.
Hồ sơ Tên đường

Đường mang tên vị tướng tài ba người Nùng: Tôn Đản

.
Đường Tôn Đản dài 2.500m, rộng 6m, nối từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Lê Trọng Tấn, thuộc quận Cẩm Lệ. Đường lần đầu tiên mang tên Tôn Đản theo Nghị quyết của HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VI, ngày 12-1-2002.
 
Mô tả ảnh.
Đường Tôn Đản, đoạn đi qua phường Hòa An, quận Cẩm Lệ.
 
Tôn Đản là cách gọi khác của Tông Đản do kỵ húy nhà Nguyễn, tên họ đầy đủ là Nùng Tông Đản, sinh năm 1046 tại tổng Kim Pha, châu Quảng Nguyên thuộc đạo Thái Nguyên (nay là Nà Cạn, phường Sông Bằng, thị xã Cao Bằng). Ông là vị tướng tài ba người dân tộc Nùng, trong cuộc kháng chiến chống Tống (1075-1077), có công lớn cùng danh tướng Lý Thường Kiệt đánh phá các châu Ung, Khâm, Liêm trên đất nhà Tống, ngăn chặn âm mưu thôn tính Đại Việt của phương Bắc.

Năm 1072, vua Lý Thánh Tông chết, con là vua Lý Nhân Tông mới 6 tuổi lên nối ngôi. Vua Tống là Tống Thần Nhà cho rằng đó là một cơ hội tốt nên chuẩn bị xâm lược Đại Việt. Năm 1074, Tống Thần Tông cắt cử quan chức lo việc tập trung binh mã, tích trữ lương thảo, xây dựng căn cứ quân sự ở ba châu Ung, Khâm, Liêm, chuẩn bị đánh Đại Việt; đồng thời lôi kéo Chiêm Thành và Chân Lạp ở phía Nam, âm mưu dùng thế hai gọng kìm cùng một lúc tấn công cả hai phía Nam và Bắc nước ta.

Biết được âm mưu địch, Thái úy Lý Thường Kiệt bàn với vua cách phá tan kế hoạch liên minh Tống – Chiêm của địch. Theo đó, Lý Thường Kiệt quyết định tấn công trước vào Chiêm Thành ngăn chặn mối hiểm họa từ phía nam. Nắm rõ binh pháp có câu “tiên hạ thủ vi cường”, họ Lý bảo: “Ngồi yên đợi giặc sao bằng đem quân đánh trước để chặn các mũi nhọn của giặc?”. Cuối năm 1075, Lý Thường Kiệt huy động hơn 10 vạn quân thủy bộ và cử Tôn Đản làm phó tướng chỉ huy phần bộ binh, chủ động đưa quân đánh qua Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu ngay trên đất Tống.

Ngày 30-12-1075 quân Đại Việt tiến đánh Khâm Châu, một tháng sau đánh chiếm Liêm Châu, nửa tháng sau đó Tôn Đản kéo quân đến ngoại thành Ung Châu, hội cùng đại quân của Lý Thường Kiệt vừa đến.

Quân Tống cũng không vừa, nhân lúc quân ta đang dồn lực lượng hãm thành Ung Châu thì địch bất ngờ đánh úp chiếm Thăng Long. Tuy nhiên, mọi việc đã được Lý Thường Kiệt tiên liệu, ông nhanh chóng một mặt cho rút quân về phòng thủ, một mặt tấn công và hạ thành Ung Châu vào ngày 1 tháng 3 năm 1076.

Sau đó, trong chiến lược phòng ngự sông Như Nguyệt, quân ta đã đánh tan hai đạo quân Tống ở sông Như Nguyệt, buộc tướng Tống là Quách Quỳ phải chấp nhận cầu hòa, một hình thức đầu hàng không điều kiện để bảo vệ mạng sống cho binh lính, giữ thể diện “thiên triều” và tạo hòa hiếu lâu dài.

Sau thắng lợi quan trọng này, vua Lý phong Lý Thường Kiệt làm Điện tiền nguyên súy Phục quốc Thái úy, phong cho Nùng Tôn Đản chức Lang Trung tướng quân, triệu về kinh thành Thăng Long làm Đô quân thống lĩnh ngự tiền sử.

Để vinh danh công lao của Nùng Tôn Đản đối với đất nước, ở Hà Nội ngày nay có một đường phố mang tên ông. Ở Đà Nẵng, đường phố mang tên ông hiện chỉ rộng 6m, sẽ được mở rộng 7,5m, vỉa hè mỗi bên rộng 3m, khi dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường Tôn Đản theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được triển khai trong hai năm 2011 - 2012. Nhà nước đền bù 100% giá trị vật kiến trúc bị tháo dỡ như tường rào, cổng ngõ, mái hiên, hàng quán; đền bù 50% giá trị đất thu hồi. Hơn 700 hộ có nhà dọc theo đường đã tự nguyện hiến 50% giá trị đất thu hồi, không nhận đền bù cây cối, hoa màu, sân nền bê-tông...

Mở rộng đường sẽ làm cho cảnh quan phố phường khang trang và chính nhà mình cũng đẹp lên, giá trị hơn lên. “Nghĩa cử” của hơn 700 hộ dân các phường Hòa An và Hòa Phát cũng là cách biểu lộ lòng tri ân đối với vị tướng người Nùng mà con đường đi qua trước nhà mình được vinh dự đặt tên.

LÊ GIA LỘC
;
.
.
.
.
.