhà máy điện hạt nhân TerraPower nên chuyện ông không ủng hộ năng lượng tái tạo là điều dễ hiểu.

Anh Thư
;
.
.
.
.
.