.

Cánh chim không mỏi

.

Gia nhập Đoàn Tuồng Giải phóng Quảng Nam trong những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, đến giờ, NSND TRẦN ĐÌNH SANH (TĐS) vẫn chăm chắm vào chuyện nghề, chuyện  diễn.

NSND Trần Đình Sanh đang chăm chút việc hóa trang của diễn viên nhà hát.
NSND Trần Đình Sanh đang chăm chút việc hóa trang của diễn viên nhà hát.

Không hát được thì diễn

Năm 1967, khi được chọn vào đoàn Tuồng ông tràn đầy háo hức. Bao ước mơ, dự định cống hiến được ấp ủ, chăm chút. Ngặt nỗi, khi việc chuẩn bị cho lớp học vừa hoàn thành thì ông vướng bệnh, bị mất giọng. Một cảm giác sụp đổ, thất vọng xâm chiếm ông: Không thể hát, nghĩa là không thể học được, không thể biểu diễn phục vụ kháng chiến. “Tôi sẽ chịu trách nhiệm về trường hợp của Sanh, cứ cho Sanh ở lại học, không hát được thì diễn”, thầy Tư Bửu - người thầy thuộc hàng gạo cội mà TĐS vô cùng yêu kính -quả quyết.

Không hát được thì diễn! Một cơ hội mới mở ra, TĐS được tiếp tục những ngày đồng cam cộng khổ với Đoàn, tiếp tục nuôi hy vọng trở thành diễn viên tuồng phục vụ chiến đấu.

Vì đòi hỏi gấp rút của cuộc kháng chiến, lớp học chiến trường ngày ấy chỉ vẻn vẹn trong 6 tháng, chỉ học những điều cốt lõi nhất, cơ bản nhất của tuồng và chỉ tập trung vào một vở: “Trần Bình Trọng”. TĐS được phân vào vai Trần Lộng - một vai phản diện trong vở. Vai này không múa, không hát mà chỉ nói và diễn. Suốt 3 năm ròng ông chỉ tập trung cho thuần thục vai diễn được giao. Đấy cũng là quãng thời gian người nghệ sĩ tha thiết với tuồng đất Quảng âm thầm tự học, trau dồi các ngón nghề của loại hình nghệ thuật với một niềm hy vọng mong manh giọng hát sẽ phục hồi.

Nghĩ lại những năm tháng đó, TĐS lại nói: “Việc bị mất giọng là chuyện rủi nhưng đó cũng là cái may để mình tập trung vào nghệ thuật biểu diễn. Mình không hát múa được nhưng xem, nghe và nói được. Vừa xem vừa cố gắng ghi nhớ các giai điệu, các thanh, sắc của lời hát, các điệu múa…”. Tối về, TĐS tự múa lại và tự hát nhẩm trong cổ họng. Với cách này, nhờ thế, TĐS nhớ rất lâu và thấm thía.

Tháng 8 năm 1970, trong danh sách 14 người được cử ra Trường Sân khấu nghệ thuật Việt Nam học tập có tên Trần Đình Sanh. Lúc này giọng hát của ông đã bắt đầu hồi phục. Kể từ đây, một chặng đường mới đã mở ra trước mắt ông.

Khi diễn nên diễn với tất cả tấm lòng

Trần Đình Sanh trong vai An Dương Vương (Sân khấu Đà Nẵng 2003).
Trần Đình Sanh trong vai An Dương Vương (Sân khấu Đà Nẵng 2003).

Không phụ lòng người thầy đã chọn lựa và tạo cơ hội cho mình, ngay từ hai vai diễn là Lê Lợi và Trần Bình Trọng  trong buổi Báo cáo tại trường học mới, giọng hát TĐS đã “lọt vào mắt xanh” của các thầy và được chuyển hẳn sang học kép. Tại đây, ông đã được học các vai mẫu như: Đổng Kim Lân trong vở “Sơn Hậu”, Triệu Tư Cung trong vở “Ngọn lửa Hồng Sơn”, Hoàng Phi Hổ trong vở “Hoàng Phi Hổ phản Trụ đầu Chu”, Trần Thủ Độ trong vở “Lịch sử hãy phán xét”, Tri huyện trong vở “Nghêu, sò, ốc, hến”… Sau 3 năm học tại trường, tốt nghiệp loại xuất sắc, tháng 6 năm 1974, ông trở lại chiến trường, đem những tinh túy đã học được từ các bậc thầy lừng danh phục vụ chiến đấu.

 Ngày ấy, như đoàn quân không mỏi, Đoàn Tuồng Giải phóng khu 5 có mặt khắp miền Trà My, Tiên Phước, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… Các vở tuồng Trần Bình Trọng, Trưng Nữ Vương, Ngọn lửa Hồng Sơn, Nghêu Sò Ốc Hến, Trần Quốc Toản ra quân, Sư già và em bé… liên tục xuất hiện trên sân khấu dã chiến. Trong bom rơi đạn nổ của những ngày cuộc trường chinh cận kề hồi kết, tiếng trống tuồng vẫn không một ngày ngưng nghỉ, diễn viên diễn vẫn say sưa trên sân khấu, khán giả nồng nhiệt hò reo cổ vũ… “Khi ấy, có những khoảnh khắc, chiến tranh dường như không hiện hữu”, NSND TĐS bồi hồi nhớ lại những ngày tháng đẹp đẽ ông đã đi qua.

Hòa bình thống nhất đất nước, người nghệ sĩ tuồng trưởng thành trong chiến tranh hăng say với cuộc sống mới. Khi các hội diễn được tổ chức sôi nổi trong toàn quốc, TĐS luôn giành những giải cao: từ các vai diễn “đắc địa” về các bậc túc trí đa mưu, văn võ toàn tài như Đổng Kim Lân, Triệu Tư Cung cho đến khi sắm vai An Dương Vương trong vở “Mỵ Châu-Trọng Thủy” và cả khi hóa thân vào một quan Tri huyện tham tài hay vai sư già trong vở tuồng hiện đại “Sư già và em bé”, TĐS đều thể hiện xuất sắc, khẳng định bản lĩnh của một nghệ sĩ lớn.

Năm 1989, ông  được tín nhiệm giữ vai trò chỉ đạo nghệ thuật tại Nhà hát Tuồng (NHT) Nguyễn Hiển Dĩnh, sau đó là Giám đốc nhà hát. Trong vai trò quản lý, cũng như khi là diễn viên hay trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống, ông luôn tâm niệm: “Làm việc gì thì phải làm tận gốc”, với một quyết tâm cao độ, một tinh thần nghiêm túc tuyệt đối.

Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1995, được chia làm 4 đợt, trong đó, đợt 3 diễn ở Huế. Vở tuồng được chọn tham dự hội thi đã được nhà hát chuẩn bị gần như hoàn tất sau 3 tháng miệt mài, nhưng đến gần cận ngày diễn ở Huế, TĐS vẫn kiên quyết bỏ, vì “nếu đem vở đi diễn thì có thể sẽ có vài nhân vật nhận được huy chương còn vở diễn thì không”. Và quả thực, vở được thay “Lịch sử hãy phán xét” đã mang về cho nhà hát kết quả mỹ mãn, đoạt Huy chương Vàng cả phương diện vở và cá nhân. Dù nhà hát phải tự vay kinh phí để lo lại âm nhạc, phục trang, trang trải tập luyện thêm 20 ngày, tự lo lộ phí ra Hà Nội dự thi điểm thi thứ 4, bỏ qua Huế…

Ông giải thích: “Đi thi thố tất nhiên chúng ta không đặt quá nặng vào vấn đề đoạt giải, nhưng đã làm thì phải làm tới nơi. Dù đã đổ bao nhiêu công sức đi nữa nhưng khi phát hiện vở diễn có vấn đề, mình không thay đổi thì nghĩa là thiếu trách nhiệm… Với nghệ thuật nói chung, và nhất là tuồng, loại hình nghệ thuật được coi là uyên bác, là “khuôn vàng thước ngọc” thì càng không thể chấp nhận sai sót”.

Trong một thời gian dài, NHT Nguyễn Hiển Dĩnh đã giữ được thương hiệu không chỉ với các bạn nghề trong nước mà bắt đầu tạo ấn tượng trên trường quốc tế. Tại Liên hoan nghệ thuật truyền thống quốc tế tại Singapore, TĐS cùng các đồng nghiệp ở NHT đã khiến khán giả ngỡ ngàng với các trích đoạn Biệt mẹ, Qua đèo trong vở Sơn Hậu. GS.TS Chu Xô Phông, Trưởng ban lãnh đạo Học viện Ô-pê-ra Trung Quốc đã không tiếc lời khen ngợi chương trình và bày tỏ lòng hâm mộ tài năng của cá nhân nghệ sĩ.

Dù đã ở cương vị quản lý, nhưng TĐS chưa bao giờ xem nhẹ chuyện biểu diễn. Ông nghĩ:  Nghiệp diễn viên giúp các quyết định của người quản lý thêm sâu sát và ngược lại, đã đứng ở vai trò quản lý, người diễn viên trong tôi hiểu rằng khi diễn mình nên diễn với tất cả tấm lòng, đừng đòi hỏi quá.

Tỉnh táo dấn thân

Sinh năm 1950 tại huyện Hiệp Đức-Quảng Nam, TĐS tham gia phục vụ văn nghệ chiến trường năm 1965. Từ năm 1967-1976, là diễn viên của các đoàn tuồng: Giải phóng Quảng Nam, Giải phóng khu 5, Quảng Nam-Đà Nẵng. Từ 1992 đến 2010: Giám đốc NHT Nguyễn Hiển Dĩnh, được trao nhiều giải thưởng, huy chương cấp thành phố và Trung ương về hoạt động biểu diễn và chỉ đạo nghệ thuật. Được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1993, NSND năm 1997; đoạt Giải thưởng VH-NT Phan Châu Trinh khu vực Quảng Nam-Đà Nẵng; Giải thưởng 5 năm TP. Đà Nẵng về hoạt động chỉ đạo nghệ thuật...

43 năm gắn bó với sân khấu tuồng, sắm hàng loạt vai trong ngót 100 vở diễn và trích đoạn tuồng tiêu biểu, giờ đây khi đã nghỉ hưu, lại đang mang trong mình căn bệnh tim quái ác nhưng khi ngồi tiếp chuyện, trong ánh mắt của ông vẫn chan chứa cả bầu nhiệt huyết.

Ông say sưa nói về chương trình “Sân khấu học đường” (bắt đầu từ năm 2005), về chương trình biểu diễn tuồng phục vụ du lịch từ những năm 90 cho đến bây giờ… Và điều khiến “Ngôi sao tuồng đất Quảng” (*) trăn trở nhất là làm sao để tuồng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Để tuồng được sống, có quá nhiều điều cần lo nghĩ. Ông nói một cách ngắn gọn “nghệ thuật tuồng nói riêng, văn hóa nước ta nói chung đang ở khúc quanh nguy hiểm”. Và tại thời điểm này, với ông: Điều tối kỵ nhất là không được mất niềm tin. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải giữ được thăng bằng, cùng nắm chặt tay và tỉnh táo dấn thân. Sân khấu là bộ mặt văn minh tinh thần, trong đó tuồng là một trong những trụ cột, chúng ta cần tự hào về điều đó và không có lý gì để một nền sân khấu đã được định hình hàng trăm năm có thể sụp đổ vì một giai đoạn khủng hoảng ngắn ngủi.  

Bao nhiêu năm qua, ông nung nấu một ước mơ, làm sao để hằng đêm NHT được sáng đèn. Làm sao, để trao truyền cho thế hệ trẻ những kinh nghiệm, những bài học tâm huyết, để nền tuồng đất Quảng tiếp tục đâm chồi, nảy lộc. Có người đánh giá TĐS là nhân vật sau Hoàng Châu Ký? Nghe điều này, ông tư lự: Thế hệ trước tôi khá đông người tài hoa, nhưng rất tiếc họ đã qua đời. Đến nay, tôi thấy mình vẫn chưa đóng góp được nhiều để phát triển tuồng.

Thỉnh thoảng, ông kể về thành phố Avignon nước Pháp, nơi mỗi ngày có ít nhất 16 nhà hát hoạt động cùng giờ, nơi mà đường phố trở thành thánh đường của các nghệ sĩ sân khấu. Nơi ấy, cả một tháng ròng trong năm, người ta sẵn sàng trút bỏ mọi vướng bận thường nhật để đắm mình trong không khí của nghệ thuật dân gian, của hội hè đình đám. Và ông thầm ước, được sống chỉ một ngày như thế, trên đất nước, quê hương mình…

THANH TÂN

(*) Mượn cách nói của tác giả Mạc Nghiêm trong bài viết “TĐS - Ngôi sao tuồng đất Quảng”, Tạp chí Văn hiến-Giai phẩm Xuân Nhâm Tuất 2006).
 

;
.
.
.
.
.