.

Nguồn gien vô tận

.
Đà Nẵng hiện có gần 57 nghìn ha rừng, so với hai “người hàng xóm” Quảng Nam và Thừa Thiên– Huế thì con số này không lớn, nhưng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thành phố, đặc biệt là về chỉ tiêu an ninh môi trường.

Những người gác rừng ở Bà Nà

Mô tả ảnh.
Cây mật nhân (giữa) là một trong nhiều loại thảo dược ở Đà Nẵng.
Đưa chúng tôi lên đỉnh Bà Nà men theo đường đèo bên sườn núi cũ, ông Võ Văn Dũng, phụ trách Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm (KL) Đà Nẵng, thỉnh thoảng giới thiệu những cây chò, cây lim hồng diệp ra lá non màu đỏ nổi bật trên nền cây rừng xanh thẫm. Rừng Bà Nà có nhiều loại động, thực vật quý hiếm cần được bảo vệ. Động vật có trĩ sao, gấu đen châu Á, vượn má hung... Thực vật có gụ lậu, sến mặt, thông chàng,... Phổ biến nhất ở độ cao từ 300 - 700m là chò; từ 700 - 1.000m phía triền núi giáp huyện Đông Giang, Quảng Nam, có kiền kiền; từ 1.000m lên tới đỉnh có dẻ.

Lên đến khoảng km 2 (cầu An Lợi là km 0), anh Nguyễn Văn Thành, kiểm lâm viên Trạm KL An Lợi (Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa), bảo bác tài dừng xe lại để giới thiệu chúng tôi cây mật nhân bên sườn núi. Anh bảo, mật nhân được mệnh danh là “cây bách bệnh”, cây lớn cao từ 3 - 4m, rễ và thân dùng làm thuốc chữa mệt mỏi, đau nhức. Bà Nà còn có cây sâm đất, cũng gọi là sâm Nam. Tuy nhiên giá trị kinh tế hai loài thảo dược này không cao, đi rừng có gặp thì đào ít rễ về ngâm rượu, nhưng đắng quá, ít ai dùng.

Càng lên cao, nhiệt độ càng giảm và độ ẩm càng tăng. Đến cây số 6, mọi người ghé thăm văn phòng của Ban quản lý cũ, giờ bỏ hoang bên triền đồi. Ông Dũng và anh Thành kiểm tra lại loạt cây đã được anh em KL viên trồng hồi năm 2000, từ cầu An Lợi lên tới km 15 trên đỉnh Bà Nà, khoảng gần 16 nghìn cây con các loại, chủ yếu là sao đen, chò, keo. Cùng hơn 10 năm tuổi nhưng sao đen vẫn còn “đẹc” so với keo tai tượng giờ phổng phao như anh chàng khổng lồ.

Rừng Bà Nà rộng gần 10 nghìn ha, chót vót là Núi Chúa có độ cao 1.487m so với mực nước biển. Ngày trước, các loài động vật trên núi rừng còn xuống tận đồng bằng. Ông Nguyễn Chưa, cán bộ Lâm nghiệp xã Hòa Ninh, kể rằng, hơn ba chục năm trước, hồi còn trực du kích xã, ông thấy cọp xuất hiện ở thôn Mỹ Sơn. Lần đó, thấy có cái bóng loáng thoáng từ xa, ông tưởng người, dựng xe đạp lại, cúi xuống lượm cục đá thủ thế. Lát sau, một “ông ba mươi” từ bụi rậm lừng lững bước ra, ông đứng chết trân tại chỗ. Nhưng rồi, vị chúa sơn lâm đảo mắt nhìn quanh rồi bỏ đi. Ông chạy một hơi về nhà, mặt cắt không còn hột máu.

Giờ đây cọp hết, chứ nai, mang thì vẫn còn xuống nghĩa trang gia tộc của ông ở Mỹ Sơn. Thỉnh thoảng đi thắp hương, ông vẫn thấy nai ngơ ngác đứng nhìn, nhất là sau khi mưa giông. Bẫy thú rừng chừ đã ít hơn trước, ông Chưa giải thích, là do Hòa Ninh đã có gần chục trại nuôi heo rừng. Anh Thành thì cho rằng, động vật hoang dã ở Bà Nà vẫn còn, nhưng do hoạt động du lịch ồn ào nên chừ đã lánh vô rừng sâu.

Khi được hỏi về số lượng thú rừng hiện có, ông Dũng nói, biết là có đó, nhưng khó xác định số lượng từng loài vì không có kinh phí điều tra, mất một thời gian nhất định mới đủ kết luận chứ không phải một sớm một chiều. Thường thì người ta điều tra theo phương pháp ngẫu nhiên: Chọn một số vùng bất kỳ trong khu bảo tồn, quan sát bằng mắt thường xem có thú rừng xuất hiện không (vào những thời điểm khác nhau như trưa, tối, mùa hè, mùa đông...). Hoặc là điều tra, ghi chép tại hiện trường những dấu hiệu cho thấy thú rừng đã xuất hiện như dấu chân, rễ, lá, thân cây rừng bị ăn (mỗi loại thú có một cách ăn riêng).

Về hiện tượng thịt thú rừng không khó kiếm ở Đà Nẵng, ông Dũng bảo, chủ yếu là các nơi đưa về, chứ rừng Đà Nẵng có một nhúm, thú rừng đâu mà bắt nhiều đến thế.

Năm 1986, Bà Nà đã được Chính phủ công nhận là khu dự trữ thiên nhiên, nơi có nguồn gen vô tận đối với con người. Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa (Chi cục KL Đà Nẵng) hiện có hai trạm KL ở Hòa Phú và An Lợi, chỉ với 5 KL viên hoạt động trên diện tích gần 10 nghìn ha rừng thì dù có nỗ lực hết mình cũng khó có thể bảo đảm chất lượng công việc “gác rừng” được.

Lên thăm Núi Khỉ

Mô tả ảnh.
Ngoài voọc chà vá chân nâu, cây đa nghìn tuổi đã trở thành một điểm thu hút khách tham quan du lịch ở bán đảo Sơn Trà.
Xế trưa, nghe chúng tôi muốn tiếp cận với đàn voọc chà vá chân nâu, anh Nguyễn Hữu Vinh, KL viên của Hạt KL liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn, cười thật hiền: “Nắng nóng thế này, voọc nó trốn kỹ lắm, tìm dễ chi ra. Muốn gặp, phải đi lúc 5-6 giờ sáng, lúc đó voọc ra kiếm ăn, tập trung thành bầy đàn, xong phân tán đi các nơi, đến 7-8 giờ tối mới trở về. Tập trung đông nhất là ở miếu Bà Tiên Sa và đỉnh cao 535m so với mặt nước biển. Đi sâu vào rừng dễ gặp, thỉnh thoảng đi trên đường cũng có”.

Ông Lê Văn Nhì, Hạt trưởng, cho biết ở bán đảo Sơn Trà, ngoài các loại cây gỗ giá trị (như cây đa nghìn tuổi), thì voọc chà vá chân nâu là loài linh trưởng quý hiếm, được xếp vào Sách đỏ của Việt Nam, được xếp vào mức nguy cấp (E) trong Danh sách đỏ về các loài đang bị đe dọa năm 2006 của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN – 2006), mức nguy cấp (EN) trong Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Theo điều tra và công bố của Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội vào tháng 12-2006 thì thời điểm này ở Sơn Trà có 12 đàn voọc chà vá chân nâu với khoảng 171 – 198 cá thể. Đến nay, theo ông Nhì, từ nguồn gen ban đầu, đã có 16 đàn với khoảng 300 cá thể. Mỗi đàn có một lãnh thổ riêng, đàn khác bất khả xâm phạm. Các con đực trưởng thành tranh giành lãnh thổ, đánh đuổi nhau, tách riêng thành đàn mới. Từ năm 1997 đã có nhiều tổ chức đến nghiên cứu voọc, báo kết quả. Từ năm 2006, Tổ chức Bảo tồn voọc chà vá quốc tế (DLF) nghiên cứu chuyên nghiệp hơn, từ tập tính đến thức ăn loài voọc.

Chị Lý Thị Kiêm, phụ trách mảng bảo vệ rừng của Hạt KL liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn, thành viên tham gia DLF, góp chuyện rằng, dân bây giờ cũng đã ý thức được sự giá trị của động vật hoang dã quý hiếm ở bán đảo Sơn Trà. Năm ngoái, bà con bắt được một số khỉ vàng và voọc chà vá chân nâu đi lạc bầy, giao cho KL thả vào rừng.

Những chuyện kể về đàn linh trưởng quý hiếm ở nơi từng được người Mỹ gọi là Monkey Moutain (Núi Khỉ) khiến chúng tôi háo hức làm một cuộc dạo quanh bán đảo khi chiều xuống với hy vọng được gặp chúng. Thế nhưng, vẻ hoang sơ giữa bạt ngàn xanh núi rừng không còn nữa, xe cộ chạy trên đường cùng với sự ồn ã của những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đã khiến cho loài thú quý này không dám bén mảng.

Làm sao để phát triển du lịch nhưng không phá vỡ môi trường sinh thái? Điều này còn tùy thuộc vào trách nhiệm của từng con người cụ thể. Với Đà Nẵng, ông Trần Văn Lương, Chi Cục trưởng Chi cục KL Đà Nẵng cho biết, độ che phủ rừng hiện nay của Đà Nẵng là 38,8%, cao nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, việc giữ màu xanh núi rừng đã được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Riêng trong việc bảo vệ loài voọc chà vá chân nâu, vẫn theo ông Lương, Sở Khoa học & Công nghệ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp-PTNN thành phố nghiên cứu triển khai làm cầu cây xanh để loài linh trưởng này có thể đi lại trên cao. Theo đó, sẽ trồng các cây cao thành từng cặp đối xứng nhau qua các đường giao thông để chúng khép tán tạo thành cầu.

Ngành KL thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng ở địa phương, đồng thời là cơ quan thừa hành pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản. Việc trồng cây trên đỉnh Bà Nà hay bảo vệ voọc trên bán đảo Sơn Trà có hiệu quả hay không, thiết nghĩ, không chỉ tùy thuộc vào năng lực của ngành KL mà cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, từ nhận thức đến hành động. Bởi theo đánh giá của giới chuyên môn, rừng là nguồn gen vô tận của con người, là nơi cư trú của các loài động, thực vật quý hiếm, và độ che phủ rừng là một chỉ tiêu an ninh môi trường quan trọng.

Văn Thành Lê
;
.
.
.
.
.