.

Kiểm soát ma túy

Theo số liệu từ cơ quan chức năng, 3 năm qua, trong số 321 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy (MT) bị phát hiện, xử lý trên địa bàn quận Thanh Khê, có đến 41% là người từ các địa phương khác đến. Trong khi đó, tỷ lệ này trên địa bàn toàn thành phố là hơn 11%.

Những con số đó cho thấy, việc những người nghiện ma túy (MT) từ các địa phương trong phạm vi thành phố có sự di chuyển địa bàn khi tổ chức sử dụng MT và các dạng chất gây nghiện đang ngày càng diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, cũng theo điều tra của cơ quan chức năng, trong số gần 1.500 lượt trường hợp sử dụng chất MT bị phát hiện trong 3 năm qua của Đà Nẵng, số trường hợp tái nghiện chiếm 29,2%!

Những con số đó cũng cho thấy, với những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng, đoàn thể, tổ chức xã hội..., nhất là sự đồng thuận, kiên quyết trong thực hiện mục tiêu “Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng” thuộc chương trình “Thành phố 5 không”, thì việc kiểm soát tình hình MT trên địa bàn thành phố có dấu hiệu khả quan.

Tuy nhiên, đó không phải là những con số để chủ quan!

Bởi, với một địa bàn là cửa ngõ giao lưu của cả nước và quốc tế, Đà Nẵng cũng chịu ảnh hưởng nhanh chóng sự tấn công của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm MT trong bối cảnh các vụ mua bán, vận chuyển MT “xuyên quốc gia” ngày càng diễn ra gay gắt. Theo thống kê, đối tượng phạm tội về MT ngoại tỉnh ở Đà Nẵng chiếm tương đối cao với tỷ lệ hằng năm có gần 40%. Chủng loại MT ngày càng đa dạng; dễ dàng trong vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng... Bên cạnh đó, do thiếu tiền và bị kiểm soát chặt, nên có đến hơn 80% những người sử dụng MT tham gia vào đường dây mua bán lẻ để có tiền sử dụng; đối tượng nghiện MT nhiễm HIV/AIDS lợi dụng các quy định của pháp luật để công khai buôn bán, sử dụng... Đặc biệt, cũng theo thống kê, có đến 88% người sử dụng MT bị phát hiện có độ tuổi từ 18-35; đáng chú ý có 46 trường hợp là học sinh, sinh viên.

Với tính chất phức tạp và diễn biến ngày càng khó lường đó, cho thấy việc kiểm soát MT không thể và không chỉ là của cơ quan chức năng, của chính quyền và xã hội... mà chính là cần sự góp sức tích cực, chủ động, có trách nhiệm từ trong mỗi gia đình.

Bởi vì, với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, thì việc liên lạc để mua bán, sử dụng MT có lúc có nơi đã ra ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Việc cảm hóa, chia sẻ từ mỗi thành viên trong gia đình sẽ đem đến dấu hiệu tích cực hơn trong việc cai nghiện MT; bởi trong thực tế, một bộ phận cộng đồng vẫn còn có xu hướng thiếu niềm tin, kỳ thị, phân biệt đối với người sau cai nghiện...

Để hỗ trợ cho gia đình thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong kiểm soát MT, bên cạnh những giải pháp đồng bộ mà lâu nay thành phố vẫn thực hiện, thì một điều quan trọng là cần phải tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng... Thực tế hiện nay cho thấy, việc tuyên truyền vẫn chưa đi vào chiều sâu; chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm của gia đình và các thành viên gia đình trong việc phòng, chống MT mà dường như chỉ dừng lại là trách nhiệm của chính quyền, của xã hội. Nhiều hoạt động tuyên truyền diễn ra nhưng chỉ làm theo từng đợt, thiếu thiết thực; không nêu ra cụ thể những tác hại nhãn tiền nếu một gia đình bắt đầu bị MT “kiểm soát”. Việc tuyên truyền chỉ dừng lại ở những nhóm đối tượng tích cực mà chưa thực sự đi vào những khu vực có nguy cơ cao.

Như vậy, có thể thấy, để kiểm soát MT, thì cũng cần phải có những giải pháp nhằm kiểm soát những hoạt động liên quan đến công tác phòng, chống MT; nhất là khi nhận định “diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp” vẫn luôn hiện diện!

Anh Quân
;
.
.
.
.
.