.

Chuyện nhỏ mà không nhỏ

.

Loay hoay với xấp vé số trên tay, người phụ nữ khoảng 60 tuổi tần ngần đứng mãi trước vạch phân cách dành cho người đi bộ phía dốc cầu Sông Hàn để rẽ sang đường Trần Phú mà không sao sang được. Bà chờ cột đèn chuyển sang màu đỏ để xe dừng lại cho bà qua nhưng đang giờ tan tầm nên cột đèn chỉ chớp vàng, ô-tô, xe máy vẫn cứ hối hả ngược xuôi lên xuống cầu.

Sang đường không đúng vạch phân cách dành cho người đi bộ. (Ảnh chụp tại đường Hùng Vương)
Sang đường không đúng vạch phân cách dành cho người đi bộ. (Ảnh chụp tại đường Hùng Vương)

Lần nào qua đường cũng sợ

Người phụ nữ ấy là bà Lê Thị Bé (quê Điện Bàn, Quảng Nam), bà ra Đà Nẵng bán vé số được mấy năm nay nhưng lần nào qua đường cũng là nỗi sợ hãi đối với bà. Hồi mới ra, cứ nghĩ như ở trong quê, cần sang đường là đưa tay vẫy xin là được. Nhưng một lần, đang đi đến giữa đường Lê Duẩn thì bị kẹt lại, người thì chửi, người thì gắt gỏng “sang đường thì phải đi đúng vạch dành cho người đi bộ chứ” lúc đấy bà mới biết những vạch trắng ngang đường là dành cho người đi bộ. Từ đó bà rất tuân thủ, mỗi lần sang đường tìm đúng vạch trắng mới đi. Khổ nỗi,  đi đúng vạch trắng rồi xe cũng chẳng chịu nhường!

Nhà ở gần ngã 6 Nguyễn Văn Linh - Hoàng Diệu – Ông Ích Khiêm – Triệu Nữ Vương, giờ tan tầm, xe nối đuôi nhau, bà Đặng Thị Hiền cho biết nhiều khi có việc muốn băng qua đường mà vạch phân cách bị xe chắn gần hết. Nên đành nơm nớp nhìn trước, ngó sau, liếc trái liếc phải, rồi nhắm mắt lách người đi liều, chứ đứng chờ không biết đến khi nào mới sang được.

Đó không phải là câu chuyện cá biệt về giao thông trong đô thị mà hằng ngày còn rất nhiều người đi bộ tham gia giao thông luôn thấp thỏm lo lắng về tính mạng của mình. Bởi họ có đi đúng vạch, làn đường nhưng rất ít người điều khiển giao thông có ý thức giảm tốc độ phương tiện khi có người đi bộ phía trước. Cách mà chúng ta thường thấy ở nhiều người tham gia giao thông hiện nay vẫn là tiện chỗ nào là xin đường chỗ ấy; trống chỗ nào là chen chỗ nấy.

Chính sự dễ dãi trong việc tham gia giao thông đã gây ra rất nhiều nguy hiểm cho cả người điều khiển phương tiện và người đi bộ như vụ va chạm xảy ra hồi tháng 3-2011, anh Nguyễn Ngọc Quý (An Hải Tây, Sơn Trà) điều khiển mô-tô trên đường Trần Đại Nghĩa hướng Hội An - Non Nước đã va vào anh Trần Văn Trung (Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn) đang đi bộ băng qua đường khiến Quý bị thương nhẹ, Trung bị thương nặng, mô-tô bị hư hỏng. Nguyên nhân được xác định do người đi bộ băng qua đường không đúng nơi quy định, người điều khiển mô-tô không làm chủ được tốc độ.

Học đi đúng luật

Tại điều 32 Luật Giao thông đường bộ quy định người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường, trường hợp không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Nơi không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ thì khi qua đường người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới để qua đường an toàn, nhường đường cho các phương tiện đang đi trên đường và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

Nhưng thực tế hiện nay chỉ có rất ít tuyến đường như Bạch Đằng, Trần Phú, Nguyễn Văn Linh… được sắp xếp, chỉnh trang gọn gàng, người đi bộ có thể thoải mái đi trên vỉa hè. Riêng đường Nguyễn Văn Linh nằm trên tuyến đường sân bay, có cảnh quan đẹp, thành phố đang xây dựng thành tuyến đường kiểu mẫu, có mái che dành cho người đi bộ. Ông Lê Văn Trung, Trưởng ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính cho biết, hiện đã làm xong 50m thí điểm có mái che vươn ra 3m so với mặt tiền nhà của người dân, vỉa hè rộng được lát gạch đồng bộ, có màu gạch quy định nơi để xe, riêng phần dành cho người đi bộ được lát gạch chống trơn, trượt, người đi bộ có thể thoải mái đi lại, mua sắm trên tuyến phố và trong thời gian tới thành phố dự kiến sẽ triển khai đồng bộ trên đoạn đường còn lại.

Tuy nhiên, theo Sở Giao thông-Vận tải, bên cạnh những tuyến đường thuận lợi cho người đi bộ vẫn còn quá nhiều nơi, việc tham gia giao thông của người đi bộ bị hạn chế. Ví như đường Mai Lão Bạng (Hải Châu) không có vỉa hè, vốn chỉ đạt tiêu chuẩn kiệt, hẻm nhưng được nâng cấp và có tên đường. Hoặc một số trường hợp gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nên không bảo đảm tiêu chuẩn thiết kế xây dựng như khu dân cư thuộc phường An Hải Tây; khu dân cư Kho đạn cũ…

Thiếu tá Phan Văn Thương, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông thành phố cho biết, tại một số tuyến Lê Duẩn, ngã tư Hùng Vương-Ông Ích Khiêm, người dân buôn bán, lấn chiếm vỉa hè để trông giữ xe, người đi bộ phải đi xuống lòng đường, giờ cao điểm dễ bị ùn tắc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người tham gia giao thông. Theo số liệu của Cảnh sát giao thông thành phố, tính đến hết tháng 11-2011 trên địa bàn đã xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông do người đi bộ gây ra làm 4 người chết, 8 người bị thương mà nguyên nhân chủ yếu do người đi bộ băng qua đường không đúng nơi quy định và không chú ý quan sát.

Thiếu tá Thương cũng cho biết thêm trong quá trình điều hành hướng dẫn giao thông tại 28 nút giao thông vào những giờ cao điểm, các anh thường xuyên nhắc nhở người tham gia giao thông không dừng xe quá dải phân cách. Tại Điều 12 Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 có quy định xử phạt bằng tiền đối với người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ nhưng trên thực tế, người đi bộ vi phạm bị xử lý rất ít. Vì vậy anh nhấn mạnh cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân ý thức được cần đi bộ đúng nơi quy định; nhường đường cho người đi bộ là việc rất cần thiết và quan trọng. Đặc biệt, các điểm giao thông trước trường học, cần giáo dục để các em nhận thức được hành vi của mình khi tham gia giao thông.

Thu Hà

 

;
.
.
.
.
.