Đầu năm học, thay vì vào nhà sách mua giáo trình gốc, phần lớn sinh viên chọn cách vào các tiệm photocopy gần trường để mua giáo trình…
Sinh viên có thể tìm mua hoặc trao đổi giáo trình photo tại những tiệm sách cũ. |
“Giáo trình gốc à? Lạ quá!”
Khi được hỏi bạn đang sử dụng giáo trình gốc hay photo, nhiều sinh viên như chợt giật mình nhớ ra còn có một loại giáo trình tên là… gốc. Bởi từ khi bước chân vào giảng đường đại học, những quyển sách giáo khoa thời học sinh thơm mùi giấy mới của NXB thực sự lùi vào dĩ vãng, họ chỉ còn biết những cuốn giáo trình photo lem nhem, đóng tập sơ sài và giá cả được tính theo độ dày, mỏng.
Học đến cao học tại Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, suốt 5 năm làm sinh viên, bạn L.N vẫn chưa từng sở hữu một cuốn giáo trình gốc. L.N nói: “Không biết vì sao lại như vậy nữa. Bây giờ, cần mua cuốn sách phổ thông nào đó thì nhất định mình chỉ mua sách gốc, ai cho sách photo cũng không thèm cầm, nhưng với sách đại học, cao học thì 100% đều là hàng photo”. Theo L.N, mấy môn trong chương trình đại học, cao học chỉ lướt qua vài buổi là hết, tốn tiền vào việc mua sắm giáo trình là hoang phí. Hơn nữa, đẹp xấu không thành vấn đề, chỉ cần thấy… chữ để đọc là tốt rồi. Riêng với môn ngoại ngữ cần hình ảnh minh họa, cô giáo phải cầm giáo trình gốc đi từng bàn cho sinh viên thấy… màu sắc để dễ hình dung bài học.
Không riêng đàn anh chị như L.N, các sinh viên năm nhất cũng mặc nhiên coi giáo trình photo là “sự lựa chọn hoàn hảo”. Y.B (ĐH Ngoại ngữ) cho biết: “Cả lớp em đều xài giáo trình này. Chẳng ai thắc mắc gì cả. Cứ nói tới tài liệu học là... “phô”. Có những cuốn chuyên ngành nặng cả ký cũng được sinh viên nhiệt tình mang ra tiệm sao chép”.
Theo chân L.N đến khu vực quanh Trường ĐH Sư phạm, Bách khoa Đà Nẵng, v.v… chúng tôi ghi nhận hàng chục tiệm photocopy tại đây kiêm luôn vai trò của một nhà sách. Nhất là vào thời điểm bước vào đầu năm học, sách đại cương năm nhất được quảng cáo công khai. Chỉ cần nói tên sách, nhân viên của tiệm sẽ đưa ra ngay cuốn bạn cần trong “kho lưu trữ”. Tại một tiệm photo trên đường Ngô Sĩ Liên, quận Liên Chiểu, cầm cuốn Đại số tuyến tính (tác giả Thái Xuân Tiên-Nguyễn Viết Đức-Đặng Ngọc Dục), khổ 16x24 cm được rao giá 12 nghìn đồng, một sinh viên thốt lên: “Ô, răng mắc dữ hè. Cuốn mỏng léc ni lẽ ra 7 nghìn thôi!”. Trên thực tế, cuốn giáo trình này có giá gốc tương đương 23 nghìn đồng.
Những cửa hàng sách cũ gần trường đại học cũng không kém cạnh khi có cả dịch vụ mua bán, trao đổi giáo trình. Học xong môn nào, sinh viên chỉ cần bù thêm vài ngàn để lấy cuốn khác. Ông chủ sách cũ trước Trường ĐH Sư phạm nói: “Giá giáo trình đủ dạng. Dày thì 6, 7 ngàn; mỏng thì 5, 3 ngàn”. Đã là hàng photo mà còn thuộc loại cũ nữa nên đúng là giá như vậy hãy còn… đắt đỏ.
Nạn photo là một “thử thách” đối với nhà xuất bản
Ông Nguyễn Kim Huy, Trưởng Ban biên tập, NXB Đà Nẵng cho biết, đến nay chưa thấy NXB nào lên tiếng về thực trạng này, dù sách in ra không bán được, bán một cuốn bị photo 10 cuốn thì chỉ có khóc. Không nói rằng thiệt hại từ photo giáo trình tràn lan là không lớn, tuy nhiên, với các NXB, trước sự hoành hành của kế hoạch “kinh doanh đen” như nạn in lậu thì photo giáo trình chỉ là chuyện nhỏ! Có chăng chỉ là thử thách trong hoạt động kinh doanh mà các NXB phải cố vượt qua.
Để hạn chế tình trạng sinh viên “thích” sử dụng giáo trình photo, theo ông Huy, ngoài việc phải có một nội dung thực sự giá trị, sách phải được in đẹp, trình bày khoa học, gây được ấn tượng về hình thức trên từng trang in... khiến sinh viên thấy là mê liền, muốn có một cuốn lưu giữ suốt đời hoặc tặng bạn bè. Vậy làm sao họ có thể nỡ photo? Ngoài ra, giá bìa sách phải thật rẻ, hợp với đối tượng quanh năm ăn mì ăn liền, uống nước máy. Khi họ thấy so với sách photo, sách gốc chẳng đắt hơn là bao thì mắc công đi mượn về “phô” làm gì? Tuy nhiên, ông Huy cũng thừa nhận: Điều này nói dễ, nhưng để trở thành hiện thực lại là chuyện khác.
Giáo dục vấn đề bản quyền cho sinh viên Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã nhận được ý kiến chia sẻ của PGS.TS TRẦN VĂN NAM, Giám đốc ĐH Đà Nẵng. * P.V: Trước thực trạng nhiều sinh viên các trường CĐ, ĐH trên địa bàn Đà Nẵng sử dụng giáo trình photo, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng có ý kiến như thế nào, thưa thầy? - PGS.TS Trần Văn Nam: Trong những năm gần đây, tình trạng sử dụng giáo trình photo trong sinh viên các trường cao đẳng, đại học đã được giới báo chí nhắc đến nhiều. Giáo trình đang được coi như tài sản văn hóa để sưu tầm và sử dụng thoải mái với nhiều lý do. Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng khẳng định, bất kỳ việc sao chép, mua bán hoặc sử dụng giáo trình photocopy đều vi phạm Luật Bản quyền, vì Việt Nam đã tham gia Công ước Berne từ năm 2004, Công ước Rome về bản quyền và là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2006, thì việc tuân theo Luật bản quyền phải được thực thi. Để hạn chế thực trạng trên, ĐH Đà Nẵng đã quy định việc thu thập giáo trình phải được thẩm định đó là bản gốc và phải được các NXB có giấy phép phát hành.Việc tổ chức, quản lý và khai thác sử dụng các nguồn tài liệu theo quy định của Nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đưa và cập nhật giáo trình lên mạng với các phần mềm có tính bảo mật cao, quản lý và kiểm soát người sử dụng chặt chẽ; tăng cường ngân sách đầu tư về thu thập bổ sung giáo trình, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho sinh viên tiếp cận và sử dụng giáo trình tại các thư viện; giải quyết các trường hợp thương mại hóa giáo trình như mua, bán, sao chép giáo trình là bản photocopy đối với cán bộ, giảng viên và sinh viên; giáo dục cho sinh viên phân biệt được thế nào là vi phạm bản quyền… * P.V: Thưa thầy, phải chăng cần kiến nghị về việc hạ giá giáo trình gốc để sinh có nhiều sự lựa chọn hợp túi tiền? - PGS.TS Trần Văn Nam: Thiếu giáo trình là nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng giáo trình sao chép trái phép. Nên chăng có những quy định, chính sách khuyến khích các nhà khoa học, giảng viên của các trường đại học viết giáo trình và cập nhật giáo trình? Bởi viết giáo trình không phải là một công việc giản đơn và nhanh chóng. Mặc dù đã có các hình thức trợ giúp sinh viên tiếp cận với việc hạ giá sách như liên kết với các NXB tổ chức triển lãm sách, ngày hội sách giảm giá hoặc mua với giá ưu đãi… nhưng số lượng giáo trình được xuất bản quả là con số quá nhỏ bé so với số lượng sinh viên hiện nay. Nơi quen thuộc với sinh viên vẫn là các cửa hàng photocopy. Hiện nay, nước ta đã có hệ thống về Luật Sở hữu trí tuệ thì việc sao chép phải được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên việc quản lý, kiểm soát sao chép tài liệu tại các cửa hàng photocopy và việc sinh viên mua, sử dụng giáo trình copy là rất khó khăn. * P.V: Xin cảm ơn PGS.TS. HƯỚNG DƯƠNG (thực hiện) |
Toàn Vân