.

Giá trị đạo đức

Tại Hội nghị triển khai công tác trật tự an toàn giao thông quốc gia năm 2012 được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thẳng thắn kiến nghị Chính phủ quy định nghiêm cấm lãnh đạo các cấp, cán bộ, viên chức không được phép can thiệp vào việc xử phạt vi phạm giao thông.

Theo ông, trên thực tế, khi lực lượng chức năng xử phạt hành vi vi phạm giao thông thì lại nhận được điện thoại can thiệp của các cấp lãnh đạo nên làm cho việc xử lý không nghiêm túc. Vấn đề này cũng đã được chính Bộ trưởng Trần Đại Quang kiến nghị tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi khi bổ sung về giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng.

Chính vì sự can thiệp một cách không nghiêm túc, thậm chí trái pháp luật của những cấp lãnh đạo đó, đã trở thành một vấn nạn trong giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử, nhất là của giới trẻ. Bởi, với sự bao che đó, không chỉ tạo sự ỷ lại trong những người vi phạm, mà còn tác động xấu đến xã hội, nhất là với những người trẻ.

Điều đáng lo ngại với giới trẻ, là nếu trước đây sự việc đó bị lên án nghiêm khắc, là hành động đáng xấu hổ, thì nay, một số bạn trẻ lại cho đó là chuyện “đáng tự hào” và công khai một cách thách thức trước công luận như là một “thành tích” đáng nể của mình. Không chỉ có thế, tình hình vi phạm trật tự xã hội, vi phạm pháp luật, gia tăng tệ nạn xã hội... trong thanh-thiếu niên ngày càng trở nên bức xúc trong xã hội. Điều đó được thể hiện trong tất cả các thống kê, báo cáo của các ngành chức năng, với một mẫu số chung đáng báo động là tình trạng “trẻ hóa” có xu hướng ngày càng tăng!?

Lý giải cho việc này, một số ý kiến cho rằng, đó là do tác động của kinh tế thị trường, của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và nhanh chóng nhưng giới trẻ chưa được chuẩn bị tâm thế sẵn sàng; mặc dù quá trình này đã diễn ra gần một phần tư thế kỷ. Bên cạnh những yếu tố tích cực “giữ vai trò chủ đạo” (Nghị quyết số 25-NQ/TW khóa X “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”) thì “một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm đến tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc...”.

Từ những nhận định đó, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã đề ra nhiều giải pháp để tạo một xã hội lành mạnh cho giới trẻ được trưởng thành. Theo đó, mục tiêu chung được đặt ra là “tiếp tục xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH; có đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật, sống có văn hóa, vì cộng đồng; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp trong lao động tập thể, trở thành những công dân tốt của đất nước”...

Thế nhưng, trên thực tế, có những vấn đề mà giới trẻ đang chờ đợi một lời giải thực sự có đáp án đúng để họ có thể ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống. Giới trẻ thực sự băn khoăn trước những giá trị cụ thể; nhất là những giá trị đạo đức. Những vấn đề đạo đức xoay quanh giá trị bản thân, sự cống hiến, đồng tiền, việc làm, thu nhập... chưa được xác định một cách rõ ràng và tạo nên hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, từ đó tạo lập môi trường lành mạnh để giới trẻ vững vàng trong thực hiện mà không còn những băn khoăn, lo lắng, ngập ngừng...

Để Nhà nước ổn định và phát triển, bên cạnh pháp luật, phải xây dựng hệ thống giá trị đạo đức, bởi đạo đức có giá trị tối đa. Có nhiều vấn đề, chính đạo đức mới đủ “quyền năng” điều chỉnh hành vi con người và giữ cho xã hội ổn định.

Anh Quân

;
.
.
.
.
.