.

Thông điệp nhân văn

.

Xin em thắp lên dù là nỗi cô đơn hay niềm tuyệt vọng/ chớ bao giờ làm ngọn bấc lụi tàn vô cảm.  (Bùi Xuân)

Khi ta đối xử với người khác bằng cả tấm lòng, ta sẽ nhận được tình yêu từ muôn vạn tấm lòng.
Khi ta đối xử với người khác bằng cả tấm lòng, ta sẽ nhận được tình yêu từ muôn vạn tấm lòng.

Lần nọ, nhà văn Nguyễn Khải đến thăm một người bạn ở quận Đống Đa, lâu quá nên quên đường, lát lát ông phải hỏi thăm. Có người trả lời bằng cách nói trổng hoặc hất cằm, có người cứ giương mắt nhìn ông “như nhìn con thú lạ”. Ông đem cái sự “thiếu lễ độ của người Hà Nội” (nguyên văn của Nguyễn Khải) này than phiền với vợ chồng bạn thì cô con gái đang cho con bú góp lời liền: “Ông ăn mặc tẩm (tiếng lóng, chỉ cách ăn mặc hay giao tiếp quê kệch, vụng về, không hợp thời) như thế lại đi xe đạp họ khinh là phải, thử đội mũ dạ, áo ba-đờ-xuy, cưỡi cái Cúp xem, thưa gởi tử tế ngay”.

Kể lại mẩu chuyện này trong Một người Hà Nội, tiểu thuyết viết năm 1990 về những đổi thay của con người trước ngưỡng cửa cơ chế thị trường, nhà văn cảm thấy “tức và đau”.

Cái xe Cub giờ chỉ như chiếc xe đạp của hơn 20 năm trước và cái cách hành xử rất đỗi vô cảm của con người thì bây giờ đâu chỉ riêng ở Hà Nội. Và, giá như Nguyễn Khải còn sống (ông mất đầu năm 2008) thì sẽ cảm thấy bội phần “tức và đau” trước những hiện tượng làm xói mòn niềm tin vào những gì tốt đẹp của con người xảy ra gần đây.

Còn nhớ, tháng 10 vừa qua, một xe “điên” gây tai nạn liên tiếp làm 2 người chết và 12 người bị thương tại TP. Hồ Chí Minh. Một số kẻ lợi dụng nỗi đau của người khác để hôi của. Trước đó, năm 2009, trên Internet xuất hiện một video clip cho thấy một người ở TP. Hồ Chí Minh bị xe tải cán đứt đôi, dập nát nửa thân dưới. Người đi đường dửng dưng đứng nhìn, để mặc nạn nhân chết trước khi xe cấp cứu đến…

Hôm 21 tháng 10, cộng đồng “dân mạng” lại xôn xao vì một video clip ghi cảnh em bé 2 tuổi ở Quảng Đông, Trung Quốc, bị xe tải cán qua người. Thế mà, những 18 người đi ngang qua, không một ai động lòng cứu giúp. Em bị một xe tải thứ hai cán tiếp và chết trong bệnh viện vài ngày sau đó.

Một trong những “biến chứng” của bệnh “mạnh ai nấy sống” là chen được thì cứ lấn tới.
Một trong những “biến chứng” của bệnh “mạnh ai nấy sống” là chen được thì cứ lấn tới.

Mới đây, lại xôn xao câu chuyện về sự vô cảm cũng xảy ra tại Trung Quốc. Một chiếc xe buýt đang chạy trên đường thì ba tên du côn có vũ khí để mắt tới cô lái xe xinh đẹp, chúng bắt cô dừng lại toan giở trò cưỡng hiếp. Cô kêu cứu, nhưng hành khách trên xe thảy đều im lặng, trừ một người đàn ông đứng lên can ngăn, bị chúng đánh đập. Chúng lôi cô vào bụi rậm bên đường…

Một giờ sau, tất cả quay lại xe. Cô gái sửa lại mái tóc, yêu cầu người đàn ông tử tế muốn cứu mình kia bước xuống, nếu không xe sẽ không chạy tiếp. Ngạc nhiên, ông phản đối cách cư xử lạ đời của cô gái. Hành khách cũng về hùa với cô, vất hành lý của ông qua cửa sổ rồi đẩy ông xuống đường, để xe có thể tiếp tục lăn bánh. Ông thất thểu bước đi, trong lúc chiếc xe lao nhanh về phía trước - nơi sát mé đường là vực thẳm…

Hôm sau, báo địa phương loan tin một tai nạn bi thảm: một chiếc xe cỡ trung rơi xuống vực, tài xế và 13 hành khách đều thiệt mạng. Người đàn ông hôm trước bị đuổi xuống xe, đọc báo và khóc. Không ai biết ông khóc cái gì và vì sao mà khóc!...

Câu chuyện đã làm cho người đọc phải suy nghĩ.  Cô V.T.N, hiệu trưởng một trường mầm non ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng, chia sẻ: “Những hành khách trong câu chuyện sao quá thờ ơ, vô cảm. Giá như mọi người luôn có sự quan tâm, chia sẻ thì cuộc sống thật ấm áp và tươi đẹp biết bao”. Chị Đ.L.G, công tác ở một cơ quan báo chí tại Đà Nẵng cũng đồng cảm: “Chuyện làm tôi xúc động, suy nghĩ và quan trọng nhất là giúp tôi nhận thức rõ hơn về ý nghĩa cuộc sống, tăng nhận thức phần người, giảm suy nghĩ phần con”.

Nhà thơ Bùi Xuân đọc xong câu chuyện, tâm sự rằng, từ sau cơn bão Xangsane quái ác, anh đã dự báo cái vô cảm của con người bằng những câu thơ cháy lòng trong bài Thắp (Ẩn dụ mưa - 2007). Xin trích lại và nhấn mạnh hai câu cuối theo ý của nhà thơ: “…Này em/ nếu một ngày trước mặt em là khoảng trống hay sự đổ vỡ/ xin em thắp lên cho mình chiếc lá non/ đẹp xốn xang trên cành cây sau bão/ và nếu hy vọng không về/ lòng em trống rỗng/ xin em thắp lên dù là nỗi cô đơn hay niềm tuyệt vọng/ chớ bao giờ làm ngọn bấc lụi tàn vô cảm”.

Cũng nói về thiên tai, nhà văn trẻ Nguyễn Thị Anh Đào, một lần đứng bên dòng sông Trường Định sau cơn bão, lũ năm 2009, đã trải lòng trong tản văn Ngoại ô chiều (đăng trên Đà Nẵng cuối tuần ngày 18-10-2009): “Phải gượng dậy thôi hỡi những nỗi buồn, những mất mát, cả những đa đoan và nước mắt”. Con người nơi này đã không vô cảm với nhau trong thiên tai, điều đó đủ để nhà văn trẻ dâng trào cảm xúc: “…thế mới thấy được người ta sống chủ yếu để yêu thương. Mà người ta cũng nên sống để yêu thương hơn là thù hận”.

Bệnh vô cảm là kết quả lối sống thực dụng thời hiện đại, đã ăn sâu vào máu gây nên bệnh “mạnh ai nấy sống”, tạo nên một lớp người, nhất là tầng lớp thanh niên, dửng dưng trước những nỗi đau của tha nhân cũng như chẳng hề phẫn nộ trước những cảnh trái ngang xảy ra hằng ngày.

Hơn 20 năm trước, trong Một người Hà Nội, Nguyễn Khải đã dự cảm về thái độ dửng dưng của con người trước sự cần giúp đỡ, sẻ chia của tha nhân. Giờ, văn nghệ sĩ khuyên “chớ bao giờ làm ngọn bấc lụi tàn vô cảm” mà “nên sống để yêu thương”. Đó là thông điệp nhân văn về truyền thống đạo lý dân tộc “thương người như thể thương thân”.
Còn bạn tôi, khi ghi lại câu chuyện làm xúc động lòng người ở trên, cho rằng chúng ta cần những người tử tế như người đàn ông đó để tạo nên và duy trì một xã hội tốt đẹp. Khi ta đối xử với người khác bằng cả tấm lòng, ta sẽ nhận được tình yêu từ muôn vạn tấm lòng, bởi cho đi cũng là để được nhận lấy.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.