.
Tản văn

Ám ảnh không nguôi

1. Rất lâu rồi, trong ký ức của đứa con gái 13, 14 tuổi, tôi chưa biết thế nào là phá thai. Đó là lần mẹ đưa tôi đến phòng khám tư của vị bác sĩ tại thị trấn heo hút nơi gia đình tôi đang sống. Mẹ không đi vào buổi sáng cũng không phải buổi chiều mà vào lúc chập choạng tối.
 
Trong suy nghĩ của người dân bấy giờ, đến bác sĩ phá thai là điều gì kinh khủng lắm. Phải như thế nào mới tìm đến chỗ đó. Mẹ con tôi lén lút như sợ ai bắt gặp. Mẹ chở tôi đến trước ngôi nhà có cánh cổng sắt sơn màu xanh đóng im ỉm. Giàn hoa giấy với những bông màu tím đã phai hết màu rụng đầy dưới nền sân. Vị bác sĩ già mở cửa cho mẹ con tôi vào, chiếc cổng sắt đã rỉ sét phát ra những âm thanh rin rít trong buổi ánh chập choạng. Mẹ bước vào nhà, rồi vào tiếp một phòng nữa, tôi líu ríu bước theo như sợ mẹ sẽ biến mất sau cánh cửa, nhưng tôi không được ở trong đó mà vị bác sĩ đuổi tôi ra ngoài đứng chờ. Trước khi đến đây mẹ có dặn nếu một tiếng nữa không thấy mẹ ra thì về gọi dì đến đưa mẹ về. Hồi đó, tôi vẫn còn ngây thơ không hiểu mẹ với bà bác sĩ làm gì trong đó mà phải nhờ dì tới đón về.

Tôi kiên nhẫn đứng chờ phía bên kia đường. Trời cứ tối dần, những bóng người đạp xe qua loang loáng. Mắt tôi không rời cánh cổng xanh có giàn hoa giấy. Tôi nghe như có tiếng rên khe khẽ vọng ra hòa lẫn với tiếng ồn ào của dòng người qua lại.

Chưa đầy một tiếng sau mẹ đi ra. Xanh xao, mệt mỏi. Mẹ nói tôi chở mẹ về. Tôi im lặng rướn lưng đạp xe trên con dốc nhỏ, sau lưng hơi thở của mẹ phả vào cổ tôi nóng rát.

Mẹ nằm li bì cả tối, chỉ ăn vài muỗng cháo nhỏ. Đó là những ngày bố đi công tác xa, nhà chỉ có mẹ và hai chị em. Mãi đến sau này tôi mới biết lần tôi chở mẹ đó là đi phá thai, bỏ đi đứa em mới đang thành hình trong bụng mẹ. Từ đó, hai từ phá thai cứ hằn sâu vào trong tâm trí tôi như một điều gì đó thật kinh khủng và ám ảnh.

2. Lớn lên, tôi xa mẹ lên phố học đại học. Cuộc sống tự do không bị quản lý từ gia đình khiến những người bạn tôi bắt đầu những mối quan hệ yêu đương. Một lần, cô bạn thân nhờ tôi đưa đi khám bác sĩ. Sẽ là bình thường như những người có bệnh đi khám bác sĩ nhưng nơi mà cô bạn tôi đến là khoa sản của bệnh viện. Tôi nhìn bạn với ánh mắt đầy dò xét, nó lí nhí “Tao bị trễ 2 tháng rồi, thằng đấy cũng mất tăm luôn. Giờ không thể để được mày ơi”. Những giọt nước mắt lăn dài trên má nó. Tôi thở dài đánh thượt. Chẳng thể khuyên nó giữ lại bởi nó cũng chỉ là đứa con gái còn đang ăn bám bố mẹ thì làm sao có thể nuôi con? Mùi cồn sát trùng của bệnh viện xộc lên mũi làm tôi rùng mình. Người bác sĩ tay vẫn cắm cúi ghi trên cuốn sổ nhàu nhĩ hỏi “Mấy tháng rồi? Làm gì?”. Nó líu ríu “Hai tháng, bỏ”.
 
Lúc này bà mới ngẩng lên nhìn nó, rút từ xấp giấy trên bàn đưa một cái đơn, nhìn nó bằng ánh mắt lạnh băng “Điền vào rồi ngồi chờ”. Nó khúm núm nhận tờ giấy mỏng tang mà sắc lạnh như dao cứa. Những giọt nước mắt vẫn đọng trên mi, vị bác sĩ buông một câu lạnh lùng “Có gì mà khóc. Lúc sướng thì ai cười cho”. Sự chua chát, đắng nghẹn trong cổ, vừa thấy thương, vừa thấy giận bạn. Ở dãy ghế chờ ngoài hành lang, tôi đứng ngồi không yên. Chỉ thấy tiếng dụng cụ va vào nhau khô khốc, tiếng đứa bạn khe khẽ “Nhẹ một chút bác sĩ ơi, đau quá”. Tôi chẳng nghe thấy tiếng người bác sĩ trả lời, chỉ thấy những tiếng nấc nhè nhẹ. Tôi rùng mình nhớ lại cái khoảnh khắc đau đớn của mẹ trong buổi chiều chập choạng năm nào.

Người ta đưa bạn tôi ra trên chiếc giường phủ ra trắng đã chuyển sang màu cháo lòng, nó nằm thiêm thiếp. Tôi nghe người ta xì xào sao không bồi dưỡng cho bác sĩ một ít để họ làm cho đỡ đau. Lúc ấy tôi mới tỉnh nhưng sinh viên như chúng tôi làm gì có tiền mà bồi dưỡng? Tôi cầm tay nó ngồi bất động trong phòng hồi sức đợi để đưa nó về. Suốt quãng đường về, tôi và nó đều im lặng. Mỗi đứa theo đuổi một ý nghĩ khác nhau.
3. Sau này khi đã có gia đình, trong lần đi khám thai tôi có gặp một cô gái khoảng 20 tuổi, xinh xắn. Trông em gầy rộc, những đường gân nổi mờ mờ trên mu bàn tay xanh xao tôi buột miệng hỏi “Em bị làm sao?”. Em trả lời giọng yếu ớt “Mấy hôm trước em đi phá, hình như bị sót nhau, từ hôm đó đến giờ bị đau bụng suốt nên phải đi khám lại”.

“Ai đưa em đi mà ngồi một mình ở đây?”.

Thoáng một chút ngần ngừ, em nói “Chồng em đợi ở ngoài kia chị ạ”.

Hỏi thì thế nhưng tôi biết em đến đây một mình bởi những ai có chồng hay người thân đi cùng đều đang cùng ngồi chờ ở đây. Nhìn dáng em lẻ loi giữa hành lang hun hút đi vào phòng khám nhiều người không khỏi mủi lòng. Không biết trong phòng khám kia em sẽ nói những gì với bác sĩ nhưng sao thấy xót xa quá. Cái hồn nhiên tuổi 20 của em đâu rồi?

Nhật Hạ
;
.
.
.
.
.