.
Chuyện xưa xứ Quảng

Trường tư ở làng dệt Thi Lai

.
Tân Tân là tên một trường tiểu học được thành lập từ năm 1939, một trong những trường tư thục ra đời sớm và mang tính quy củ trên vùng đất Duy Xuyên lúc bấy giờ. Trường được xây dựng ở thôn Thi Lai, nay thuộc xã Duy Trinh, nơi có làng dệt tơ tằm nổi tiếng.

Mô tả ảnh.
Phân hiệu Tân Tân hiện chỉ dạy từ lớp 1 đến lớp 3, để các cháu nhỏ trong thôn không phải đi học xa. (Ảnh: L.H)
Tân Tân có nghĩa là Mới Mới. Ý tưởng lập trường nhen nhóm từ cuối những năm 40 thế kỷ trước, do các nhà hảo tâm, có xu hướng tân học khởi xướng  như các ông Trương Kỉnh, Hồ Nghinh (cả hai từng tham gia bãi khóa ở Huế, bị đuổi học), Trương Thắng, Nguyễn Đình Cừ… Cũng như trường Tân Dân ở Hội An, khi đặt tên trường là Tân Tân, những người có chí hướng cách mạng đã ngầm hướng theo xu thế của cụ Phan Châu Trinh về phong trào “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”.

Ông Lê Đào, quê Duy Trinh, kể rằng khi khánh thành trường Tân Tân, các thầy tự soạn diễn văn nhưng chính quyền Nam triều dưới sự giám sát của Pháp không cho, bảo phải đọc diễn văn do trên huyện đưa xuống. Các thầy bảo, chúng tôi làm trường thực tế ra sao thì chúng tôi nói như thế, giờ các ông bảo đọc một bài chung chung thì không thể phù hợp được. Cuối cùng, chấp nhận đọc cả hai, bài huyện trước, bài trường sau.

Trước đó, mỗi xã chỉ có một trường làng dạy tới lớp Ba, cả huyện mới có một trường tiểu học. Ở huyện Duy Xuyên lúc đó có trường Huấn dạy tới Cours Supérieur, tức là lớp Nhất tiểu học, tương đương lớp 5 hiện nay. Trường Tân Tân quy mô như trường tiểu học cấp huyện, chỉ khác là trường tư thục. Ông Lê Đào học lớp Nhì nhị niên ở trường Tân Dân, Hội An. (Bậc tiểu học lúc đó từ lớp Năm đến lớp Nhất, trong đó lớp Nhì có lớp Nhì nhất niên và lớp Nhì nhị niên). Lên lớp Nhất, khi Tân Tân ra đời, ông về học ở quê nhà, trở thành thế hệ học sinh khóa đầu tiên.

Thầy giáo có nhiều người giỏi. Hiệu trưởng đầu tiên là thầy Võ Văn Chúc người Đà Nẵng, một người thầy mẫu mực. Được một người anh em bạn rể là ông Nguyễn Đình Cừ ra mời, thầy Chúc nhận lời vì thể tình anh em, tuy chỉ nhận lương tượng trưng gọi là nhưng dạy rất nghiêm túc.

Làm hiệu trưởng sau thầy Chúc là thầy Hồ Thấu, chủ trương thầy trò bình đẳng, bảo học trò gọi mình bằng anh, không gọi bằng thầy. Những năm dạy học tại trường Tân Tân, thầy sáng tác nhiều bài thơ vừa làm tài liệu giảng dạy, vừa tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng, như bài Lên đàng: “Kẻ lo chi định mệnh/ Kẻ ôm chi kinh thư/ Kẻ chờ chi ngày tạnh/ Kẻ mở chi trường tư/ Hãy đứng dậy lên đường/ Nhập vào lòng biển cả/ Đời không còn xa lạ/ Đời chỉ là mến thương”.

Nhà đương cục không cho dạy môn công dân, đạo đức, các thầy phải lồng ghép nội dung này vào các môn học khác. Không khí trường Tân Tân khác với trường công, các thầy dạy rất nghiêm túc, mẫu mực, chan hòa tình cảm thầy trò qua các hoạt động ca hát, cắm trại, dựng kịch... Tuy có phụ cấp do các nhà hảo tâm đóng góp, nhưng các thầy nhận rất ít, gọi là cho có. Như ông Võ Thủ Lễ, đang làm nhân viên soát vé trên tàu lửa lương tháng 150 đồng, nhưng về dạy ở Tân Tân chỉ nhận 60 đồng.

Học trò các vùng khác như Điện Bàn, Quế Sơn, thậm chí ở Hội An, nghe tiếng cũng kéo về Tân Tân theo học, ở trọ trong nhà của mấy người giàu có lòng hào hiệp trong xã. Đó là những người kinh doanh làm giàu, một số từng bị tù vì làm cách mạng, sau về hoạt động bí mật dưới vỏ bọc như tham gia các Hội đá bóng, Hội tương tế, Hội chữa cháy, Hội tương tế người nghèo, Hội chữ quốc ngữ…

Tân Tân vừa dạy chữ, vừa trực tiếp gieo mầm yêu nước, tiến bộ cho bao lớp trẻ nên học sinh ra trường phần lớn tham gia cách mạng và nhiều người đóng góp cho đất nước qua hai cuộc kháng chiến như các ông Ngô Xuân Hạ, Hoàng Kim (Thiếu tướng), Võ Quang Thành (nhà giáo), Hoàng Châu Sinh…

Lưu dấu truyền thống hiếu học, những người một thời làm học trò trường Tân Tân đã đề nghị lấy Tân Tân đặt tên cho phân hiệu của Trường tiểu học Duy Trinh ở thôn Thi Lai hiện nay, ngay trên khuôn viên trường Tân Tân xưa. Chưa hết, các ông còn đứng ra vận động thành lập Giải thưởng Tân Tân để khuếch trương phong trào khuyến học trên xã nhà, quy tụ phần lớn những người gắn bó với ngôi trường ngày trước. Hiện nay, nguồn quỹ của giải thưởng khuyến học này đã lên đến trên 80 triệu đồng, hằng năm tổ chức khen thưởng cho các em từ tiểu học đến đại học có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện.

Làng Thi Lai vốn nổi tiếng nghề dệt lụa, từ khi trường Tân Tân ra đời, lại nổi tiếng là vùng đất hiếu học của Duy Xuyên. Theo gương Tân Tân, các họ tộc trong thôn cùng nhau mở quỹ khuyến học. Ông Lê Đào hiện là Chủ tịch Hội Tù yêu nước thành phố Đà Nẵng, cũng tích cực vận động xây dựng quỹ khuyến học tộc Lê ở làng quê ông. Ông bảo, đã mang danh học trò Tân Tân thì phải sao cho xứng đáng với công ơn dạy dỗ của các thầy ngày trước.

LÊ HUỲNH
;
.
.
.
.
.