.

Sông vẫn chảy trong tôi

Người ta thường ví cuộc đời của mỗi người như một dòng sông, thăng trầm trôi qua biết bao bờ bến thân quen và xa lạ. Dòng sông là những ký ức miên miết thẳm sâu với bao dấu ấn về những thăng trầm của lịch sử. Tôi đã đi dọc dòng sông nhiều lần, ngủ qua đêm nhiều lần trên dòng sông Thu Bồn, để được cảm nhận sự mênh mông đến vô cùng của đất trời, để được lắng nghe những trầm tư của dòng sông...

Những ai đã sinh ra và lớn lên ở miền Trung nói chung và trên miền đất Quảng Nam dọc theo dòng sông Thu Bồn nói riêng, đều có nhiều ký ức về dòng sông này. Nhà tôi ở bên dòng sông Thu Bồn, sông bao bọc quanh làng và đã ôm ấp lấy tôi cả một thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, khi phải xa sông để tìm cuộc sống mới, dòng sông vẫn êm ả chảy trong tôi.

Theo dòng sông Thu Bồn, từ biển, thuyền bè chở cá, tôm lên nguồn; từ nguồn, thuyền bè chở sản vật của núi rừng xuống. Những đêm trăng sáng, dòng sông lấp lánh ánh trăng. Những chiếc ghe thả lưới trên sông. Tiếng gõ vào mạn thuyền. Tiếng vặn mình kĩu kịt của các lũy tre tạo nên một bản nhạc tình quê với âm điệu dặt dìu. Xa xa, những chùm sáng nho nhỏ như hoa đăng bềnh bồng trôi, phát ra từ các chòi rớ, các ghe đánh cá, các ghe soi đêm… Đâu đó tiếng khua đều của nhịp chèo vọng theo câu hò xứ Quảng.

Tuổi thơ của tôi hạnh phúc và chông chênh với dòng sông. Thu Bồn vẫn thấp thoáng khi nhìn qua bờ tre trước nhà ông bà nội ở bên này sông và ở bên kia bờ sông là nhà ông bà ngoại tôi. Cuộc tình đầy duyên nợ của ba má tôi được dòng sông như dải lụa đào kết nối tơ duyên. Tôi sinh ra ở bờ bắc và lớn lên ở bờ nam. Từ khi nằm trong bụng má cho đến khi trưởng thành, tôi đã cùng má ngược xuôi trên dòng sông để kiếm sống.

Khi màn đêm bao phủ bầu trời, tôi cùng ba tôi đi soi đêm trên các triền sông quanh làng Cẩm Nam, qua Cẩm Kim, xuống Cẩm Thanh, qua Bàn Thạch, Duy Vinh (huyện Duy Xuyên)... Hình ảnh đẹp nhất, ấn tượng nhất mà tôi cảm nhận được là khi Hội An đã lên đèn, phố cổ như ẩn, như hiện, lung linh qua mặt nước dòng sông. Tôi đã uống nước sông, tắm nước sông, và lớn lên từ những sản vật của dòng sông nước lợ: hến, cá, tôm… Dòng sông như người mẹ hiền đã hiến dâng phù sa nuôi dưỡng bao làng mạc, bao cánh đồng suốt chặng đường nó đi qua để có trái ngon, quả ngọt và những mùa vàng bội thu. Dòng sông len lỏi vào từng thớ thịt, từng giọt máu để nuôi tôi khôn lớn. Dù sau này bước chân tôi đã đi “cùng trời cuối biển”, nơi nào tôi cũng chú ý những dòng sông đi qua xứ sở tôi đến. Nhưng khoảng không gian tuổi thơ của tôi bên dòng nước ấy vẫn được giữ gìn trang trọng một cõi riêng trong lòng. Khoảng không gian ấy trải dài hai bên dòng sông, chứa đựng những tên làng như Thạch Bích, Dùi, Chiêng, Tí, Sé, Phú Gia, Trung Phước, Đại Bường… với những đặc sản như quế, tiêu, dầu rái, bắp, cây trái. Xuôi về hạ nguồn là làng Phú Chiêm, Thanh Chiêm trù phú những cánh đồng lúa chín óng ả vàng. Ngược lên vùng Gò Nổi, đây là vùng nổi tiếng về dệt các mặt hàng vải, tơ lụa vì có những ruộng dâu xanh ngắt ngút ngàn. Nơi đây, chuyện kể về cô hái dâu họ Đoàn bên dòng sông Thu Bồn kia trở thành Hiếu Chiêu Hoàng hậu vẫn như văng vẳng đâu đây.

Dòng sông mang hai di sản thế giới, đó là Thánh địa Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An chứa nhiều truyền thuyết, trong đó có truyền thuyết sự tích về “Bà Thu Bồn”. Lễ hội Bà Thu Bồn là một lễ hội lớn của cư dân ven sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam. Hằng năm, người đi trẩy hội không chỉ người trong nước mà còn có cả du khách nước ngoài tham gia. Đây là dịp để người dân nơi đây tỏ lòng thành kính biết ơn sự che chở của bà cho không chỉ dân làng sống trên bờ cũng như trên sông nước được bình an, ấm no mà còn cho mọi người, mọi dân tộc. Nó mang màu sắc tín ngưỡng dân gian có từ bao đời thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Chăm, Cơtu, Kinh…

Tuy nhiên, chẳng phải lúc nào dòng sông Thu Bồn cũng hiền hòa và tha thướt. Trong một bài hát đã từng thịnh hành tại miền Nam Việt Nam thập niên 1960: The River of No Return, có một câu: “Sometimes it’s peaceful, and sometimes wild and free” - tạm dịch: Đôi khi nó hiền hòa, và đôi khi nó man dại và bất kham. Vận vào dòng sông này, tôi liên tưởng tới những trận lũ lụt mà dòng sông đã giận dữ dâng lên cuốn trôi bao nhiêu làng mạc ven bờ từ thượng nguồn đến hạ nguồn.

Như trận lụt năm Giáp Thìn 1964.

Hôm ấy, nước lên rất nhanh, ban tối nước mới vào nhà, đến nửa đêm nước đã lên đến mặt bàn. Nhìn ra ngoài trời, ban ngày mà như chập choạng tối, mưa gió tơi bời, nước từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn chảy, nghe tiếng gầm thét của một loài thú dữ ở ngoài sông, nhìn thấy rõ những mái nhà, những con bò, con trâu, con heo, có lúc thấy cả người ngồi trên nóc nhà… trôi bềnh bồng theo dòng nước. Trong nhà, lúc ban đầu ba tôi lấy bàn kê giường lên, và theo cột nhà, nước cứ leo dần lên… Nước leo lên mặt bàn, tiếp tục dời lên kèo nhà, nước lên ngập cửa ra vào, cả nhà bị nước nhốt lại, cuối cùng đành phải dỡ khu đĩ chui ra ngoài, may mà ở quê mỗi nhà đều sắm sẵn một chiếc ghe để dùng khi mùa lũ đến. Ba tôi chở  các con đến nơi nhà thờ tộc bên trong làng để trú ngụ. Lúc bấy giờ, má tôi đang sinh đứa em thứ năm tại một bệnh xá của làng, bệnh xá cũng còn xập xệ lắm, làm bằng cột gỗ sơn chỉ nhỏ bằng cổ chân người lớn, phên tre, mái lá dừa nước, mưa lớn chỗ nào cũng ướt…

Trận lũ năm Thìn ấy vẫn còn hằn sâu trong ký ức của lớp người sinh ra từ thập niên sáu mươi thế kỷ hai mươi trở về trước. Hễ miền Trung có trận lụt lớn nào thì người ta lấy trận lụt năm Thìn ấy ra làm “chuẩn”. Năm ấy, tôi còn bé nhưng những gì xảy ra vẫn còn in đậm trong ký ức của mình. Cả làng chẳng có một ngôi nhà lầu nào nên mỗi khi trời lụt bão, ông nội tôi chỉ còn một cách duy nhất là lấy đũa bếp ra để chống nhà - một cách “làm phép” đầy màu sắc tâm linh của những người nông dân nghèo. Chống bão lụt bằng đũa bếp mà trời vẫn không ngưng gió, ngưng mưa, còn nước cứ dâng thì chỉ còn biết kêu trời mà thôi! Sau khi ổn định chỗ ở cho bọn tôi, ba tôi đưa ghe đi đón má tôi, khi đến gần bệnh xá thì nước chảy mạnh quá, nước xé làm đôi làng tôi bằng một dòng chảy kinh khủng. Đứng bên này dòng nước nhìn qua bên kia dòng nước là trạm xá, nhiều chiếc thuyền vượt qua đều lật úp trôi theo dòng nước. Ba tôi đành gạt nước mắt quay về với chúng tôi. Thế là… ba nghĩ trong bụng mà không dám nói ra.

Khi nước vừa rút xuống, ba tôi tiếp tục đưa ghe băng qua dòng chảy để đến trạm xá tìm má tôi, đến nơi, thì trời ơi! Bệnh xá đã bị cuốn trôi. Trên các cây dương liễu còn sót lại, chỉ thấy rác nguồn và các cây thân dây bị trôi quấn quanh.

… Ở bên kia dòng lũ, từ trong bệnh xá, những người đẻ cùng với bà mụ, bà giúp việc cho các người đẻ toàn là đàn bà, đang lóng ngóng khi nước vào nhà, nước đang bò dần lên chân giường. Họ được các thân nhân ở gần đó đến để đưa về nhà, chỉ còn lại má tôi và một người nữa. Nước lại tiếp tục lớn. Như một phép lành, ông Lắm, chồng của người đàn bà đẻ cùng với má tôi đưa ghe đến chở cả hai người về nhà ở xóm dưới. Chiếc ghe vừa ra khỏi trạm xá thì những cái cột còn lại cũng bị xói gốc, trạm xá đổ nhào. Thế là má tôi và em tôi thoát qua cơn hiểm nghèo và cái tên “ông Lắm” đã đi vào kỷ niệm đẹp đẽ - một ân nhân của gia đình tôi với lòng luôn biết ơn và trân trọng.

Ngày đó, phương tiện dự báo thời tiết chỉ là “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng bay vừa thì râm”. Người già ở vùng lũ truyền lại cho con cháu nhìn vào cách làm tổ của con ong vò vẽ để đoán biết năm nay bão to hay nhỏ. Nếu ong làm tổ trên cao thì không có bão lớn, ngược lại, ong vò vẽ cứ chui trong đụn mối mà xây tổ thì thể nào cũng có bão to; nhìn đám cá hột bí hột bầu mà đớp mồi như sao, gọi là “cá đớp sao” thì chắc chắn năm đó sẽ có lụt to. Tôi chợt da diết nhớ những câu thơ của Tường Linh đã khắc họa bi kịch của trận lụt năm Thìn: Em hãy ghi: Ngày mùng 6 tháng 10/ Năm âm lịch Giáp Thìn, em nhé!/ Ngày giỗ quê hương, dù bao thế hệ/ Thảm nạn này biết thuở nào quên/ Xót thương về, em hãy đốt hương lên…

Miền Trung nói chung và vùng đất Quảng Nam nói riêng luôn đối diện với những cơn bão, trận lụt hằng năm, nó như  một phần tất yếu trong đời sống. Dòng sông vẫn đón nhận, tích chứa và lan tỏa không ngơi. Như nhà thơ Thu Bồn đã từng thảng thốt: Hỡi con ngựa chiến tuôn về biển,/bất kham dừng lại hóa phù sa (Qua sông Thu Bồn), như  một Bùi Giáng luôn bị ám ảnh bởi dòng sông quê khi rời xa chốn quê nhà: Thu nay nằm nhớ Thu Bồn/Con sông xứ Quảng linh hồn quê hương (Thu, Bùi Giáng).

Và tôi,  vẫn đang ngụp lặn trên dòng sông tuổi thơ của mình. Sông vẫn chảy trong tôi.                    
                                               
Ký của Huỳnh Viết Tư
;
.
.
.
.
.