.

Phòng bệnh chủ động

.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhờ được bú sữa mẹ nên trẻ em khi mới ra đời đã được miễn dịch với nhiều bệnh, nhưng thời gian miễn dịch chỉ kéo dài trong khoảng 1 tháng cho tới 1 năm. Nếu không được tiêm văcxin và bị phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh thì cơ thể trẻ sẽ không đủ sức chống lại bệnh tật. Và tiêm văcxin là phương pháp phòng bệnh chủ động, có hiệu quả tốt, giảm được tử vong và ít tốn kém nhất so với phí tổn điều trị.

Mô tả ảnh.
Bác sĩ tư vấn cho người dân về các mũi văcxin cần tiêm.

 

Ngừa 8 bệnh cho trẻ dưới 1 tuổi

Năm 1985, Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) trên toàn quốc với 6 bệnh phổ biến và nguy hiểm là lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi. Năm 1997 bổ sung thêm văc-xin viêm gan B và năm 2010 là văcxin Hib. Đến nay cả nước có hơn 90% số trẻ dưới 5 tuổi được tiêm chủng. Và Việt Nam đã đạt được các mục tiêu cam kết quốc tế là thanh toán được bệnh đậu mùa, bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và đang tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2012.

Bác sĩ Đoàn Ngọc Hòa Phát, Trưởng trạm Y tế phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cho biết, trước đây phường là vùng tập trung chủ yếu những gia đình làm nghề biển, bà con ít quan tâm đến chuyện tiêm chủng ngừa bệnh cho trẻ nhỏ. Đến mỗi đợt tiêm, nhân viên y tế phải xách thùng thuốc xuống từng khu dân cư, tiến hành tiêm vét. Nhưng hiện nay ý thức phòng bệnh của người dân rất cao, họ chủ động gọi điện đến Trạm Y tế hỏi lịch tiêm hoặc xin tư vấn về thời gian tiêm các loại văcxin.

Theo số liệu ở Trung tâm (TT) Y tế dự phòng thành phố, tỷ lệ mắc các bệnh trong chương trình tiêm chủng như bệnh ho gà, bạch hầu, sởi giảm rõ rệt. Trong giai đoạn từ năm 2006-2010, mỗi năm chỉ có một vài ca mắc bệnh sởi và cao nhất là năm 2009 với 85 ca.

Lựa chọn phòng bệnh hiệu quả

 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có 14,5 triệu trẻ bị viêm phổi nặng do vi khuẩn phế cầu và 800.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong vì bệnh này; vi khuẩn Hib gây bệnh viêm phổi và viêm màng não cho khoảng 8 triệu trẻ và làm 400.000 trẻ tử vong; hơn nửa triệu trẻ chết vì tiêu chảy do virus Rota. Các bệnh nêu trên đều có thể dự phòng được bằng văcxin.

Khoảng một tháng trở lại đây, mỗi ngày TT Y tế dự phòng thành phố tiến hành tư vấn và tiêm cho hàng trăm người có nhu cầu tiêm phòng văcxin bệnh thủy đậu và Rubella. Trong 4 tháng đầu năm đã có 3.036 lượt người tiêm văcxin phòng bệnh thủy đậu, trong khi cả năm 2010 là 2.673 lượt người tiêm; số người tiêm văcxin Rubella (văcxin 3 trong 1 sởi-quai bị-Rubella) là 4.046 lượt người, tăng gấp đôi so với năm 2010 là 2.059 lượt người.

 

Ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc TT Y tế dự phòng thành phố cho rằng, hiện nay hàng trăm người đổ xô đi tiêm văcxin phòng hai bệnh trên bởi Đà Nẵng cũng như nhiều tỉnh, thành đang xuất hiện dịch bệnh, điều đó chứng tỏ ý thức phòng bệnh của người dân tăng rất cao so với trước đây. Nhưng mặt trái của vấn đề là chuyện phòng bệnh của người dân cũng luôn ở trong tâm thế bị động, tức khi có bệnh, sợ mới phòng bệnh, chứ họ không chủ động phòng bệnh từ trước. Và nếu như trong cơ thể đã ủ mầm bệnh, thì khi tiêm văcxin, bệnh sẽ phát ra và mũi tiêm không còn tác dụng.

Chị Ngô Thị Bé ở số 370 Ngô Quyền cho biết, chị ưu tiên tiêm một số văcxin phòng bệnh cho cô con gái 2 tuổi trước, như ngừa bệnh thủy đậu, Rubella, viêm não Nhật Bản. Chị Bé cho rằng việc tiêm phòng cho con trước, phải tính toán chi phí bỏ ra trong từng thời điểm, không tiêm ồ ạt phòng nhiều bệnh trong thời gian ngắn vì sợ “đội sổ ngân sách”. Bác sĩ Dương Ấm Mậu, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và văcxin sinh phẩm, TT Y tế dự phòng Đà Nẵng cho biết, trước đây người dân chỉ chọn lọc những bệnh quan trọng để tiêm phòng, nhưng những năm gần đây các bệnh đều được tiêm phòng như nhau, chứng tỏ người dân ngày càng quan tâm đến vấn đề sức khỏe. Nhưng giá một số loại văcxin được xem là khá cao so với thu nhập trung bình của nhiều người cũng khiến họ cân nhắc có nên tiêm hay không, như văcxin Rotarix dành cho những bé chưa đến tuổi ăn dặm, phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rota virus giá gần 1,6 triệu đồng/2 lần uống.

Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.