Ngày 11-1-2003, khi HĐND thành phố Đà Nẵng ban hành Nghị quyết số 28/2003/NQ/HĐND thì đường Nguyễn Tất Thành là đường phố dài nhất Đà Nẵng vào thời điểm này với hơn 12km, nối từ chân cầu Thuận Phước lên đến phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Đây là một trong những đường phố ven biển thơ mộng của Đà Nẵng, mang tên “Người đi tìm hình của nước”.
Ngày 5-6-1911, từ bến Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba, lên đường sang Pháp với nghề phụ bếp trên chiếc tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville, với mong muốn học hỏi những tinh hoa và tiến bộ từ các nước phương Tây.
Từ lúc thiếu niên, đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào, Nguyễn Tất Thành đã có chí hướng đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Nghiên cứu lịch sử và khảo nghiệm trong thực tiễn, anh thấy rằng mọi cách thức tiến hành ở trong nước hay ra nước ngoài như sang Trung Quốc, Nhật Bản đều không thể thành công. Những con đường mà các bậc sĩ phu đương thời đã đi đều bị kết thúc bằng những thất bại đau đớn.
Anh quyết định phải tìm một con đường mới với một hướng khác.
Tháng 5-1909, Nguyễn Tất Thành từ giã Huế theo cha, ông Nguyễn Sinh Sắc, vào huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) nhân dịp cha anh vào nhậm chức tri huyện ở đó. Từ tháng 9-1909, Nguyễn Tất Thành được cha gửi đến Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp tại Trường tiểu học Pháp - bản xứ Quy Nhơn theo chương trình lớp cao đẳng.
Tháng 8-1910, Nguyễn Tất Thành rời Quy Nhơn, vào Sài Gòn.
Từ nửa sau tháng 9-1910 đến trước tháng 2-1911, Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết).
Tàu Đô đốc Latouche-Tréville đưa Nguyễn Tất Thành sang Pháp ngày 5-6-1911. (Ảnh tư liệu) |
Trước ngày 2-6-1911, Nguyễn Tất Thành bàn với một số người bạn thân về chuyến đi ra nước ngoài. Anh nói: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.
Ngày 2-6-1911, Nguyễn Tất Thành xin làm việc ở tàu Đô đốc Latouche-Tréville, một tàu lớn vừa chở hàng vừa chở khách của hãng Năm Sao đang chuẩn bị rời cảng Sài Gòn đi Marseillle, Pháp. Một ngày sau, anh bắt đầu làm việc trên tàu, nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới: Văn Ba.
Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành từ cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc. Người thanh niên 21 tuổi ấy ra đi, nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Anh tìm đường sang phương Tây, đến nước Pháp - nơi sản sinh ra những lời đẹp đẽ “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” đã từng làm rung động lòng mình khi còn ở tuổi thiếu niên.
Cuộc hành trình 30 năm qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia đã đưa Nguyễn Tất Thành, về sau là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường giải phóng dân tộc, để mùa xuân của 30 năm sau (tháng 2-1941), Bác trở về Pắc Bó, lãnh đạo cách mạng Việt Nam và sau đó khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Và rồi ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông nối liền một dải.
Đã có rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật viết về ngày 5-6-1911, Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Trong đó, có thể kể đến bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên với những câu thơ đầy cảm xúc: “Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi/ Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác!...”.
LÊ GIA LỘC