.

Vết tích quen thuộc

.

Từ chỗ đinh ninh chỉ có một suất xuống hạng, các đội bóng bỗng giật mình hoảng hốt nhận ra rằng có đến hai đội đứng trước nguy cơ không còn chơi ở giải bóng đá lớn nhất nước sau việc đội bóng hạng nhất Kiên Giang tuyên bố trở thành câu lạc bộ chuyên nghiệp theo một quy định của cơ quan điều hành cao nhất là VFF.

 

Mô tả ảnh.
Cảnh tượng hỗn loạn trên sân Lạch Tray chiều 2-8-2011 giữa đội chủ nhà V. Hải Phòng và Hòa Phát Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

 

Cuộc chạy đua giành quyền trụ hạng ở V-League giờ phút cuối trở nên sôi động đến hoảng loạn. Nhiều đội tưởng chắc mẩm trụ hạng bỗng sau một đêm chợt thấy mình lại đối diện bờ vực xuống chơi ở giải hạng nhất. Lại vắt giò lên cổ, lại đứng ngồi không yên bước vào những vòng đấu cuối một mất một còn! Bóng ma đi đêm, móc ngoặc, xin-cho, mua-bán ngã giá lại thừa cơ ngóc đầu dậy. Đó đây xuất hiện những cuộc chiến bên ngoài sân bóng, những trận đấu mà kết quả đã được báo trước… Sân chơi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bỗng chốc nóng lên những ngày này.

Những gì kéo theo đó thì hầu như không ngoài dự đoán của những khán giả vốn quen mặt với các vấn nạn lưu cữu của nền bóng đá vốn tự hào bước vào năm thứ 11 chuyên nghiệp. Trên sân Hải Phòng, sau trận đấu giữa hai đội đang nằm ở nhóm cuối bảng và đều đứng trước nguy cơ rớt hạng, huấn luyện viên của đội khách là Hòa Phát Hà Nội chực khóc vì cho rằng mình bị trọng tài thổi ép trắng trợn. “Tôi khổ sở quá rồi, tôi muốn nghỉ làm bóng đá. Trọng tài bắt như vậy là giết chết chúng tôi, giết chết bóng đá!”, giọng uất ức của ông Nguyễn Thành Vinh trong cuộc họp báo sau trận đấu được truyền đi cả nước. Chuyên gia bóng đá từng rơi vào vòng lao lý vì dính chuyện đi đêm móc ngoặc có vẻ chán chường cao độ. Con đường làm lại của ông vậy là gặp thêm trắc trở, ước nguyện làm bóng đá sạch để xua tan lỗi lầm trong ông còn lâu mới thành hiện thực.
 
Hai người quản lý câu lạc bộ Hòa Phát Hà Nội cũng dọa sẽ bỏ cuộc giữa chừng nếu ban tổ chức giải không chấn chỉnh chất lượng trọng tài. Mối nghi ngờ của họ là trọng tài đã thiên lệch một cách cố ý, đã đổi trắng thành đen trong các quyết định mang tính bước ngoặc ở một cuộc tranh tài then chốt định đoạt vận mệnh của cả mùa giải…
 
Có thể vì quá bức xúc mà các nhà quản lý câu lạc bộ đánh mất tính chuyên nghiệp qua lời đe dọa bỏ cuộc nửa chừng, nhất là khi nhận ra rằng sự tắc trách, thậm chí mờ ám, của người cầm cân nảy mực có thể phủi sạch toàn bộ công sức phấn đấu của cả đội bóng suốt mùa giải. Mặt khác, sức ép tâm lý trong một trận cầu căng thẳng có thể là nguyên nhân chính dẫn đến các quyết định gây bất bình của trọng tài chứ không phải họ bị mua chuộc. Mọi việc còn chờ kết luận từ phía ban tổ chức. Điều rõ nhất có thể nhận ra lúc này mà không cần một cuộc điều tra, thăm dò nào là những rối rắm, căng thẳng, cảnh hoảng loạn, thiếu chuyên nghiệp ở giai đoạn cuối của V-League bắt nguồn từ năng lực điều hành chưa bao giờ mạnh của các nhà tổ chức, thể hiện qua điều lệ “không giống ai” do họ ban hành. Chính điều lệ ấy, cộng với thói ỡm ờ, né tránh ở nhiều thành viên điều hành giải đã bắc cầu cho những tệ nạn, làm sống lại bóng ma liên minh, móc ngoặc trên một cơ thể bóng đá vắng bóng sự trung thực, sòng phẳng.
 
Công chúng chờ đợi sự lên tiếng của người đứng đầu VFF - vốn chứng kiến trọn vẹn diễn biến trận đấu ở Hải Phòng - với hy vọng tiếng nói của quan chức quản lý cao nhất may ra chặn được nguy cơ bùng phát thêm các rối loạn ở ba vòng đấu cuối. Tuy vậy, có vẻ đó là hy vọng quá đỗi mong manh. Bởi vì, chuyện xảy ra ở sân Hải Phòng, trên thực tế, chỉ là hình ảnh lặp lại, là vết tích quen thuộc trên dung mạo một V-League bất ổn kéo dài từ năm này sang năm khác.

Đình Xê
 
;
.
.
.
.
.