.

Dũng khí và tư duy sáng tạo

Thất bại của Phong trào Đông Du và phong trào Duy Tân do hai cụ Phan cầm đầu (1905-1909) cùng với sự bế tắc của các khuynh hướng cứu nước đầu thế kỷ XX đã thúc đẩy nhiều trí thức yêu nước Việt Nam hướng tầm mắt sang thế giới phương Tây.

Trong số những người tìm đến chân trời mới, quyết định đi sang Pháp bằng hai bàn tay trắng vào tháng 6-1911 là hành động dấn thân hết sức dũng cảm, dám chấp nhận đương đầu với mọi khó khăn, thể hiện tư duy độc lập và quyết tâm cứu nước cao độ của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Không giống như nhiều người khác, Nguyễn Tất Thành luôn có sự đối sánh mọi học thuyết với thực tế đang diễn ra để xác định cho dân tộc con đường cứu nước phù hợp; vì thế, gần 10 năm bôn ba qua nhiều nước và vùng lãnh thổ, Người vẫn chưa tìm ra được ẩn số mong muốn, kể cả sau ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công năm 1917.

Chỉ đến khi đọc xong “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo) ngày 16 và 17-6-1920, Nguyễn Tất Thành mới khẳng định đã tìm thấy được “cái cần thiết” cho dân tộc Việt Nam, rồi đến tháng 12-1920 thì đứng hẳn về Quốc tế III của Lênin và trở thành người cộng sản.

Cách dấn thân tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành rất đỗi khác thường và giàu tính quả cảm; còn sự miệt mài tìm kiếm chân lý ròng rã suốt 10 năm trời mới đi đến chọn lựa chính thức vừa thể hiện đức tính kiên trì nhẫn nại, vừa lấp lánh tư duy sắc bén của nhà lãnh đạo thiên tài của dân tộc trong tương lai.

Tư tưởng của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc cũng vượt qua mọi quan niệm cứu nước đương thời, hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân một cách triệt để. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh xuất bản năm 1927, Nguyễn Ái Quốc chính thức khẳng định cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam đi theo con đường của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây là định hướng chính trị đúng đắn, song vấn đề đặt ra là con đường cách mạng vô sản đó sẽ được vận dụng vào thực tiễn Việt Nam như thế nào?

Câu hỏi đó đã được Nguyễn Ái Quốc trả lời trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người soạn thảo và thông qua ở Hội nghị thành lập Đảng vào tháng 2-1930. Nội dung của Cương lĩnh cho thấy những nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác-Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc đã được Nguyễn Ái Quốc vận dụng sáng tạo và bổ sung những luận điểm mới, để học thuyết này phù hợp với thực tiễn xã hội Việt Nam, đó là sức mạnh của tinh thần dân tộc và chủ nghĩa yêu nước. Yếu tố dân tộc và chủ nghĩa yêu nước không chỉ ảnh hưởng đến phong trào của giai cấp công nhân, nông dân, mà còn có khả năng làm thay đổi lập trường chính trị của các giai tầng khác như tiểu tư sản, tư sản dân tộc, trung nông, phú nông và một bộ phận địa chủ. Đây quả là dũng khí lớn và thể hiện một tư duy hết sức năng động, sáng tạo trong hoàn cảnh chủ nghĩa giáo điều và tư tưởng tả khuynh đang ngự trị khắp thế giới.

Chính dũng khí và tư duy sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc đã giúp Đảng Cộng sản Việt Nam tập hợp được lực lượng của toàn dân dưới ngọn cờ của mình, đưa cuộc đấu tranh theo con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam thoát khỏi giới hạn giai cấp để nâng lên thành cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc, biến Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân trở thành Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc đã xuất phát từ hoàn cảnh thực tế để phân tích những mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam, nhìn nhận một cách khách quan, khoa học sự phân hóa giai cấp trong xã hội thuộc địa và đánh giá thấu đáo mối quan hệ giữa mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp ở Việt Nam. Trên nền tảng đó, Người đề ra những nhiệm vụ cơ bản và chủ yếu mà cách mạng Việt Nam cần tập trung giải quyết, đồng thời bổ sung những vấn đề thực tiễn vào kho tàng lý luận của học thuyết Mác-Lênin thông qua tư duy sáng tạo của mình.

Sự thành công của cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là một minh chứng hùng hồn về dũng khí và tư duy sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc kể từ ngày ra đi tìm đường cứu nước đến khi xây dựng được bản Cương lĩnh chính trị đúng đắn cho Đảng Cộng sản Việt Nam, trên nền tảng học thuyết Mác-Lênin nhưng phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN
;
.
.
.
.
.