Đặng Dung (? – 1414) được hậu thế biết đến không chỉ đơn thuần là một danh tướng thời Hậu Trần, mà còn là tác giả một bài thơ nổi tiếng đã để lại trên văn đàn một tiếng vọng suốt mấy trăm năm.
Đặng Dung là người xã Tả Hạ, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An; nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con trai cả của Quốc công Đặng Tất, một tướng tài, đã khôi phục lại đất nước bị quân Minh chiếm đóng tới vùng Ninh Bình.
Dưới thời nhà Hồ, ông giúp cha là Đặng Tất cai quản đất Thuận Hóa. Sau khi quân Minh đánh chiếm nước ta - khi ấy có quốc hiệu là Đại Ngu, nhà Hồ sụp đổ, hai cha con ông tham gia cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi (tức Giản Định Đế).
Năm 1409, sau trận đại chiến với quân Minh ở Bô Cô (xã Hiếu Cổ, huyện Ý Yên, thuộc tỉnh Nam Định ngày nay), hoạn quan Nguyễn Quỹ đã gièm pha rằng Đặng Tất chuyên quyền. Giản Định Đế đem lòng ngờ vực, giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Đặng Dung tức giận bỏ Giản Định Đế, cùng con của Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị rước Trần Quý Khoáng (hay Trần Quý Khoách, theo Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược) từ Thanh Hóa về đất Chi La - nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, tôn làm vua (tức Trùng Quang Đế).
Về sau, do nhu cầu cần phải hợp nhất hai lực lượng để chống quân Minh, các tướng của Trần Quý Khoáng do Nguyễn Súy cầm đầu đã tổ chức đánh úp vào Ngự Thiên, đem Trần Ngỗi về Chi La tôn làm Thượng hoàng.
Đặng Dung, dù phải chiến đấu dưới quyền kẻ đã giết cha mình, nhưng vì sự nghiệp chung ông đã vượt lên trên tất cả. Từ đó ông trải qua rất nhiều trận giao chiến với quân Minh và kết thúc sự nghiệp võ tướng của mình trong trận đánh cuối cùng vào năm Quý Tỵ (1413) ở khu vực Thái Gia. Về trận này, Trần Trọng Kim, trong Việt Nam sử lược, có chép như sau:
“Từ khi thua trận ấy rồi, Trần Quý Khoách thế yếu quá không thể chống với quân giặc được nữa, phải vào ẩn núp ở trong rừng núi. Chẳng được bao lâu Trần Quý Khoách, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung, Nguyễn Súy đều bị bắt, và phải giải về Yên Kinh (Trung Quốc) cả. Đi đến giữa đường, Quý Khoách nhảy xuống bể tự tử, bọn ông Đặng Dung cũng tử tiết cả. Ông Đặng Dung có làm bài thơ Thuật hoài, mà ngày nay còn có nhiều người vẫn truyền tụng.
Cha con ông Đặng Dung đều hết lòng giúp nước phò vua, tuy không thành công được, nhưng cái lòng trung liệt của nhà họ Đặng cũng đủ làm cho người đời sau tưởng nhớ đến, bởi vậy hiện nay còn có đền thờ ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh...”.
Đặng Dung đem quân giúp vua Trùng Quang Đế gặp lúc lòng người ly tán, binh ít, lương thiếu, cuối cùng đã thất bại. Ông chạnh lòng làm bài Thuật hoài (hay Cảm hoài), một bài thơ tự sự thất ngôn bát cú Đường luật, thể hiện chí khí của mình. Gần 600 năm qua, bài thơ đã đi vào đời sống dân gian với hai câu đã trở thành triết lý: Thời lai đồ điếu thành công dị,/ Vận khứ anh hùng ẩm hận đa. (Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,/ Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay – Phan Kế Bính dịch thơ). Hai câu kết như là dấu chấm than khi chí lớn chưa thành mà tuổi già đã vội xộc đến: Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,/ Kỷ độ Long tuyền đới nguyệt ma. (Thù trả chưa xong đầu đã bạc/ Dưới trăng bao độ tuốt gươm mài – Nguyễn Lân dịch thơ).
Những bài thơ sáng tác vào thời Trần thường thể hiện sự khẳng định nhân phẩm và niềm tự hào về bản lĩnh con người. Thuật hoài, bài thơ duy nhất còn lại của Đặng Dung, được chép trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn là một trong những bài thơ hay nhất và tiêu biểu nhất cho phong cách thơ ấy. Lý Tử Tấn, một danh sĩ thời Lê, nhận xét: “Phi hào kiệt chi sĩ bất năng!” [Nếu không phải là kẻ sĩ hào kiệt thì không thể làm nổi (bài thơ này)!].
Người anh hùng lưu lại hậu thế bài thơ ngút ngàn tình yêu đất nước với hình tượng “mài gươm dưới trăng” bất hủ. Ở Đà Nẵng, tên ông đã được đặt cho con đường dài 220m, rộng 6m (ảnh), nối đường Âu Cơ đến đường Vũ Ngọc Phan (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) theo Nghị quyết số 28/2003/NQ/HĐND ngày 11-1-2003 của HĐND thành phố về đặt tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC