Quãng 14 giờ chiều mồng 2 Tết (nhằm ngày 28-1-1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng Đoàn cán bộ Cách mạng đã đặt chân đến cột mốc biên giới 108. Như vậy, sau 30 năm ra nước ngoài hoạt động Cách mạng, tìm đường cứu nước, mùa xuân Tân Tỵ, Bác đã trở về Tổ quốc. Pác Bó, Khuổi Nậm được chọn làm nơi dừng chân.
Bác Hồ làm việc tại Pắc Bó (Cao Bằng) trong những năm 1940. (Ảnh tư liệu) |
Những ngày đầu ở Pác Bó
Pác Bó là địa điểm ở gần biên giới Việt – Trung, rất thuận lợi cho việc thông tin và hỗ trợ lẫn nhau giữa Cách mạng hai nước. Pác Bó, Khuổi Nậm là vùng quê có núi cao, rừng rậm, suối sâu, hiểm trở, bí mật nhưng lại không quá xa dân, xa làng bản, “công, thủ, tiến, thoái” khi có giặc đều rất khả dĩ. Các bản làng của người Tày, người Nùng quanh khu vực Pác Bó chở che, đùm bọc cán bộ Cách mạng. Ấy là lá chắn vững chãi cho căn cứ địa. Những năm đầu của thập niên bốn mươi (thế kỷ XX), Pác Bó nói riêng, Cao Bằng nói chung được đánh giá là một trong những địa phương có phong trào Cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ nhất vùng rừng núi phía Bắc. Các tầng lớp nhân dân, già trẻ, gái trai rất nhiệt tình tham gia, ủng hộ, bảo vệ cách mạng bằng những việc làm rất thiết thực, hiệu quả mà không một chút ngại ngần gian khổ, hy sinh.
Buổi lễ thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; Võ Nguyên Giáp (bìa trái), Hoàng Văn Thái cầm cờ (người đội mũ). |
Chỉ ít năm sau ngày Bác Hồ về nước, trên mảnh đất Cao Bằng, đội “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” với 34 chiến sĩ do ông Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã được thành lập và sau đó không lâu là chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần rất trọn vẹn, rất vẻ vang. Cao Bằng từ phong trào yêu nước, Cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú, như anh Kim Đồng, bà Nông Thị Trưng (người được Bác Hồ đặt tên và sau năm 1954 là Chánh án Tòa án tỉnh), các vị tướng tài ba: Đàm Quang Trung, Lê Quảng Ba, Vũ Lập, Bằng Giang, v.v…
Về việc chọn hang Pác Bó làm nơi ở của Bác, trong hồi ký của mình, ông Lê Quảng Ba đã ghi lại lời Bác nói riêng với cán bộ khi đoàn mới về nước. Đại ý, Bác nói: “Nhà dân đã nghèo, lại chật hẹp và đang gặp khó khăn về đời sống, chúng ta lại đông người, không nên làm phiền dân, ta không nên ở nhà, phải sau sán thôi”. (Sau sán tiếng địa phương có nghĩa là vào núi). Lời dặn này của Bác cho chúng ta hiểu thêm sự đồng cảm và tấm lòng yêu thương vô hạn mà Bác đã luôn dành cho những người dân bình thường sống nơi “thôn cùng, xóm vắng”.
Những ngày ở Cao Bằng, Bác rất quan tâm đến việc bồi dưỡng lý luận, bồi dưỡng phương pháp hoạt động Cách mạng cho cán bộ và việc tuyên truyền, giác ngộ Cách mạng cho quần chúng nhân dân. Bác dịch Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, viết bài cho báo Việt Nam độc lập. Các bài thơ: “Khuyên đồng bào mua báo Việt Nam độc lập”, “Mười chính sách của Việt Minh”, “Dân cày”, “Công nhân”, “Phụ nữ”, “Kêu gọi thiếu nhi”, “Ca binh lính”, “Hòn đá”, v.v… chính là những tác phẩm mang tính cổ vũ, tuyên truyền được Hồ Chí Minh sáng tác trong thời kỳ này.
Một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển của Cách mạng Việt Nam là vào tháng 5-1941, Bác đã cùng với Ban chấp hành Trung ương Đảng mở Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Từ hội nghị lịch sử này, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) đã ra đời.
Tư tưởng Đại đoàn kết dân tộc của Người
Sự ra đời và lan tỏa rộng khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam của Mặt trận Việt Minh đã làm cho phong trào yêu nước và Cách mạng nước ta phát triển vô cùng mạnh mẽ với một tầm cao mới. Qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, Đảng ta đã thành lập các tổ chức Mặt trận để thu hút, tập hợp quần chúng hướng vào một mục tiêu chung là đấu tranh cho nền Độc lập, Tự do của Tổ quốc.
Đầu những năm bốn mươi của thế kỷ trước, thế giới và nước ta diễn ra nhiều sự kiện rất to lớn, tình hình trong nước, ngoài nước thay đổi từng ngày. Đại chiến thứ hai đã lan khắp châu Âu; nước Pháp đã bị phát-xít Đức chiếm đóng. Ở Đông Dương, đế quốc Pháp từng bước bắt tay với phát-xít Nhật, nhân dân ta sắp phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Trước tình hình ấy, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã nhấn mạnh:
“… Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận đến vạn năm cũng không đòi lại được…”. (1)
Mặt trận Việt Minh ra đời đã quy tụ tất cả các tổ chức cứu nước của quần chúng nhân dân như: Phụ nữ cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Văn hóa cứu quốc, v.v… Thành viên của các tổ chức quần chúng ngày càng đông đảo. Trong Mặt trận Việt Minh không có sự phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, người có học vấn cao hay người thất học, dân tộc đa số hay dân tộc thiểu số, v.v… Chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng được Lãnh tụ Hồ Chí Minh nói ngắn gọn:
- “Hiện thời muốn đánh Pháp - Nhật, ta chỉ có một điều: Toàn dân đoàn kết”.
- “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ…”.
Bác đặt hết niềm tin vào lòng yêu nước của nhân dân.
“… Đã là người Việt Nam, đã là con Rồng, cháu Tiên thì dù nam hay nữ, trẻ hay già, dân tộc thiểu số hay đa số, tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng, người giàu hay nghèo đều có lòng yêu nước”. (2)
Bác kêu gọi: “Giờ đây công cuộc giải phóng dân tộc là cao hơn tất cả. Chúng ta phải đoàn kết lại để đánh đổ Pháp, Nhật và tay sai của chúng để cứu dân ta khỏi vòng nước sôi, lửa bỏng” (Thư gửi đồng bào - Nguyễn Ái Quốc 6-6-1941).
Mặt trận Việt Minh chính là ngọn cờ Đoàn kết dân tộc. Đứng dưới ngọn cờ này không chỉ có hàng chục triệu người thuộc tầng lớp cần lao mà còn có đông đảo những người yêu nước thuộc giới nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh…, thân hào, điền chủ, dòng dõi vua, chúa… Họ đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự thành công của Cách mạng Tháng Tám, sự thắng lợi vẻ vang của công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1946- 1975).
*
Năm 2011 này là tròn 100 năm Ngày Bác Hồ rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước và cũng là lần kỷ niệm thứ 70 ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm hoạt động Cách mạng ở nước ngoài trở về sống và làm việc ở Pác Bó (Cao Bằng). Pác Bó giờ đây đã trở thành một địa danh lịch sử. Phong cách làm việc, nếp sống giản dị, và chính sách đại đoàn kết dân tộc của Bác Hồ mãi mãi là những bài học to lớn cho Cách mạng Việt Nam, cho mọi người Việt Nam.
Trần Hoàng
(1) Nguồn: “Lịch sử Việt Nam”. (TS Huỳnh Công Bá) - NXB Thuận Hóa- 2004.
(2) Nguồn: “Hồ Chí Minh, Người là ngọn đuốc sáng mãi trong lòng nhân dân Việt Nam”. (Nhiều tác giả) - NXB Lao Động.