.
Giới thiệu sách

Tình yêu và sự nghiệp của Phan Anh

.

(Đọc “Những chặng đường anh đi” – Ghi chép của Đỗ Hồng Chỉnh, NXB Công an nhân dân, 2011)

Đây là tác phẩm đầu tiên được xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Phan Anh (16-12-1911- 16-12-2011). Phan Anh là một nhân vật đặc biệt, đóng rất nhiều “vai” gắn với lịch sử dân tộc ta trong một thế kỷ qua.

Chỉ riêng chức vụ “Bộ trưởng” mà nói cho đầy đủ đã thành “vấn đề” lý thú: Một người từng là Bộ trưởng Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến cử đảm trách Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời VNDCCH! Chưa kể ông còn được cử làm Bộ trưởng Kinh tế vào năm 1947…

Là một luật sư tốt nghiệp trường Tây, rồi đi du học Pháp, về nước lại chuyên nhận bào chữa cho bị can là những “cộng sản” gộc thời đó như Nguyễn Thị Minh Thái (vợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Hoàng Minh Chính… Rồi “vai” chủ nhóm “Thanh Nghị” cũng gợi rất nhiều vấn đề đáng suy nghĩ cho công cuộc “Đổi mới” đất nước hôm nay. Phan Anh còn là đảng viên Đảng Xã hội Pháp và là Chủ tịch Tổng Hội Sinh viên Việt Nam.

Có “vai”, ông chỉ đóng trong hơn một tháng - như cùng ông Tạ Quang Bửu sáng lập “Trường Thanh niên tiền tuyến Huế” 1945, - nhưng đã tạo nên một “hiện tượng lịch sử” vì hiếm có ngôi trường nào ít học sinh như thế, thời gian đào tạo ngắn như thế, mà từ đây đã trưởng thành nên nhiều nhân tài cho đất nước. Lại còn “vai” ngoại giao nữa tại Hội nghị Fontainebleau (1946) và Hội nghị Genève (1954)…

Tất cả những điều đó đều được tác giả “tường thuật” đầy đủ trong sách, là sự bổ sung có ích cho những trang chính sử, nhưng điều lý thú là khác với những hồi ký của các chính khách thường nặng về kể lể sự kiện, cuốn sách chủ yếu dựa vào nhật ký và ghi chép lời người chồng trả lời vợ - một cô giáo có kiến thức và cũng “tò mò” như nhiều người vợ khác - nên chứa đựng rất nhiều chi tiết chân thật của cuộc đời, không hề né tránh những điều “tế nhị” và “nhạy cảm”.

 Chuyện tình có thể gọi là hy hữu của Phan Anh lần đầu được công khai trước dư luận. Người vợ đầu của Phan Anh - Đỗ Thị Thao, quê Bắc Giang - cũng là một trí thức “Tây học”; cả hai, cùng được học bổng du học Pháp, lại cùng đi trên một chuyến tàu và cùng về nước khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Khi luật sư Phan Anh dạy Trường Thăng Long, rồi làm ở Tòa Thượng thẩm Hà Nội thì dược sĩ Thao dạy trường Đại học Y - Dược và mở hiệu thuốc nhưng rồi kháng chiến, cả hai đã nhẹ nhàng rời bỏ cuộc sống phong lưu ở Hà Nội, lên Việt Bắc theo Chính phủ Cụ Hồ. Thật không may, khi người con thứ ba mới lên ba, thì “cô Thao” bị bệnh hiểm nghèo và đã mất năm 1952 tại Việt Bắc, mặc dù được các bác sĩ hàng đầu Việt Nam như Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di… hết lòng cứu chữa.

Cuộc đời đúng là có luật “bù-trừ” và không hẳn câu “phúc bất trùng lai” bao giờ cũng đúng. Ngày trước, không hiếm chuyện khi người chị mất thì người em đã thay chị chăm sóc đàn trẻ thơ mồ côi mẹ rồi trở thành vợ kế. Trường hợp Phan Anh có lẽ là hiếm vì Hồng Chỉnh là cháu ruột của “cô Thao”. Hồng Chỉnh đã săn sóc người con nhỏ của “cô Thao” từ lúc cô bị bệnh, nhưng khi Phan Anh ngỏ lời thì cô đã từ chối. Nhưng ông thì không thể quên cô. Cả lúc dự Hội nghị Genève, ông “chiêm bao thấy HC vui tươi. Thấy  hình ảnh HC... mà nhớ Thao quá. Nhớ Thao mà thành ra nhớ HC quá… HC có biết không?...” (Nhật ký PA 25-4-1954). Một trang nhật ký trong tháng 5-1954, PA lại viết: “Đêm nay, mơ một cảnh như ý nguyện: mơ thấy HC. Mình và thầy Tùng Ảnh (*) đương ngồi ở một nơi như Nghệ Tĩnh, thấy HC tới. HC thấy mình thì tay bắt mặt mừng. Và HC “trả lời” bằng cử chỉ  trước mặt thầy là HC “đồng ý”… Tỉnh dậy, tiếc quá. Sao giấc mơ không dài thêm. Ngủ lại, một giấc mơ êm đềm nữa. Mình làm một bài thơ: “Cưới”. Bác xem, Bác “khuyên son”. Tỉnh dậy, vui quá, lại ngâm nga mấy câu dựa theo “Chinh phụ ngâm”: “Khi mơ những tiếc khi tàn / Tỉnh trong giấc mộng muôn vàn ước mong / Chẳng hay muôn dặm trời Đông / Lòng em có cũng như lòng anh chăng?...”

Mãi về sau (năm 1954), khi Hồng Chỉnh hiểu rằng tình yêu của mình là điều không thể thiếu trong cuộc đời Phan Anh và sẽ tiếp sức cho Phan Anh hoàn thành sự nghiệp, thì cô mới nhận lời…

Trong đoạn nhật ký trên, Phan Anh mơ Bác Hồ “khuyên son” bài thơ vì ông có “duyên” sống gần Chủ tịch Hồ Chí Minh khá nhiều thời gian và ông thường “lẩy Kiều” cho Bác nghe. Chuyện ông “lẩy Kiều” cùng phần viết về quê hương ông với những vần thơ “ngạo đời” của cụ Phan Điện (thân phụ Phan Anh) cũng là những trang khá thú vị của cuốn sách…

Nguyễn Khắc Phê
(*) Tức là cụ Phan Điện.

;
.
.
.
.
.