.

Công nghệ có còn can thiệp “đường đua xanh”?

.

Tay bơi từng 2 lần vô địch Olympic Rebecca Adlington cho rằng, nhiều kỷ lục bơi lội thế giới sẽ được phá vỡ tại London 2012 nhờ sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến. Ý kiến này hoàn toàn chuẩn xác khi chỉ trong 18 tháng, từ giữa năm 2008 đến 2009, với sự giúp đỡ của những bộ đồ bơi công nghệ cao, đã có 300 kỷ lục được thiết lập trên toàn thế giới.

Rebecca Adlington (trái) trong buổi ra mắt bộ trang phục mới của Speedo.
Rebecca Adlington (trái) trong buổi ra mắt bộ trang phục mới của Speedo.

Mới nhất, Speedo tung ra bộ quần áo FastSkin3 đang giúp các tay bơi tạo thêm những lợi thế cạnh tranh để giúp thành tích của họ ở London bằng hoặc tốt hơn thành tích cũ.

- Khoảng cách trên đường bơi đã được rút ngắn và tất cả đều muốn đạt điều đó. Hy vọng, những bộ quần áo này sẽ giúp chúng ta đạt mục đích - Adlington phát biểu trên BBC Sport.

“Kình ngư” Australia Ian Thorpe từng giới thiệu thành công bộ đồ bơi toàn thân với 3 HCV tại Olympic Sydney 2000 nhưng chỉ 8 năm sau, bộ đồ bơi LZR Racer còn mang lại một hiệu quả kinh ngạc hơn.

Với độ bao phủ của một lớp polyurethane, bộ đồ này giúp các VĐV tăng đến 38% độ lướt nước và “bó gọn” thân hình VĐV đến mức hợp lý nhất, tạo cơ hội cho họ rút ngắn thời gian thi đấu. Sau khi có đến 23/25 kỷ lục thế giới và đoạt 94% HCV của các VĐV trang phục bộ đồ bơi LZR Racer, rất nhiều tay bơi từ các quốc gia đã phá vỡ hợp đồng cùng các nhà sản xuất khác.

Tuy nhiên, nhà vô địch vĩ đại người Anh từng vô địch Olympic Moscow 1980 Duncan Goodhew bày tỏ sự lo ngại về tính chất cạnh tranh thể thao bị đánh mất và lên tiếng kêu gọi cấm sự hỗ trợ của công nghệ.

Những làn sóng phản đối tăng cao khi năm 2009, bộ đồ bơi Arena X-Glide và Jaked 01 với 100% polyurethane khẳng định sẽ bổ sung độ nổi cũng như giúp các VĐV lướt nước tốt hơn so với LZR Racer. Rebecca “Becky” Adlington, người từng giành 2 HCV cho nước Anh tại Beijing 2008, đã từ chối sử dụng bộ đồ mới tại giải Vô địch thế giới 2009 khi xem đó như một thứ “doping công nghệ”. Thậm chí, Bob Bowman - HLV của “kình ngư” giành 14 HCV Olympic Michael Phelps - còn đề nghị, Mỹ nên rút khỏi các cuộc tranh tài cho đến khi FINA có sự xem xét thỏa đáng.

Cuối cùng, FINA đã nhượng bộ và ban hành quy định mới; trong đó, bắt đầu từ năm 2010, cấm toàn bộ các trang phục polyurethane 100% và đồ bơi phải được sản xuất với các loại chất liệu thông thường, với trang phục của nam là quần ngắn và của nữ là áo liền quần, quần ngắn đến gối, áo cộc tay.

- FINA đặt ra các quy tắc và chúng tôi đổi mới để phù hợp với các quy tắc đó -  Phó chủ tịch Speedo Sean Hastings cho biết.

FastSkin3 của Speedo sẽ được các VĐV sử dụng tại London 2012, phù hợp với các quy định của FINA và cùng với đồ bơi, còn có kính, mũ, được xem là “hệ thống tích hợp cho cuộc đua”.

Bất chấp việc Bowman ủng hộ, nhưng cựu VĐV Bơi bướm của Anh, HCĐ Olympic Stephen “Steve” Benjamin Parry, việc thay đổi mũ và kính không ảnh hưởng đáng kể song bộ trang phục vẫn gây nhiều tranh cãi:

- Nếu chúng ta trở lại với sự thuần khiết nhất, tại sao không dùng cotton cho trang phục của VĐV? Hơn 200 kỷ lục thế giới trong 2 năm là vô lý nhưng thay vì thay đổi diện tích cơ thể được sử dụng “doping công nghệ”, FINA cần hướng dẫn về vật liệu sản xuất trang phục. Công nghệ được tiết giảm sẽ tăng độ thú vị của
thể thao.

Chắc chắn, các công ty như Adidas, Arena và Jaked có thể sẽ theo Speedo để ra mắt những sản phẩm mới của mình tại London 2012. Theo VĐV người Mỹ 3 lần vô địch Olympic Ryan Lochte, có thể điều đó không tạo nên một sự công bằng nhưng mỗi VĐV đều có sự lựa chọn cho riêng mình.

NGUYÊN AN
 

;
.
.
.
.
.