.
Hồ sơ tên đường

Ngô Văn Sở - “nanh vuốt” của Nguyễn Huệ

.

Ngô Văn Sở được lịch sử ghi nhận là một trong những nhân vật “nanh vuốt” hàng đầu giúp Nguyễn Huệ - Quang Trung trong công cuộc diệt Trịnh, đánh đuổi Mãn Thanh xâm lược, thống nhất đất nước và giữ yên 13 trấn Bắc Hà.

Ngô Văn Sở (? - 1795) quê ở huyện Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. (Theo GS. Nguyễn Khắc Thuần, thì tổ tiên ông là người ở Trảo La, huyện Thiên Lộc - nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, di cư vào Tây Sơn lúc nào chưa rõ).

Khi ba anh em Tây Sơn khởi nghĩa, ông đến xin góp sức góp tài, nhờ võ dũng và mưu lược mà được trọng dụng. Năm 1773, ông được phong làm Chinh nam Đại tướng quân cùng Lê Văn Lộc, Lê Văn Hưng cử binh vào đánh chiếm ba phủ Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận. Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng đế, phong ông chức Đại Tư mã. Lúc Nguyễn Huệ ra đánh Thuận Hóa, ông và Phan Văn Lân theo làm Tham tán quân vụ.
Cuối năm 1787, ông và Phan Văn Lân được Nguyễn Huệ giao mang quân ra Nghệ An, hợp sức cùng Võ Văn Nhậm tiến ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh và các thế lực Lê - Trịnh chống đối. Ông tỏ ra là một tướng cầm quân dũng cảm, mưu lược, đánh đâu thắng đấy.

Năm 1788, Võ Văn Nhậm, con rể của Nguyễn Nhạc làm phản ở Thăng Long, bị Bắc Bình vương Nguyễn Huệ giết, ông được cử thay Nhậm làm Đại Tư mã, lãnh Trấn thủ Thăng Long. Trong buổi trao quyền, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã tuyên bố rằng: “(Ngô Văn) Sở và (Phan Văn) Lân đều là nanh vuốt của ta”. Điều này cho thấy tài năng của ông và sự tin cậy của cấp trên đối với ông.

Cuối năm 1788, vua Lê Chiêu Thống rước 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy vào xâm lược nước ta. Ông, với cương vị chủ soái Bắc Hà, sau khi bàn bạc với các cộng sự, cho quân rút về lập phòng tuyến ở dãy núi Tam Điệp (Ninh Bình) và Biện Sơn (Thanh Hóa) để bảo toàn lực lượng và nhử giặc vào sâu trong Thăng Long, chờ hội quân với Nguyễn Huệ kéo ra từ Phú Xuân. Kế hoạch lui binh này được vua Quang Trung cho là hoàn toàn đúng và đánh giá rất cao.

Được tin cấp báo, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (21-12-1788) Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, trực tiếp mang đại quân ra Bắc đánh đuổi quân xâm lược. Ông được ở bên cạnh vua Quang Trung, cùng chỉ huy đạo quân chủ lực đánh vào hai thành trì quan trọng của đối phương là Hà Hồi và Ngọc Hồi, góp phần làm nên chiến thắng vang dội đuổi quân Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi. Ông có sáng kiến cho làm những cái “mông xung”, trong đựng cỏ rơm, cao 5 thước, dài 15 thước, hễ ra trận thì mang đi che đằng trước chống tên đạn.

Nhờ lập nhiều công lao, ông được nhà vua phong tới tước Ích Quốc công.

Trong sách Tây Sơn lương tướng ngoại truyện của Nguyễn Trọng Trì có đoạn chép về Ngô Văn Sở (dẫn lại theo Wikipedia): “Ngô Văn Sở làm quan không cầu danh lợi tiếng tăm, lúc nào cũng muốn tránh quyền thế. Thường ngày, (ông) yêu kính quân tử mà vẫn giữ lòng thương xót tiểu nhân. Ông cùng với Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng và Bùi Thị Xuân đều là danh tướng, được người đương thời gọi là Tứ kiệt”.

Ông mất năm 1795. Có thuyết cho rằng cái chết của ông liên quan đến việc đấu tranh nội bộ trong triều Tây Sơn. Vũ Văn Dũng lập chiếu giả triệu hồi ông từ Bắc thành về Phú Xuân, vu cho ông âm mưu phản nghịch, đóng cũi nhốt và đem dìm ông xuống sông Hương.

Ở Đà Nẵng, tên ông được đặt cho một con đường ở Khu phố chợ Hòa Khánh, dài 400m, rộng 10,5m (ảnh), từ đường Tôn Đức Thắng đến đường 5,5m, theo Nghị quyết số 49/2006/NQ/HĐND ngày 22-12-2006 của HĐND thành phố Đà Nẵng về đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.