.
Bếp Việt

Bánh sừng trâu

Khi được hỏi về sự đặc sắc của món ăn người Cơtu, mấy người bạn tôi mới quen trên Giằng hào hứng kể hết món này đến món khác, trong đó có món bánh sừng trâu.

Bánh được làm từ gạo nếp, mang dáng vẻ của một chiếc sừng trâu, rồi cứ theo dáng vẻ đó mà gọi tên. Bánh không nhân, nghĩa là giống như bánh giầy của người Việt, phải ăn kèm với một thứ khác. Bánh giầy khá phổ biến, là một thứ bánh ít nhiều mang ý nghĩa tâm linh trong đời sống Việt. Cách thức làm một chiếc bánh giầy không phức tạp lắm, nhưng không phải chiếc bánh giầy nào cũng được cái miệng người ăn ghi nhớ. Đại thể nó phụ thuộc trước tiên vào nguyên liệu, tức gạo nếp.
 
Và sau đó là cách làm. Huyền thoại kể chiếc bánh giầy do Lang Liêu sáng tạo. Nhân gian thì xem Quán Gánh là quê hương của bánh giầy, không chiếc bánh giầy nào ngon hơn ở đó. Người Quán Gánh làm bánh giầy bằng nếp Hải Hậu, một loại nếp nổi tiếng cả đồng bằng Bắc bộ. Thứ gạo ấy nấu xôi rồi giã, hứa hẹn những chiếc bánh mịn, dẻo thơm. Ngày nay nhiều nơi làm bánh bằng máy, cũng như làm giò lụa bằng máy, nhưng ở Quán Gánh vẫn chày vẫn cối như xưa, một mực thủ công, nhất quyết giữ chất lượng bánh. Một miếng bánh giầy chay Quán Gánh, một miếng chả quế Ước Lễ, thấy cuộc đời sao mà đáng yêu đến thế!...

Bánh sừng trâu làm từ nếp canh tác tại địa phương, thứ nếp hầu như chẳng chút tiếng tăm. Ngay cả khi đã mang hình hài một chiếc bánh thì chiếc bánh ấy cũng không ra khỏi cộng đồng người Cơtu. Nhưng không người Cơtu nào ở Giằng lại chưa nếm, lại không nuốt nước miếng khi nhắc tới nó. Con trâu trong đời sống tâm linh của người Cơtu có một vị trí đặc biệt. Khi chiếc bánh gói bằng lá đốt cặp đôi thành hai chiếc sừng của con vật thiêng ấy vớt ra khỏi nồi thì nó mang lại niềm vui của lễ của Tết. Một miếng bánh sừng trâu, một miếng thịt nai khô, thì ra cái hạnh phúc lắm khi đơn sơ nhiều khi giản dị - đơn sơ giản dị tới mức mình không tin nó đang trước mặt mình. Nhẩn nha từ tốn, là thưởng thức chứ đừng ăn.
 
Vừa nhẩn nha vừa đưa mắt nhìn cặp mắt long lanh của thiếu nữ Cơtu, cái miệng tươi rói của nàng, cái nước da ngăm ngăm của riêng nàng. Khen, nhưng không phải để lấy lòng người đối diện. Miếng bánh dẻo thơm và khô nai ngọt miệng. Thì giống như miếng bánh giầy, thì giống như miếng chả quế. Nhưng vị khô nai đã đem tới sự ngạc nhiên. Người thành phố không mấy khi được ăn khô nai, đặc biệt khi miếng khô ấy làm theo phương pháp thủ công, dựa vào nắng trời. Có vẻ như giống nhau, nhưng những người đã một lần ăn bánh giầy, tưởng cũng nên một lần làm quen với bánh sừng trâu. Chả quế và khô nai - một sự phối hợp tuyệt chính xác với bánh giầy, bánh sừng trâu. Cái này và cái kia, cả hai đều tài hoa và tinh tế, tương đồng văn hóa không chỉ trong đời sống thực mà cả trong đời sống tâm linh…

Hoàng

 

;
.
.
.
.
.