Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên
Tín có được ý tưởng này trong một lần xem chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam. Em thấy các già làng, trưởng bản tiêu biểu đang gặp gỡ các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, được biết già làng AHiu, làng Plei Groi, xã Chư Hreng, TP. Kon Tum rất có uy tín với buôn làng và là người đi đầu trong phong trào bảo vệ rừng. Từ đây em đã hóa thân vào cây bạch đàn gửi thư cho già làng bày tỏ lòng biết ơn những người đã dành rất nhiều tâm huyết trong cuộc chiến bảo vệ rừng.“Con biết cuộc chiến bảo vệ rừng vô cùng gian nan, ác liệt nhưng con rất tin ở sức mạnh tập thể mà già là thủ lĩnh. Mong già hãy tiếp tục vận động bà con cả nước cùng làm”.
Cũng tại Trường THCS Tây Sơn, em Sử Hà Hạnh Nhi, lớp 6/10, bức thư gửi cho ông Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đem về cho em giải ba toàn quốc. Tìm hiểu trên mạng Internet, Nhi được biết rừng thông ba lá quanh hồ Tuyền Lâm thơ mộng sắp bị “khai tử” để nhường chỗ cho những dự án du lịch. Từ đây em đã “biến” thành cây thông ba lá để “gửi gắm” đôi điều tới vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh Lâm Đồng.
“… Sao các ông không học tập người Pháp xưa, họ xây dựng Đà Lạt thành một thành phố trong rừng, nơi các ngôi nhà, biệt thự, con đường đều nằm dưới tán rừng xanh thẳm. Nước người ta cũng tiến lên đến văn minh hiện đại sao người ta không xóa bỏ rừng?”.
Trước khi tham dự bài viết về chủ đề Rừng năm 2011 cả Hạnh Nhi và Phước Tín, cùng nhiều học sinh khác còn rất mơ hồ về rừng. Rừng chỉ là một khu đất có nhiều cây, nhiều em còn không biết thế nào là rừng nguyên sinh, rừng đệm, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn… Thậm chí có em còn nghĩ voi, hổ, gấu sống ở rừng ngập mặn. Chỉ đến khi cô giáo Phạm Thị Phong, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THCS Tây Sơn cùng phụ huynh 2 lớp 6/9, 6/10 tổ chức cho các em đi tham quan rừng và biển tại bán đảo Sơn Trà thì suy nghĩ của các em về rừng đã thay đổi.
Tại chuyến tham quan, các em đã được thăm cây đa ngàn năm trên núi Sơn Trà, tìm hiểu các tầng thực vật. Cô Phong cho biết: Ngay khi còn nhỏ, các em hiểu được giá trị của rừng thì lớn lên các em có bản năng bảo vệ nó. Với chủ đề năm nay, dù các em có nhiều kênh thông tin để tiếp cận, nhưng những buổi đi thực tế sẽ giúp ích cho các em rất nhiều trong việc làm bài tập nhóm và tự thuyết trình về bài học của mình, chủ động tìm kiếm tư liệu. Tuy kiến thức chưa thực sự sâu sắc, vốn từ còn nghèo nhưng các em có được sự hồn nhiên, sáng tạo trong tư duy, trong cách diễn đạt. Do vậy, chất lượng bài viết khá đồng đều, nhiều bài có đề tài hay.
Qua cuộc thi, những bạn trẻ như Hạnh Nhi và Phước Tín đều mong muốn những khu rừng sẽ được gìn giữ bảo vệ, mỗi mầm cây ngay tại nơi mình sống đều được nâng niu và chăm chút.
Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng: Cuộc thi giúp các em tiếp cận những vấn đề lớn của nhân loại dưới con mắt của trẻ thơ. Năm 2011, Đà Nẵng có 164/172 trường tham dự, với 74.899 bức thư, là đơn vị có số trường tham gia dự thi nhiều nhất và có số thí sinh dự thi đạt tỷ lệ cao nhất. Với chủ đề hằng năm, Sở đã chỉ đạo các trường, khơi dậy sự tự nguyện trong học sinh, để mỗi bức thư là tiếng nói tâm tình nơi các em giãi bày nguyện vọng, khơi dậy sự yêu thích, đam mê khám phá tìm hiểu của các em. Vì vậy, với chủ đề năm nay, phải trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về rừng, bảo vệ rừng, lợi ích của rừng… Mục tiêu lớn nhất của cuộc thi UPU không phải nhằm chọn giải (mặc dù rất mong đợi) mà là khơi dậy những nét đẹp trong tâm hồn tuổi thơ, giúp các em tiếp cận những vấn đề lớn của nhân loại dưới con mắt của trẻ thơ. |
(*) Cuộc thi viết thư UPU quốc tế được Liên minh Bưu chính thế giới phối hợp với tổ chức UNESCO khởi xướng và tổ chức dành cho các em thiếu nhi từ 15 tuổi trở xuống trên toàn thế giới từ năm 1971.