.

“Phiêu” với sắc màu trên cơ thể

.

Ở Việt Nam, Body painting (*) ngày càng được giới trẻ ưa chuộng và trở nên phổ biến không chỉ ở giới hội họa. Hiện đã có hàng trăm người trẻ theo học loại hình nghệ thuật này và nhiều họa sĩ lấn sân, thử sức. Dầu vậy, để thoát khỏi những định kiến, những người yêu thích Body painting cũng phải rất khó khăn để có thể “phiêu” với sắc màu trên cơ thể mẫu nude.

 

Mô tả ảnh.
Họa sĩ Phương Vũ Mạnh “phiêu” với Body painting.


1.   Có lẽ, Body painting ngày nay là môn nghệ thuật hội họa có nhiều thời gian... ngộp thở nhất. Tôi muốn nói đến nghệ thuật chân chính, vì cả người mẫu và họa sĩ trong nhiều giây phải nín thở, để có thể hoàn thành các bức tranh đẹp, thỏa mãn trí tưởng tượng và tạo nghệ thuật. Cả người mẫu và họa sĩ phải vượt qua sự ngượng ngùng, sự ám ảnh về nhục dục, tức là lòng họ phải trong suốt như pha lê.

 

Cổ nhân có câu: “Tâm tục thì vật tục”, cho nên khi ai đó nghĩ rằng nghệ thuật Body painting là “gợi dục” thì điều đó xuất phát từ tâm của người đó chứ không từ nghệ thuật. Tôi từng chứng kiến người mẫu nude ngồi bất động hàng giờ trong một tư thế để cây cọ của họa sĩ chạm đến từng góc thân thể, sự nhẫn nại của người mẫu và sự đam mê của nghệ sĩ Body painting tạo nên những bức tranh kết hợp nghệ thuật tạo hình và vẻ đẹp trời phú cho con người. Lúc đó, tôi thấy người họa sĩ vừa phiêu, vừa hoạt và khuôn mặt thì vô cùng thanh thoát. Tôi thấy có cả những giọt mồ hôi của người họa sĩ, khi say đắm cho tác phẩm của mình. Tôi thấy anh ta nhễ nhại và cánh tay thì không ngừng đưa đi đưa lại, như thể một nghệ sĩ đang chỉ huy tất cả những khối màu và những đường cong cơ thể tuyệt diệu kia là nền tảng cho tác phẩm được kết hợp bởi những “dây thần kinh thép” - những dây thần kinh không phạm tội.

Có một họa sĩ nói một cách thật đơn giản, rằng đây là loại hình nghệ thuật sử dụng những gì vốn có của cơ thể con người làm nền tảng để sáng tạo nghệ thuật. Anh cũng công nhận, không điều gì hấp dẫn và gần gũi bằng cơ thể con người, và vẻ đẹp con người là tác phẩm lớn nhất mà tạo hóa đã sáng tạo ra. Như thế, con người có quyền sử dụng tác phẩm mà tạo hóa đã làm nên, để phục vụ cho nghệ thuật, cho cái đẹp. Tất nhiên, sử dụng như thế nào, mức độ ra sao để bảo đảm thẩm mỹ và văn hóa thì vẫn phải bàn thêm.

2. Body painting không lạ lẫm gì so với hội họa thế giới. Ở Việt Nam, mấy năm trở lại đây mới xuất hiện với hai họa sĩ đi tiên phong là Phương Vũ Mạnh (Hà Nội) và Ngô Lực (TP. Hồ Chí Minh). Cả hai đều có những buổi trình diễn trước công chúng và ghi dấu tên tuổi của mình trong làng hội họa. Mỗi người một phong cách, mỗi người một kiểu phiêu du, nhưng đều vì mục đích nghệ thuật. Phương Vũ Mạnh nói rõ hơn: Vẽ trên cơ thể người là để thể hiện những ý tưởng khác trong xã hội, những chuyện như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tuy mới mẻ nhưng vẫn đạt được giá trị nghệ thụât.

Năm 2010, những lớp học vẽ Body painting được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy mới mẻ, nhưng loại hình này đã thu hút hàng trăm bạn trẻ và chắc chắn, chỉ có giới trẻ mới “thoải mái” với loại hình này. Body painting cùng loại với Body piercing (nghệ thuật xiên da) và Tattoo (nghệ thuật xăm mình), nhưng Body painting lại được giới trẻ ưa chuộng hơn vì ít gây đau đớn mà vẫn mang nhiều phong cách, ấn tượng. Họ có thể vẽ một phần cơ thể, hay một bộ phận nào đó như mặt, má, cánh tay, mắt... để tham gia các lễ hội, dạ tiệc tạo điểm nhấn, cá tính mà không mất thời gian.

Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, Body painting bắt nguồn từ tục xăm mình. Người vùng sông nước, để có thể tồn tại, săn bắt thì phải hóa trang cơ thể cho giống với một số loài động vật, cũng là để trốn một số loài thủy quái. Như thế, Body painting xuất phát từ nhu cầu lao động và là sản phẩm văn hóa tinh thần. Sau này người ta phát triển tục xăm mình thành các lễ hội, thu hút nhiều người tham gia. Từ đó nó biến thành một môn nghệ thuật hội họa, thỏa sức khám phá của con người và được phát triển ngày càng đa dạng, điêu luyện, thậm chí có những sáng tạo xuất thần.

3. Giờ thì lại có cả những công ty cho... thuê người mẫu Body painting và thu nhập rất khá. Vài họa sĩ trẻ khác cũng đang đặt chân ở địa hạt này, họ cho rằng, xã hội cởi mở, việc thực hiện những buổi vẽ với người mẫu, nếu hoàn toàn là làm nghệ thuật thì chẳng có gì xấu. Ở TP. Hồ Chí Minh, việc tìm người mẫu có vẻ dễ chịu hơn đối với họa sĩ Ngô Lực. Ở Hà Nội, Phương Vũ Mạnh rất tốn kém cho việc chi tiền thuê người mẫu và anh bí mật khoản chi phí này. Người làm mẫu thường xuyên cho Ngô Lực là ba cô gái trẻ trung xinh đẹp, trong đó có Hạnh Quyên. Cô chia sẻ: “Nghề của tôi là người mẫu nên tất cả những gì liên quan đến việc người mẫu cần làm thì chẳng có gì là định kiến với tôi cả. Tuy nhiên, làm người mẫu Body painting là công việc rất mới mẻ, có thể tạo ra những vấn đề nhạy cảm với thói quen nhìn nhận về thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ, ảnh nude đã và đang dần dần được chấp nhận thì Body painting cũng sẽ được mọi người chào đón”.

Làm người mẫu, ở bất cứ ngành nào, từ thời trang đến quảng bá xe, mẫu họa đều gặp phải định kiến, phán xét của công chúng. Tuy nhiên, họ đã cố gắng để vượt qua những định kiến đó, làm cho công chúng hiểu và thông cảm họ hơn. Ngay cả diễn viên Hồng Ánh, cũng gây xôn xao vì làm người mẫu Body painting cho một dự án của nhiếp ảnh gia Phan Quang. Chị tâm sự rằng, từ trước đó, chị đã làm mẫu nude. Có người đã bị sốc khi biết điều này, còn Hồng Ánh thì khẳng định chị làm vì nghệ thuật, với một tinh thần trong sáng và được gia đình ủng hộ.

Dầu vậy, nhiều người còn dè dặt với loại hình này và không ít người đã xem đây là loại nghệ thuật kích dục, có ảnh hưởng xấu đến xã hội. Để vơi bớt những định kiến và sự mặc cảm của một số người, những người mẫu, họa sĩ yêu thích và say sưa với Body painting đã khẳng định những giá trị của nó, phát triển thêm những sáng tạo, cái đẹp, để có thể được đông đảo công chúng chấp nhận.


NGUYỄN VĂN HỌC


(*) Body painting: vẽ lên thân thể người.

;
.
.
.
.
.