.

Chất lượng của luật

“Tôi thấy Quốc hội của chúng ta vẫn còn tình trạng là khi xây dựng luật, bộ, ngành nào thì làm dự thảo luật trên lĩnh vực mình phụ trách nên thường dẫn đến tình trạng nghiêng nặng quyền lợi về cho bộ, ngành đó trong quản lý, điều hành. Chính cách làm đó đã dẫn đến sự khiếm khuyết trong khi triển khai thực hiện”. Luật sư Mạc Như Mai phản ánh tình trạng trên trong buổi tiếp xúc với cử tri quận Hải Châu của các ĐBQH thành phố Đà Nẵng nhằm chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 2, QH khóa XIII sắp diễn ra.

Sự khiếm khuyết và chuẩn bị thiếu chu đáo trong cách làm luật đó, cũng dẫn đến việc phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung, thay đổi quá nhiều nội dung trong luật. Bên cạnh đó, tình trạng xây dựng các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư… nhằm hướng dẫn thi hành chậm triển khai; dẫn đến tình trạng luật đã có hiệu lực pháp lý nhưng chưa thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, làm cho các cơ quan chức năng lúng túng, bị động.

Trong khi đó, quan tâm về vấn đề chất lượng của luật, ông Nguyễn Hồng Tân, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà thì cho rằng, trước những vấn đề bức xúc của thực tiễn, việc xây dựng luật phải chặt chẽ, nhất là bảo đảm tính nghiêm minh, có tính răn đe, giáo dục. Ông cho rằng, hiện nay, tình hình vi phạm an ninh trật tự, an toàn xã hội và an toàn giao thông đang nổi lên những vấn đề bức xúc, xuất phát từ sự bất cập trong thực tiễn. Những quy định trong luật cũng như việc triển khai thực hiện chưa nghiêm, nên tình trạng “nhờn luật” và lợi dụng kẽ hở của luật để vi phạm đang diễn ra phức tạp, khó kiểm soát. Vì thế, tình trạng vị thành niên phạm tội, có những vụ việc mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng; tình trạng vi phạm an toàn giao thông dẫn đến chết người… chưa được xử lý đúng mức để mang tính răn đe, giáo dục trong toàn xã hội.

Cũng đóng góp ý kiến về công tác xây dựng luật của QH, nhưng cử tri Lê Văn Tửu, quận Sơn Trà nhấn mạnh đến việc cần thiết của sự tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân khi triển khai thực hiện luật, để người dân hiểu rõ và tuân theo, đồng thời có sự giám sát việc thực hiện luật ở cơ sở. “Tôi lấy ví dụ sắp tới QH sẽ thông qua Luật Biển Việt Nam, thì sau đó phải có biện pháp tuyên truyền đến nhân dân, nhất là ngư dân để người dân nắm rõ nội dung. Bởi, khi họ nắm vững thì mới làm chủ, bảo vệ được chủ quyền biển, đảo của đất nước theo đúng quy định của pháp luật”, ông Lê Văn Tửu bày tỏ.

Như vậy, có thể thấy, cử tri của Đà Nẵng đã quan tâm một cách toàn diện đến chất lượng của công tác xây dựng, tuyên truyền và triển khai thực hiện pháp luật - một vấn đề nóng bỏng hiện nay trong hoạt động của QH. Bởi, một Nhà nước pháp quyền XHCN thì phải có nền tảng luật pháp thực sự vững chắc, toàn diện để từ đó xây dựng một xã hội văn minh “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Chất lượng của luật vì thế có vai trò quyết định và quan trọng đến mọi mặt của đời sống. Việc xây dựng luật chặt chẽ, có tính bền vững thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền, triển khai thực hiện trong đời sống. Đồng thời, việc tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác cũng là yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng của pháp luật.

Việc tham gia xây dựng, giám sát triển khai thực thi pháp luật của ĐBQH là sự thể hiện vai trò, trách nhiệm của mỗi đại biểu đối với cử tri; qua đó góp phần quan trọng vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của QH trong giai đoạn cử tri mong mỏi xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự “của dân, do dân, vì dân”!

Anh Quân
;
.
.
.
.
.