.

Thích nghi để phát triển

.
Chủ động phòng tránh nhưng thích nghi để phát triển là câu nói cửa miệng của ông Nguyễn Văn Lưu, Trưởng ban Tuyên huấn Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) TP. Đà Nẵng về công tác tuyên truyền phòng ngừa thảm họa, phòng chống tai nạn thương tích trong cộng đồng những năm gần đây…

Mô tả ảnh.
Hội CTĐ TP. Đà Nẵng tiếp nhận tiền ủng hộ của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn thành phố.
 
Vì một thành phố an toàn

Năm 2010, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 1491/QĐ-UBND về việc thực hiện Quyết định 1002/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”, nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Trong đó, Hội CTĐ TP. Đà Nẵng đóng vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân.
Nằm ven khu vực sông Cẩm Lệ nên chỉ sau 4, 5 ngày mưa liên tục, trên địa bàn phường Hòa Thọ Đông thường xuyên xảy ra lụt, ngập úng cục bộ. Để chủ động phòng tránh, Hội CTĐ phường đã lồng ghép công tác tuyên truyền trong các cuộc họp tổ dân phố, nhằm khuyến cáo người dân chuẩn bị chằng chống nhà cửa, đèn pin, loa làm phương tiện liên lạc trước mùa mưa bão. Ông Phan Ngọc Nam, Chủ tịch Hội CTĐ phường đúc kết, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, trước mỗi mùa mưa bão, phường đều chuẩn bị áo phao, phao cứu sinh cho những khu vực nguy hiểm. Theo đó, mỗi khu dân cư sẽ được trang bị 10 áo phao, 100 mét dây thừng, 2 phao cứu sinh, khuyến cáo người dân không được chằng chống nhà cửa khi mưa to, gió lớn đang diễn ra…

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, trong năm 2010, Hội CTĐ huyện Hòa Vang và các quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê… đã tổ chức 59 lớp tập huấn về phòng ngừa thảm họa cho 2.971 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và 2.000 học sinh tiểu học trong vùng trọng điểm thiên tai. Bên cạnh đó, Thành Hội đã phối hợp với Ban điều hành dự án nâng cao năng lực quản lý thảm họa dựa vào cộng đồng của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố do tổ chức Malteser (Đức) tài trợ; mở 65 lớp tập huấn và sơ cấp cứu cho 13 xã, phường trọng điểm cũng như vận động 1.297 ngày công tham gia công tác phòng ngừa thảm họa trước mùa mưa bão.

Theo ông Nguyễn Văn Lưu, để phục vụ cho công tác tuyên truyền, hàng trăm tình nguyện viên đã được trang bị kiến thức, kỹ năng và phương tiện sơ cấp cứu. Đội ngũ tuyên truyền viên sẽ tư vấn, hỗ trợ những gia đình khó khăn được lắp đặt điện sinh hoạt, tay vịn cầu thang, lan can gác lững, kệ bếp nấu ăn, nắp đậy giếng nước, hàng rào ao hồ để có được một nơi ở an toàn.

Ngoài ra, trong việc chủ động phòng tránh, không thể không nhắc đến mô hình nhà tránh bão đa năng. Ông Nguyễn Đăng Lâm, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung cho biết, trong điều kiện thời tiết bình thường, những ngôi nhà này là trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng nhưng khi xảy ra mưa lụt sẽ trở thành nơi trú ẩn với đầy đủ nhà bếp, nhà vệ sinh, kho dự trữ lương thực, phương tiện liên lạc với bên ngoài, hạn chế tình trạng bùng phát dịch bệnh... 

Mỗi học sinh là một tuyên truyền viên

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, với tinh thần quốc tế cao cả, cán bộ, nhân dân, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể thành phố Đà Nẵng và cán bộ, hội viên Hội CTĐ thành phố đã vận động hơn 5,605 tỷ đồng góp phần ủng hộ nhân dân Nhật Bản khắc phục hậu quả thảm họa động đất, sóng thần.
Bên cạnh giáo dục ý thức người dân, các cấp Hội CTĐ cũng đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh triển khai chương trình giới thiệu phòng ngừa thảm họa cho học sinh lớp 4 và 5. Khi bão lũ xảy ra, học sinh sẽ biết cách bảo quản các giấy tờ quan trọng trong túi ni-lông dán kín; dự trữ lương thực, thực phẩm, chất đốt, nước sạch, thuốc men và các vật dụng cần thiết khác ở nơi cao ráo; trông nom các em nhỏ và luôn luôn ở gần bố mẹ; xác định vị trí an toàn để trú ẩn nếu phải sơ tán khỏi nhà; kêu cứu thật to khi có bạn bị ngã xuống nước…

 Ông Phan Thanh Thế, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đăng Lưu, một trong những trường tham gia thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực cho các trường học quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại miền Trung - Việt Nam” với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp cùng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng thực hiện từ tháng 3-2010 nhận xét: Các đợt tập huấn đã giúp học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, chia sẻ thông tin và phòng tránh, khắc phục hậu quả do thiên tai ở nhà trường và cộng đồng.

Về điều này, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT thành phố khẳng định, dự án này sẽ giúp cho mỗi học sinh trở thành một tuyên truyền viên tích cực, cùng chung tay xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố an toàn, một nơi đáng sống.

Tiểu Yến
;
.
.
.
.
.