.

Thơ Chu Nguyên Thảo

Phiên chợ mùa đông

Mẹ đi phiên chợ mùa đông
Mặc cho nước lũ cuốn dòng sông trôi
Con đò ra giữa sông rồi
Mẹ làm con kiến cho tôi thành người

Mẹ đi phiên chợ đất trời
Trên đôi vai nặng cuộc đời các con
Chuyến đò giã biệt bến son
Mẹ làm chiếc võng ru con vào đời

Mẹ đi phiên chợ xa vời
Mang theo tiếng nói nụ cười yêu thương
Con đò rời bến cố hương
Mẹ làm trăng khuyết trong vườn cô đơn

Mẹ đi phiên chợ trống trơn
Mua linh hồn đá về sơn, khóc thầm
Con đò chở những tượng câm
Mẹ đem về khắc chữ tâm vào tình

Mẹ đi phiên chợ nhân sinh
Con về chờ dưới mái đình quê xưa
Con đò chiều vắng ai đưa…?
Qua dòng sông cạn và thưa thớt người

Mẹ đi phiên chợ cuối đời
Dòng sông quê cũ hát lời ca dao
Con về nhỏ giọt máu đào
Cho dòng sông vẫn ngọt ngào… mẹ ơi!

Con về khóc giữa hư không

Được tin cha vào bệnh viện
Con ngồi nhìn nắng qua hiên
Thầm nghĩ cha không về nữa
Giật mình!
…chiều đã vào đêm

Con về ngang biển Thái Bình
Con về ngang núi Thái Sơn
Con về quỳ bên chiếc lá
Con về quỳ dưới gốc cây

Con quỳ như con dế nhũi
Con quỳ như con đười ươi
Con quỳ im trong chiếc lưới
Con quỳ bất lực kiếp người

Cha ơi!
Cha an nghỉ đâu?
Quê hương là quả địa cầu
Hay là mảnh vườn thôn nhỏ
Chôn sâu kỷ niệm ban đầu

Con về ngược lên dòng sông
Tìm về đầu nguồn biển rộng
Thái Sơn trời cao lồng lộng
Con về khóc giữa hư không.
                       C.N.T

 

Thơ Nguyễn Ngọc Tư

Điện thoại

không chớp  nhói lên nghĩa là đã ngủ rồi,
đã quên
đã rời
ta không chờ đợi nữa
bỏ sông ta lên núi ngồi chơi
bỏ mây ta dan díu khói rời
bỏ trăng ta đắp bằng bóng tối

không chớp nhói,
       không tiếng gọi
vòi vọi nỗi gì xanh như vòi vọi

Bài hát cho ngày mới

Hình như có tiếng hời bên trời khác
Hình như con kiến cõng vụn chiêm bao
(hình như giấc ấy mơ rất ngọt ngào?)
Hình như vừa lẻn ngồi xem mình ngủ
Hình như hôm nay mình đã sống rồi

Ngón tay thức trước,
                             sờ ngày thấy lạnh
Con mắt ngủ lâu,
                           bóng tối vẫn đầy
Xô tấm chăn không,
                           chân chiêu chạm đất

Ngày xiêu xiêu,
                           vừa đấy sao nghe đã chớm chiều…
  N.N.T

;
.
.
.
.
.