Nổi bật trong số hơn 400 tác phẩm tuyệt vời của nền nghệ thuật điêu khắc Chămpa hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là tượng đồng Tara - một tác phẩm bằng chất liệu đồng duy nhất trong Bảo tàng.
Xế chiều ngày 10-8-1978, một người dân ở làng Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, trong khi làm ruộng đã tình cờ phát hiện một pho tượng đồng ở độ sâu cách mặt đất chừng 1,50m trong tư thế nằm ngửa, đầu quay về hướng Tây, chân quay về hướng Đông. Bao quanh tượng có một lớp gạch xếp thành hình tròn đường kính khoảng 1,50m trên nền một lớp đá sạn nhỏ màu hồng. Phía trên tượng được phủ nhiều đất và nhiều lớp gạch vụn cùng với loại gạch của các công trình kiến trúc tháp trong quần thể di tích Phật viện Đồng Dương.
Mặc dù bức tượng được tìm thấy cách xa vị trí ngôi đền chính chừng 100m nhưng khi được đưa lên mặt đất thì hiện trạng chất liệu đồng của pho tượng vẫn tốt, sự ô-xy hóa chỉ làm cho bề mặt của bức tượng có thêm màu xanh lục trông có vẻ cổ điển hơn chứ không hề làm cho bức tượng bị bào mòn hay bị xâm thực biến dạng. Tư thế cũng như hiện trường của bức tượng đã khiến cho nhiều giả thiết được đặt ra trong quá trình xem xét nghiên cứu và suy luận của nhiều học giả: Hoặc là do bức tượng đã bị đổ và văng ra xa do sự hủy hoại của di tích Đồng Dương từ rất lâu, hoặc cũng có thể vì một lý do tôn giáo hoặc chiến tranh giữa Chămpa với các quốc gia cổ đại lân cận mà các tín đồ Phật giáo thời đó đã cẩn thận đem “Vị Nữ Thần” của mình cất giấu sâu trong lòng đất?
Sự phát hiện được bức tượng đồng Tara 33 năm trước đã gây chấn động trong giới nghiên cứu về nghệ thuật Chăm. Một năm sau đó (năm 1979) nhà nghiên cứu nghệ thuật người Pháp Jean Boisselier đã viết một bài khá dài về tác phẩm này (trên tập san BEFEO số 73, từ trang 319 đến 337). Trong đó, ông khẳng định pho tượng vị Bồ tát Tara này chính là tượng Laksmindra-Lokesvara, vị Bồ tát bảo hộ vị vua Indravarman II (875-930) dưới hình thức của Avalokitesvara-Bodhissattva hay Bồ tát Quan Thế Âm tại đền chính của Phật viện Đồng Dương. Ý kiến này đã được các nhà nghiên cứu về nghệ thuật Chămpa tán đồng. Như vậy, các giả thuyết đặt ra trong quá trình nghiên cứu cũng như khoảng trống trong bản vẽ của hồi đầu thế kỷ XX của nhà nghiên cứu nổi tiếng Henri Parmentier khi ông khảo sát khai quật Đồng Dương năm 1902-1903 về vị trí quan trọng của vị Bồ tát hình như được giải tỏa.
Toàn thân tượng đồng Tara (trái) và vết tổn thất ở các ngón tay cho thấy có các biểu tượng đã bị mất. |
Avalokiteshvara, có nghĩa là “Đấng chí tôn đoái nhìn xuống dưới”, hay là “Người lắng nghe những sự cầu xin của thế gian” - đây là một trong những vị Bồ tát chính của Phật giáo Đại Thừa (Mahâyâna). Tara - “Người cứu vớt” là hiện thân của Avalokiteshvara - Bà sinh ra từ nước mắt của vị Bồ tát này và Bà có sứ mạng giúp Bồ tát A-di-đà; Bà hiện thân cho lòng yêu thương, sự thấu hiểu và là một thần linh rất nổi tiếng trong Phật giáo Tây Tạng.
Vị Bồ tát Tara bằng đồng hiện có tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được khắc họa trong tư thế đứng thẳng vừa trang nghiêm vừa mỹ miều, thân hình cân đối với bộ ngực căng đầy để trần; Tara mặc một loại sà-rông hai lớp kéo dài từ eo lưng thon gọn xuống phía dưới với những đường xếp nếp sắc sảo, dày đặc nhưng mềm mại (lớp trong chảy thẳng xuống cổ chân và xòe nhẹ về hai bên, lớp ngoài quấn ôm quanh để lộ hai tà xéo chồng lên nhau và cao hơn lớp trong) trông vô cùng duyên dáng. Trên đầu Tara đội một chiếc mũ gọi là Jatamukuta cổ điển bọc lấy bộ tóc quấn cao ở bên trong, phía trước mũ có hình vị Phật A-di-đà.
Điểm đáng chú ý nhất chính là những chi tiết đầy biểu cảm trên khuôn mặt có hàm vuông của Tara vừa ánh lên vẻ nghiêm trang đầy trí tuệ nhưng cũng vừa chứa đựng vẻ dịu dàng thuần khiết đầy bao dung, bác ái. Phía trước trán khắc một hình thoi lõm sâu xuống được gọi là Huệ nhãn (Urna) đặc trưng cho các vị Bồ tát của Phật giáo Đại Thừa và trước kia đã từng được gắn đá quý, hai hàng lông mày cũng được khắc sâu nối liền nhau qua gốc mũi và chắc chắn cũng đã từng được khảm vàng lung linh trên đôi mắt mở to với mi mắt được viền vàng chạy quanh lòng trắng và con ngươi được gắn bằng ngọc thạch. Sống mũi Tara cao thẳng và nhọn ở đầu mũi cùng với miệng rộng và cặp môi dày là những chi tiết phụ họa thêm trên khuôn mặt làm toát lên nét nhân chủng Chăm cũng như chứa đựng những nét đặc trưng của phong cách nghệ thuật Đồng Dương.
Bồ tát Tara hiện đứng ở vị trí trang trọng trong phòng trưng bày mang tên Đồng Dương của Bảo tàng Điêu khắc Chăm - với chiều cao 1,148m được coi là một tác phẩm bằng đồng lớn nhất của điêu khắc Chăm cho đến thời điểm hiện giờ. Bức tượng đã và đang thu hút sự ngưỡng mộ của hầu hết khách tham quan không chỉ ở vẻ đẹp vô cùng thanh thoát quyến rũ và siêu thoát của hình tượng điêu khắc biểu hiện qua những đường nét chạm trổ tinh tế như đã mô tả trên mà còn đem đến đôi chút tò mò về những phần tổn thất ở các ngón tay vị Bồ tát.
Tara đang đứng đó, hai cánh tay tròn trặn mềm mại khá dài buông xuôi từ vai xuống và đưa nhẹ cả hai khuỷu tay về phía trước. Đây là một trong 21 hình thức khác nhau của Tara, hai lòng bàn tay đưa ra phía trước và lật ngược lên, các ngón tay trước đây chắc chắn đã cầm những biểu tượng nổi tiếng biểu trưng của vị Bồ tát này vì dấu vết còn đọng lại trong lòng bàn tay.
Đó là những biểu tượng nào? Câu hỏi gợi chút tò mò từ du khách tham quan Bảo tàng và là nỗi niềm trăn trở bao năm qua của những người làm công tác bảo tồn - bảo tàng. Việc “giải mã” bí mật này rất có ý nghĩa, khi mà tượng đồng Tara vừa được Bảo tàng đề cử trong danh mục bảo vật quốc gia trình Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt trong thời gian tới.
Phan Thị Thu Bình
Kỳ tới: Bí mật hai biểu tượng cầm tay.