.

Khuyến học trên đất học

.
Việc ra đời các Quỹ Khuyến học (KH) ở xã Hòa Phong đã góp phần giúp cho con em vùng đất học này có điều kiện đến lớp.

Mô tả ảnh.
Đại diện gia đình Liệt sĩ Đặng Vĩnh trao tặng học bổng tại Lễ ra mắt Quỹ KH liệt sĩ Đặng Vĩnh.
3-11-2009 là ngày khó quên đối với thầy và trò Trường tiểu học Lâm Quang Thự, xã Hòa Phong, ngày mà trường được chính thức mang tên người chiến sĩ cách mạng, nhà giáo yêu nước họ Lâm và là ngày ra đời quỹ học bổng cùng tên. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Học cho biết, Quỹ KH Lâm Quang Thự hiện tồn quỹ 70 triệu đồng, được quyên góp từ con cháu dòng họ Lâm. Gần 2 năm qua, quỹ đã cấp học bổng cho 20 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khen thưởng 1 học sinh đạt thành tích xuất sắc, khen thưởng một số cán bộ, giáo viên có thành tích xuất sắc và hỗ trợ nhân viên nhà trường có mức lương thấp. Tổng số tiền dành cho các hoạt động này là 22 triệu đồng.

Trước đó đã có Quỹ KH Cụ Nghè Lâm Quang Tự (cha của nhà giáo Lâm Quang Thự), người có công dời Trường Cẩm Toại từ vườn nhà mình ra sát đường 14 và thành lập Trường tiểu học An Phước vào năm 1908. Quỹ cấp học bổng cho học sinh toàn xã, gồm 2 trường tiểu học, một trường THCS và một trường THPT. Ở Trường tiểu học An Phước, các cựu học sinh của trường, chủ yếu là những người đã thành danh trên nhiều lĩnh vực ở mọi miền đất nước, đã lập một quỹ KH để góp phần hỗ trợ cho các thế hệ học sinh An Phước tiếp bước đàn anh trên đường học vấn.

Mới đây, hôm 10-9, một quỹ KH mới ra đời trên đất Hòa Phong, mang tên Liệt sĩ Đặng Vĩnh, người con của làng Túy Loan.

Liệt sĩ Đặng Vĩnh sinh năm 1932, là con trai duy nhất trong một gia đình có 6 người con, từng là học sinh Trường tiểu học An Phước, rồi Trường trung học Phan Châu Trinh, Tam Kỳ. Hiếu học và học rất giỏi, nhưng trước cảnh nước mất nhà tan, ông “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, tham gia bộ đội, từng làm trợ lý cho ông Đàm Quang Trung, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96 Quân khu 5. Năm 1950, ông hy sinh trong một trận đánh tại xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, khi vừa tròn 18 tuổi.

Liệt sĩ Vĩnh có người em là bà Đặng Thị Vân lấy chồng là ông Nguyễn Minh Triết, quê xã Điện Minh, Điện Bàn. Ông Triết từng đưa vợ về quê mình, lập một quỹ KH lấy tên người em ruột của ông là Liệt sĩ Nguyễn Việt Hùng. Ông Triết nghĩ, mình lập quỹ KH cho em mình rồi, còn anh vợ mình thì sao đây, khi mà sinh thời, anh luôn tâm niệm phải lấy sự học làm đầu? Thế là, ông đưa vợ về bàn với ông Nguyễn Tịch, Chủ tịch Hội KH xã Hòa Phong, lập luôn Quỹ KH Đặng Vĩnh để hoàn thành di nguyện của người quá cố.

Hôm ra mắt, Quỹ KH Liệt sĩ Đặng Vĩnh đã tặng 62 suất học bổng trị giá 30 triệu đồng cho học sinh, tân sinh viên nghèo trên địa bàn xã. Theo ông Nguyễn Tịch, từ đây, mỗi năm, Quỹ sẽ cấp học bổng trị giá 50 triệu đồng, góp phần nâng tổng các quỹ KH trên địa bàn xã lên gần 300 triệu đồng mỗi năm.

Thầy Đặng Phước Đắc, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học An Phước, Chủ tịch Hội KH huyện Hòa Vang, đánh giá: Hội KH xã Hòa Phong là một trong những đơn vị KH mạnh ở Hòa Vang. Ông Dương Tấn Đạt, Bí thư xã Hòa Phong cho biết, 3 năm liền, xã dẫn đầu số lượng học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1 toàn huyện: 2009 đỗ 45 em, 2010 đỗ 65 em, 2011 đỗ 68 em. Đó là kết quả từ công việc thầm lặng của các chi hội KH ở 10 tộc họ, 4 trường học trên địa bàn xã, đặc biệt có một chi hội của cựu chiến binh thôn Cẩm Toại Trung.

VIÊN PHÚC QUÂN
;
.
.
.
.
.