Khi biết mình có “H”, người bệnh thường âm thầm chịu đựng cùng những dằn vặt, cắn rứt, mặc cảm luôn đeo bám. Thậm chí có người không thể nào chấp nhận được sự thật. Những lúc như thế, các tư vấn viên (TVV) chính là nơi để họ được sẻ chia, tâm sự và được giải tỏa tâm lý.
Đó là những tâm sự rất chân thành của bác sĩ Trần Thị Dạ Thảo, TVV phòng tư vấn xét nghiệm (TVXN) tự nguyện số 1 Trung tâm (TT) Phòng chống HIV/AIDS.
Phòng tư vấn là nơi để khách hàng chia sẻ những điều khó nói… |
Không đánh cược với số phận
9 giờ sáng, các TVV người tiếp đón, người trò chuyện với khách thân mật, gần gũi. Ngoài hành lang, một vài người thấp thỏm lo lắng nhìn vào bên trong rồi lại lặng lẽ khép mình ngồi xuống ghế chờ đến lượt. Sự đón tiếp nhiệt tình, chu đáo của các bác sĩ, TVV đã giúp trấn an họ phần nào.
Thực hiện tốt phương châm “Khi tư vấn chúng tôi là chuyên gia, khi trò chuyện chúng tôi là tri kỷ”, bác sĩ Dạ Thảo cho biết khách hàng đến tư vấn rất yên tâm bởi những thông tin cá nhân được giữ kín, không gian trò chuyện riêng tư rất thoải mái để chia sẻ những nỗi niềm. Chị không thể nào quên được trường hợp của anh L.D, 32 tuổi, cao ráo, đẹp trai, có trình độ thạc sĩ. Suốt 4 năm đại học, anh học hành rất chăm chỉ, giỏi giang. Trong một lần khám sức khỏe đi nước ngoài, khi làm các xét nghiệm đều âm tính chỉ trừ HIV là dương tính. Biết tin này, anh điếng người, đứng không vững. Mọi thứ như sụp đổ trước mắt anh. Lúc này, các bác sĩ và TVV đã chia sẻ, động viên anh rất nhiều. Anh đã biết được những dẫn chứng rất cụ thể về những người có “H” nếu sinh hoạt điều độ thì vẫn bình thường và sống lâu, vẫn làm việc và cống hiến sức mình cho xã hội. Anh đã được hướng dẫn làm hồ sơ để được điều trị thuốc kháng vi-rút ARV. Đến giờ khi mọi thứ đã đi qua, bình tâm lại, anh cho biết cách đó mấy năm anh có quan hệ tình dục với bạn gái mà không mang bao cao su. Anh đã hiểu rằng, HIV lây qua con đường nào cũng là nguy cơ lớn, vì vậy đừng bao giờ đánh cược số phận mình, phải biết bảo vệ mình, an toàn trong tình dục dù chỉ là một lần duy nhất.
Hay như trường hợp của cô gái N.P.T, sinh viên một trường đại học, cô chưa hề có bạn trai, chưa quan hệ tình dục nhưng sau khi tư vấn và làm xét nghiệm cô dương tính với HIV. Cô không thể tin vào sự thật kinh hoàng và cũng không biết được mình lây nhiễm từ đâu. Điều làm cô băn khoăn nhất là có đi làm móng tay, móng chân ngoài tiệm, nhưng đấy cũng chỉ là nghi ngờ vì đến nay cô vẫn chưa biết chính xác mình bị lây nhiễm HIV bằng đường nào.
Cần lắm sự sẻ chia
Sau khi khách hàng xét nghiệm dương tính với HIV, các TVV sẽ kiêm luôn “bác sĩ tinh thần” trấn an cho người bệnh. “Dẫu biết không thể xóa hết những đau khổ, tuyệt vọng trong từng người, nhưng nói để họ hiểu, chấp nhận việc mình có “H” là điều rất cần thiết và quan trọng. Đôi khi chỉ một ánh mắt, một cái nắm tay thôi cũng đủ để họ hiểu mình thấu hiểu họ” - bác sĩ Dạ Thảo chia sẻ.
Cách đó chưa lâu, các TVV tại TT đã chứng kiến hoàn cảnh chị T.L mà không khỏi xót xa. Chị L mang bầu ở tháng thứ 7, trước đó chị có đi khám định kỳ và làm xét nghiệm, mọi kết quả đều cho âm tính, nhưng đến tháng thứ 7 nghi ngờ bị nhiễm HIV, chị đến trung tâm để kiểm tra lại. Chị được chồng đưa đến và yêu cầu xét nghiệm theo quy trình cặp bạn tình (khi đó nhìn thấy chồng chị hốc hác, gầy gò như người có bệnh, nhiều người nghĩ chắc anh nghiện nên có H rồi lây sang vợ con). Kết quả khá bất ngờ, chồng L hoàn toàn bình thường, còn L dương tính với HIV. Nghe tin dữ, anh bàng hoàng cả người còn chị ngất ngay trên vai chồng. Chị quả quyết không có bất kỳ quan hệ ngoài luồng nào, cả ngày chỉ quanh quẩn ở nhà nội trợ, không biết mình mắc bệnh từ đâu. Ngay lúc đó các TVV phải làm công tác tư tưởng cho người chồng, để anh hiểu cái xác suất không may mắn có thể rơi vào bất kỳ người nào. Và HIV không thể nhìn từ bên ngoài mà khẳng định, đoán bệnh được, HIV phải làm xét nghiệm để có kết quả chính xác.
Còn chị Nguyễn Thị Thanh Hương, nhiều năm phụ trách công tác đón tiếp khách, cho biết, mỗi ngày các TVV gặp rất nhiều hoàn cảnh, già có trẻ có, nhưng tập trung chủ yếu từ 24 - 49 tuổi. Họ có lý do để tìm đến nơi đây và mong sẽ nhận được sự sẻ chia, cảm thông từ các TVV. Có thể, kiến thức hiểu biết của họ về HIV/AIDS không đồng đều nhưng họ vẫn biết được nguy cơ lây bệnh nên đã tìm đến TT để giải tỏa tâm lý, cũng có người đến để được điều trị.
Tính đến hết tháng 11-2011, TT đã tiếp đón 2.251 trường hợp đến TVXN (1.084 là nam, 1.567 là nữ), trong đó 56 trường hợp dương tính với HIV (nam 33, nữ 22). Giúp những người phải đối diện với căn bệnh thế kỷ vợi đi nỗi đau đớn tột cùng không chỉ là nhiệm vụ mà còn là một việc làm đầy tính nhân văn của những người đã gắn bó công việc của mình với cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS.
Thu Hà