Trong những năm 2000- 2001, tại hàng loạt các di tích ở bán đảo Sơn Trà, Hòa Vang, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, các nhà nghiên cứu đã phát hiện và đem về cho BT những hiện vật quý giá phục vụ cho công tác nghiên cứu. Hiện, Bảo tàng Đà Nẵng (BTĐN) vẫn tiếp tục sưu tập, bổ sung nhiều hiện vật, ngày càng làm phong phú thêm những bộ sưu tập mới.
Một số loại vũ khí Mỹ sử dụng ở chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng. |
Lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử
Là một trong ba cái nôi của văn minh cổ xưa trên lãnh thổ Việt Nam, nền văn hóa Sa Huỳnh có niên đại khoảng từ thiên niên kỷ thứ I trước CN đến cuối TK II sau CN. Bộ sưu tập hiện vật thuộc văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng với những hiện vật là đồ trang sức, đồ gốm, đồ sắt… được tìm thấy ở các di chỉ khảo cổ như Bàu Trám, Phú Hòa, Tam Mỹ, Quế Lộc, Đại Lãnh, đã phản ánh được những nét đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh.
Riêng đồ trang sức có một số rất độc đáo như các loại khuyên tai 3 mấu, khuyên tai hình vành khăn bằng đá, các loại vòng, chuỗi hạt. Trong đó độc đáo nhất là khuyên tai hai đầu thú, loại trang sức gần giống chữ “T” lật ngược hai đầu được chạm khắc hình đầu thú có sừng dài, ở giữa có móc để đeo. Một số nhà khảo cổ học (KCH) cho rằng loại khuyên tai lạ mắt này chính là sản phẩm sáng tạo tại chỗ của người cổ Sa Huỳnh. Bên cạnh đó còn có một số hiện vật bằng sắt, gốm, rất giá trị được dùng làm công cụ sản xuất như các loại rìu sắt, rìu đá, cuốc sắt, cuốc đá… Các nhà KCH cũng tìm thấy một loạt đồ gốm được chôn trong các mộ chum như các loại nồi, bình, bát, mâm đồng…
Bên cạnh bộ sưu tập hiện vật văn hóa Sa Huỳnh, tại BT còn trưng bày nhiều hiện vật độc đáo. Trong đó phải kể đến bộ sưu tập cổ vật đồng mang phong cách thời Thương – Chu (Trung Quốc) từ TK XVIII – III trước CN. Các hiện vật được trưng bày tại BT chủ yếu là các loại vũ khí như đoản kiếm, qua đồng, giáo biểu thị quyền uy của tầng lớp quý tộc trong xã hội và một số đồ dùng sinh hoạt, tín ngưỡng như tước uống nước, bình hâm rượu… dùng cho việc uống rượu của giới quý tộc trong những dịp quan trọng hoặc đựng rượu trong các nghi lễ. Tuy số lượng không nhiều nhưng theo anh Huỳnh Đình Quốc Thiện, Trưởng phòng Nghiên cứu, sưu tầm thì đây là những cổ vật cực kỳ quý hiếm ở nước ta. Thông qua các hiện vật tìm thấy, các nhà nghiên cứu cho rằng các đồ đồng thời Thương – Chu đã đạt đến một trình độ nghệ thuật đáng nể phục với những hoa văn trang trí rất tinh vi, kiểu dáng đẹp, độc đáo, phản ánh một trong những thành tựu văn hóa cơ bản của hai triều đại phong kiến tồn tại gần 1.500 năm ở Trung Hoa.
Trong những năm 2000-2001, tại hàng loạt các di tích ở bán đảo Sơn Trà, Hòa Vang, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, các nhà nghiên cứu đã phát hiện và đem về cho BT những hiện vật quý giá phục vụ cho công tác nghiên cứu. Trong đó tiêu biểu nhất là những hiện vật tại 2 di chỉ KCH Nam Thổ Sơn và Vườn đình Khuê Bắc tại Hòa Hải. Tại di chỉ Nam Thổ Sơn, căn cứ vào các hiện vật gốm Chăm, gốm sành Trung Quốc, gốm Islam và đồng tiền thời Đường hiệu “Khai Nguyên thông bảo”, các nhà nghiên cứu khẳng định Nam Thổ Sơn là một di chỉ cư trú thuộc văn hóa Chăm có niên đại khoảng từ TK IX đến TK XI, từng hình thành một kiểu làng - bến - thị - tứ có quan hệ giao thương, buôn bán, tiếp xúc văn hóa với bên ngoài. Ngoài ra, qua hai hố khai quật này, các nhà KCH còn tìm thấy các di vật như mộ nồi, rìu có vai, khuyên tai, bàn mài, gạch Chăm… cho thấy có 2 tầng văn hóa riêng biệt là Văn hóa Chăm sớm (lớp trên), niên đại khoảng TK II, III sau CN và tầng văn hóa mang tính chất di chỉ cư trú xen mộ táng (lớp dưới) thuộc giai đoạn sơ kỳ kim khí, tiền Sa Huỳnh. Nghiên cứu này cho thấy, Đà Nẵng là một vùng đất cách đây hơn 3.000 năm đã có cư dân sinh sống.
Ý thức công dân
Suốt nhiều năm lăn lộn với các hiện vật, anh em BT có rất nhiều kỷ niệm với các hiện vật là các loại vũ khí quân đội Mỹ đã sử dụng ở chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng. Trong đó, có những hiện vật đến với BT hết sức tình cờ như một cơ duyên.
Anh Quốc Thiện nhớ mãi câu chuyện về cây nhiệt đới – một loại máy thu phát tín hiệu hiện đại của quân đội Mỹ sử dụng để phát hiện chấn động mặt đất và tiếng động của người, xe khi chuyển động. Một người làm nghề lái xe cho Xí nghiệp ô-tô 6 chạy tuyến Đà Nẵng – Lào tên là Quang trong một lần trên đường từ Lào về Đông Hà đã nhìn thấy một người dân tộc đang vác một cây nhiệt đới, anh liền dừng xe ngỏ ý mua. Sau khi thương lượng mua được, trên đường chở cây nhiệt đới về nhà rất nhiều người hỏi mua lại nhưng anh Quang không bán mà đem tặng cho BT và không hề đòi hỏi bất cứ điều gì.
Một lần khác vào năm 2005, BT nhận được điện thoại từ kho bom CK 55 (Quân khu 5) tại Phước Tường nói rằng có phát hiện một số đồng tiền cổ và nhờ bên BT đến xem xét. Không ngờ, cũng trong dịp đó, CK 55 tặng luôn cho BT những hiện vật đã được phát hiện gồm 100 loại bom như bom phá GP – 250 LB, TNT, các loại đạn, đầu đạn như đạn pháo 155mm HE, đạn BKP81, hỏa pháo, đạn hỏa tiễn, lựu đạn… Nhờ đó mà khu trưng bày các loại vũ khí quân đội Mỹ đã sử dụng ở chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng tại BT ngày một phong phú, tái hiện được phần nào chiến trường ác liệt trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Cũng chính nhờ những công dân có ý thức phát hiện và gìn giữ hiện vật mà thế hệ trẻ sau này thấy và hiểu được phần nào về lịch sử của dân tộc. Nguyễn Thị Hằng, sinh viên ngành Văn hóa học, Đại học Duy Tân cho biết: “Trước đây, mỗi lần cô giáo nói phải đi BT, sinh viên chúng em không thích đi vì nghĩ BT sẽ rất khô khan, nhưng đến BT rồi chúng em thấy đam mê thật sự, qua những hiện vật chúng em hiểu hơn về các nền văn hóa, thấy được sự khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”.
Thu Hà