Mặc dù đang được hoàn thành tiến độ hạ tầng kỹ thuật và bàn giao mặt bằng cho người dân triển khai xây dựng nhà ở, nhưng tại các khu tái định cư Hòa Liên 3 và Hòa Liên 4 của xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, những quy định về quản lý kiến trúc, xây dựng tại khu vực này đã được UBND thành phố phê duyệt và ban hành từ tháng 10 vừa qua.
Cùng với quy định về chỉ giới lùi, ban-công..., thì nhà ở khu vực này không được xây dựng quá 5 tầng, trong đó chiều cao tầng 1 là 3,9m, tầng 2 trở lên chiều cao từng tầng là 3,6m... Bên cạnh đó, những vấn đề mà nhiều người dân nông thôn vẫn cho rằng thuộc quyền của mình như làm hàng rào, tiểu cảnh... thậm chí cả sơn màu theo sở thích cũng được quy định rất chặt chẽ. Đó là, hàng rào phải đạt tỷ lệ thoáng khoảng 60%; khuôn viên đất còn trống trước mỗi nhà được khuyến khích xây dựng hồ nước, thác nước, khe suối nhân tạo và trồng cây xanh; không được sử dụng quá 3 màu bên ngoài công trình, đặc biệt là không sử dụng các màu đen, cam, đỏ và các gam màu nóng, màu có độ tương phản cao hoặc màu tối sẫm làm màu chủ đạo bên ngoài công trình... Theo những nhà chuyên môn, là cùng với việc bảo đảm tông màu hài hòa trong các tuyến phố, thì các gam màu này cũng như việc xây dựng tiểu cảnh làm cho các khu nhà ở gần hơn với thiên nhiên, hóa giải những yếu tố về khí hậu của thành phố.
Rõ ràng, trước những quy định này, nhiều người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vẫn cho rằng là quá khắt khe. Bởi theo họ, vấn đề làm nhà ở là theo sở thích của mỗi người, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình, chứ không thể bắt buộc một cách cứng nhắc như thế.
Tuy nhiên, những quy định này rõ ràng là hợp lý trong quá trình xây dựng đô thị hiện đại. Bởi, việc quản lý kiến trúc đô thị luôn là một trong những vấn đề mang tính quyết định, đem lại bản sắc cho từng đô thị, phù hợp với quy luật của phát triển. Những năm qua, đây là vấn đề còn nhiều vướng mắc, nhưng đã từng bước được khắc phục một cách căn bản. Trong đó, có thể nói đến một điều kiện thuận lợi lớn là Đà Nẵng thực hiện chỉnh trang đô thị trên diện rộng với gần 90 nghìn hộ dân phải di dời, tái định cư ở những khu đô thị khang trang, hiện đại, có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh. Trên cơ sở đó, ngành chức năng có điều kiện để triển khai các quy định về quản lý kiến trúc đô thị, đem lại diện mạo mới cho thành phố. Mỗi khi ra đời một khu đô thị mới, một khu tái định cư mới, bao giờ cũng có những quy định cụ thể về quản lý kiến trúc, xây dựng để làm căn cứ cho người dân thực hiện đồng bộ.
Tuy nhiên, đấy là chỉ mới nhìn nhận trên góc độ quản lý Nhà nước. Còn trên thực tế, vẫn còn nhiều điều đáng bàn đến trong việc thực hiện quy định về kiến trúc không gian đô thị ở Đà Nẵng hiện nay.
Trước hết, đó là trên các tuyến phố chính, nhất là ở những khu đô thị, khu tái định cư mới... việc xây dựng không đồng bộ vẫn còn diễn ra. Nguyên nhân là do các công trình xây dựng tạm có lúc có nơi chiếm số lượng lớn, gây mất mỹ quan đô thị. Đó là những quán nhậu, quán giải khát tạm... mọc lên chen chúc trên những tuyến phố lớn; trong đó có không ít những công trình bằng tranh, tre, nứa, lá... mà theo quy định về quản lý kiến trúc thì “không được xây các kiến trúc bằng vật liệu tạm (tranh, tre, nứa, lá), trừ trường hợp có yêu cầu đặc biệt về kiến trúc và được phép của Sở Xây dựng…”. Cùng với đó, do điều kiện về kinh tế, nhiều nhà dân ở các tuyến phố lớn vẫn làm nhà cấp bốn để ở, nên tạo ra một bức tranh kiến trúc đô thị không hài hòa về đường nét, hình khối. Do việc quản lý có nơi còn lỏng lẻo, nên việc thực hiện các quy định về quản lý kiến trúc, xây dựng chưa được người dân tuân theo một cách nghiêm túc...
Chính những yếu tố đó đã tạo nên tình trạng mất mỹ quan đô thị như hiện nay. Để giải quyết tình trạng này, không chỉ dừng ở việc nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng về quản lý kiến trúc, xây dựng, mà còn ở chính ý thức của người dân trong việc góp phần tích cực xây dựng một “không gian đô thị hiện đại, hài hòa với thiên nhiên” như Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố đã đề ra.
Anh Quân