.

Khi danh sĩ vi hành

.
Trong tác phẩm Phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam (NXB Đà Nẵng, 1998), nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy có kể hai giai thoại lý thú về hai danh sĩ thời Cần Vương ở Điện Bàn đi “vi hành”.

Mô tả ảnh.
Tượng Nguyễn Duy Hiệu tại ngôi trường mang tên ông ở thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. (Nguồn: dienbangov.com)
Ông già câu ếch “qua mặt” cử nhân

Chuyện kể, một ngày nọ, một bà mẹ có ba người con đều đỗ cử nhân, tú tài qua đời. Ba nhà khoa bảng mài mực, trải vải để viết câu đối thờ mẹ nhưng nghĩ mãi không ra một ý gì, cứ người nọ nhìn người kia. Đang lúc đó có một ông già đi câu ghé qua xin nước uống, thấy thế nên hỏi sự tình. Ba anh em tang chủ thật thà nói rõ sự việc. Ông lão câu ếch lên tiếng: “Cử nhân, tú tài mà không viết nổi câu đối khóc mẹ sao? Cho lão xin chén nước chè nóng rồi lão giúp cho. Có khó gì đâu”.

Uống xong bát nước cho thấm giọng, ông lão câu ếch liền xuất khẩu đọc ngay: Tam chi phân quế liên phan dị/ Thiên tải bàn đào dục hiến nan. Tạm dịch: Ba cành đan quế vin liền với nhau thì dễ/ Quả bàn đào nghìn năm muốn dâng hiến mẹ, thật khó thay.

Ba anh em nghe xong đều sửng sốt, bái lễ tôn ông lão câu ếch là bậc thầy. Và rồi... họ đã biết đó là quan Hoàng giáp Phạm Như Xương, vị “đệ nhất khoa bảng Quảng Nam”, một trí sĩ thanh bần, thậm chí nghèo xác xơ vì thời thế nghiệt ngã.

Phạm Như Xương sinh ngày 5-8-1844 tại làng Ngân Câu, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay thuộc xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). 24 tuổi, ông đỗ Cử nhân; 31 tuổi, đỗ Tiến sĩ, sau đó vào thi Đình đỗ thủ khoa nên được gọi là Hoàng giáp Tiến sĩ.

Khi vua Kiến Phúc lên ngôi năm 1883, ông được đổi vào làm Bố chánh tỉnh Phú Yên nên được người đương thời gọi là ông Bố Ngân Câu.

Năm 1885, cuộc binh biến ở Huế bất thành, kinh đô thất thủ. Ở Phú Yên, Văn thân và nghĩa quân nổi lên chiếm thành. Ông bị bắt, nhưng được trả tự do ngay vì cho là “bắt nhầm”. Tuy vậy, Viện Cơ mật đã tâu lên Đồng Khánh đòi làm án ông vì đã để mất thành tỉnh Phú Yên, nhưng đặc cách không thi hành án nhằm “ban ơn để mưu dùng về sau”.

Chán ngán cảnh quan trường, Phạm Như Xương bỏ về quê, tham gia phong trào Nghĩa hội, viết Hịch Văn thân kêu gọi kháng chiến. Phong trào thất bại ông bị bắt, bị kêu án trảm giam hậu, tên bị đục khỏi bia tiến sĩ ở Văn miếu Huế. Sau đó ông được phục chức, bổ làm Tri huyện rồi Đốc học.

Năm 1916, trong cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân, do các con của ông là Phạm Như Đỉnh, Phạm Như Chương tham gia phong trào, ông bị bãi chức, thải về quê.

Vào cuối đời, Hoàng giáp Phạm Như Xương bị bao vây kinh tế gắt gao, phải sống trong cảnh bần hàn, chỉ nhờ vào hoa màu phụ trong vườn và chuyên đi câu ếch, câu lươn để làm thực phẩm.

Người bán chiếu bất đắc dĩ

Chuyện kể, hôm đó có một người bán chiếu đến xem lễ khánh thành ngôi đình mới của làng Đồng Tranh. Giữa lễ, vị cử nhân của làng ra một vế đối và thách đối: Văn Đồng Tranh, võ Đồng Tranh, văn võ đồng tranh long hổ bảng. Người bán chiếu đã ung dung cầm bút đề vào vế đối còn trống, nét bút như rồng bay phượng múa: Quân Gia Hội, thần Gia Hội, quân thần gia hội phụng hoàng trì.

Nghe vế đối, cả chức sắc làng Đồng Tranh đều ngớ cả ra, chưa kịp mời vào chiếu giữa đình để thưởng rượu thì người bán chiếu đã vội vàng quảy gánh chiếu đi thẳng một mạch. Mọi người chưa hết thắc mắc thì chưa đầy một giờ sau, quân của Nguyễn Thân đã kéo đến. Số là, lúc đó khoảng tháng 6-1887, Nguyễn Thân chỉ huy hơn 600 lính Pháp và Nam triều đột nhập vào căn cứ Tân Tỉnh ở Trung Lộc của Nghĩa hội Quảng Nam.

Khi quân Nguyễn Thân rút đi, các chức sắc trong làng mới đọc lại vế đối và nói: “Lũ chúng ta có mắt mà như mù. Chỉ có ngài Hội chủ Hường Hiệu mới có được khẩu khí này mà thôi”.

Nguyễn Duy Hiệu sinh năm Đinh Mùi 1847 tại làng Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay thuộc phường Cẩm Hà, thành phố Hội An). Năm Kỷ Mão 1879, đỗ Phó bảng; năm 1882 ông được vua Tự Đức bổ dụng làm giảng tập ở Dưỡng Thiện Đường để dạy Hoàng tử Ưng Đăng (sau này là vua Kiến Phúc). Sau khi vua Tự Đức mất (1883), triều đình Huế bắt đầu rối ren. Nguyễn Duy Hiệu mượn cớ phụng dưỡng mẹ già trên 80 tuổi, từ quan về ẩn dật ở quê nhà, mặc dù lúc đó ông chỉ mới 36 tuổi. Triều đình ban cho ông tước Hồng Lô Tự Khanh, vì thế người đương thời thường gọi ông là “Hường Hiệu” hoặc “Hường Thanh Hà”.

Khi Phong trào Cần vương ở Quảng Nam gặp khó khăn, Trần Văn Dư (1839 – 1885) bị sát hại, Nguyễn Duy Hiệu trở thành lãnh tụ phong trào để tiếp tục chống Pháp. Phong trào từ đó trở nên rất mạnh, uy thế của ông lan rộng khắp nước. Triều đình Huế và thực dân Pháp tìm mọi cách lôi kéo ông về hàng và tiêu diệt phong trào.

Tháng 6-1887, khi Nguyễn Thân dẫn quân tấn công Tân Tỉnh, Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến phải cải trang chạy về An Lâm, Việt An. Người bán chiếu Hường Hiệu đã để lại vế đối xuất thần ở làng Đồng Tranh để rồi ung dung ra pháp trường gần hai tháng sau đó.

LÊ THÍ
;
.
.
.
.
.