Là nơi lưu giữ, bảo quản và trưng bày những tài liệu, hiện vật có ý nghĩa lịch sử, bảo tàng đã tái tạo quá khứ theo cách của mình để người xem cảm nhận được từ đó những ý tưởng có thể định hướng cho tương lai.
Phù điêu “Đà Nẵng trong tiến trình lịch sử của đất nước” mô tả vua Lê Thánh Tôn nhìn về vịnh Đà Nẵng được đặt ngay vị trí trang trọng nhất của Bảo tàng Đà Nẵng. |
Bảo tàng Đà Nẵng (BTĐN) được xây mới với tổng kinh phí 40 tỷ đồng (phần xây dựng 25 tỷ, phần trưng bày 15 tỷ) tại địa chỉ 24 Trần Phú, trong khuôn viên thành Điện Hải, Di tích Lịch sử Quốc gia. Nếu khi còn ở đường Lê Duẩn, một năm đón chưa được 1 nghìn lượt khách, thì ở địa chỉ mới này, chỉ riêng từ ngày 26-4-2011, thời điểm khánh thành và khai trương khu trưng bày, đến nay, BTĐN đã đón 8.500 lượt khách tham quan. Điều gì đã tạo nên sức hút ngoài mong đợi đó?
Đến tham quan BTĐN ở địa chỉ mới này, khách tham quan có thể nhận ra nơi này đã được đầu tư phương tiện trưng bày, thiết bị nghe nhìn và hệ thống chiếu sáng hiện đại. Phương pháp trưng bày mới đã định hướng được lộ trình tham quan đến các chủ đề trưng bày, không chồng chéo, giúp khách tập trung vào nội dung đang tham quan. Hệ thống tủ trưng bày đều có thiết bị thoát hơi, chống ẩm hiện đại được thiết kế dựa trên hệ thống nền tủ của Bảo tàng Guimet (một bảo tàng về nghệ thuật châu Á ở Paris, Pháp). Thiết bị ánh sáng bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật về trưng bày, vừa đáp ứng độ chiếu sáng chuẩn vừa không làm cho hiện vật xuống cấp.
Để góp phần tạo nên một bảo tàng tầm cỡ quốc gia, những người làm công tác bảo tồn – bảo tàng nơi đây đã chú ý đến từng chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt nhất. Như chuyện phục chế bệ đỡ và bánh xe cho súng thần công. Một thời gian dài, đã có nhiều mẫu mã phục chế các cấu kiện này nhưng vẫn không làm cho các cỗ thần công di chuyển nhẹ nhàng như người xưa kéo pháo ra trận. Ông Hà Phước Mai, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, trong một lần tham quan Bảo tàng Hoàng gia Nghệ thuật và Lịch sử Bỉ có thấy trưng bày súng thần công Việt Nam, liền chụp ngay một số ảnh. Từ ảnh chụp này, sau 3 tháng thiết kế, BTĐN đã phục chế được bệ đỡ và bánh xe cho súng thần công, kịp triển lãm nhân kỷ niệm 150 năm trận đầu đánh Pháp 1858 – 2008.
Tượng Quân thứ Tổng thống đại thần Nguyễn Tri Phương, người trực tiếp chỉ huy quân đội chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha và pa-nô cấp 1 khái quát sự kiện lịch sử này tại BTĐN. |
Hay như chuyện thiết kế các loại móc treo, giá đỡ. Khi triển khai Dự án FSP “Phát huy giá trị di sản bảo tàng Việt Nam” (Pháp) gồm nhiều hạng mục, trong đó có xây mới Bảo tàng Đăk Lăk, mở rộng và sắp xếp Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nhà tài trợ đã cử chuyên gia đến trực tiếp khảo sát, nghiên cứu và lập hồ sơ chi tiết đến từng loại móc treo cho từng loại hiện vật. Thế mà trước đó, nhiều người nghĩ rằng móc treo chỉ là chuyện nhỏ! BTĐN đã được nhóm chuyên gia làm dự án này tư vấn thiết kế móc sao cho chúng không lộ ra ngoài làm mất tính thẩm mỹ của hiện vật.
BTĐN hiện trưng bày 21 chủ đề theo 4 chuyên đề lớn. Việc thiết kế graphic (đồ thị; minh họa bằng đồ thị) về nội dung, hình ảnh cho từng chủ đề đã theo chuẩn quốc tế. Mỗi chủ đề được giới thiệu bằng một pa-nô ghi khái quát nội dung theo 3 cấp: cấp 1 khoảng 300 từ, cấp 2 khoảng 200 từ, cấp 3 khoảng 100 từ. Viết ngắn không dễ chút nào, phải nhờ các chuyên gia, như chuyên đề cấp 1 Đà Nẵng mở đầu mặt trận chống Pháp 1858 – 1860.
Mỗi chủ đề có nhiều sưu tập được minh họa bằng một phim tài liệu, do bảo tàng phối hợp với các nhà sản xuất phim thực hiện trên cơ sở kịch bản của bảo tàng. Ví như khách tham quan chuyên đề Các nghề thủ công truyền thống, sau khi xem không gian từng làng nghề (bánh tráng Túy Loan, điêu khắc đá Non Nước, nước mắm Nam Ô…), sẽ đến phòng chiếu phim có 30 ghế ngồi, xem phim minh họa để hiểu hơn về làng nghề.
Bảo tàng không đặt nặng về tính mỹ thuật vì thường là nó làm “méo mó” tính chân xác của hiện vật. Một thời, do chưa có kỹ thuật phóng ảnh khổ lớn nên bảo tàng phải dùng một số tranh vẽ minh họa, như hình nhà chồ. Nay đã phóng lớn ảnh gốc nhà chồ, còn khi tái hiện nó, bảo tàng đem nguyên vật liệu gốc về, không làm giả bằng xi-măng hoặc thạch cao.
Để xứng danh là nơi tàng trữ, bảo quản và trưng bày những tài liệu, hiện vật có ý nghĩa lịch sử, BTĐN đang xây dựng dự án để trình xin UBND thành phố phê duyệt quy mô đầu tư trưng bày chuyên đề Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Đây là một chuyên đề tâm huyết không riêng của những người làm công tác bảo tồn – bảo tàng mà của tất cả công dân Đà Nẵng nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung, hướng về quần đảo thân yêu của Tổ quốc.
Dự kiến, nội dung trưng bày sẽ tập trung vào giới thiệu 8 chủ đề về Hoàng Sa, trong đó chủ đề cuối cùng là Hoàng Sa và những nhân chứng lịch sử - chủ đề “sống”, tập trung khai thác nguồn tư liệu có liên quan trực tiếp đến những nhân chứng đã từng sống và làm việc trên quần đảo Hoàng Sa từ trước năm 1974. Việc làm này rất có ý nghĩa trong việc góp phần khẳng định Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Trưởng phòng Nghiên cứu – Sưu tầm của Bảo tàng cho biết, thời gian qua các nơi muốn làm trưng bày, triển lãm về Hoàng Sa đều đến BTĐN xin cung cấp tài liệu, hiện vật. Thiết nghĩ, đã đến lúc Đà Nẵng phải có riêng một không gian trưng bày về Hoàng Sa, một huyện đảo nằm trong hệ thống 8 quận, huyện của thành phố. Bởi lẽ, quá khứ phải được tái tạo đầy đủ mọi góc cạnh, mọi sắc thái, phải được tàng trữ, bảo quản và trưng bày để tất cả công dân có thể soi mình vào đó, nhận chân quá khứ và viết lại lịch sử trong tương lai.
Bảo tàng Đà Nẵng có diện tích trưng bày 3.000m2 gồm 3 tầng, giới thiệu hơn 2.500 hiện vật, tư liệu, hình ảnh có giá trị về lịch sử, văn hóa của thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận theo 4 chủ đề chính: Lịch sử tự nhiên và xã hội Đà Nẵng; Lịch sử đấu tranh Cách mạng; Chứng tích chiến tranh của quân đội Mỹ ở Đà Nẵng và vùng phụ cận; Đặc trưng văn hóa các dân tộc ở Đà Nẵng và Quảng Nam. |
VĂN THÀNH LÊ