“Trách những kẻ toan lòng mại quốc, xui mã tà, ma ní, loạn mấy năm túng tượng một ngà/ Giận những người bày mối giả danh, dối rằng Lý, rằng Lê, báo thiên hạ ngỡ rồng năm vẻ”. Giữa lúc vận nước ngửa nghiêng, lời lẽ xé lòng trong Hịch Văn thân của Phạm Như Xương - vị “đệ nhất khoa bảng Quảng Nam”, đã giục sĩ phu thức thời tham gia Nghĩa hội.
Đường Phạm Như Xương, Đà Nẵng, sau khi được nâng cấp, mở rộng. |
Phạm Như Xương tự Phồn Sinh, hiệu Hành Sơn, sinh năm 1844, quê ở xã Ngân Thanh (Ngân Câu), tổng Thanh Quýt, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Năm 25 tuổi, ông đỗ Cử nhân, 7 năm sau đỗ Tiến sĩ, vào thi Đình đỗ Đình nguyên nên được gọi là Hoàng giáp Tiến sĩ (Tiến sĩ đầu bảng), là người đỗ cao nhất trong lịch sử khoa bảng tỉnh Quảng Nam. Ông là một trong 6 người được mệnh danh là “Lục phụng bất tề phi” của Quảng Nam gồm: Phạm Phú Thứ (Tiến sĩ), Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu (cùng Phó bảng), Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng (cùng Tiến sĩ), Phạm Như Xương (Hoàng giáp).
Ông làm quan trải qua nhiều bộ, viện, các ở triều, sau thăng dần đến Bố chánh tỉnh Phú Yên nên thường được gọi là ông Bố Ngân Câu. Năm 1883, ông sung vào phái đoàn do Nguyễn Thành Ý dẫn đầu, thương lượng với Pháp ở cửa Thuận An về việc đình chiến. Cuộc thương lượng thất bại, ông về lại nhiệm sở cũ Phú Yên. Sau khi triều đình Huế ký hàng ước (1884), ông liên kết với nghĩa quân Bình Định do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo, đứng lên chống Pháp ở vùng rừng núi Phú Yên. Cuộc khởi nghĩa bị quân Pháp và quân Nam triều do Trần Bá Lộc chỉ huy đàn áp dã man, cuối cùng tan rã (1888).
Ông và gia quyến bị bắt giải về Huế. Triều đình ghép tội “trảm giam hậu” (giam lại chờ chém), cho đục tên ông trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu. Đến đời Thành Thái, ông được tha, cho khởi phục điển tịch, sung chức Tu thư ở Quốc tử giám. Ông được phái đi kinh lý Thanh Hóa, Nghệ An, sau đó giữ chức Quyền Tri phủ Anh Sơn (Nghệ An) một thời gian, rồi được bổ Đốc học ở Quảng Trị. Được cử làm Chánh chủ khảo nhiều khoa thi Hội cho đến khi hưu trí về xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Ông chính là người đã làm chủ khảo trong cuộc thi có Phan Bội Châu (lúc đó mang tên là Phan Văn San) dự thi và đánh giá rất cao về tài năng của họ Phan.
Ông cũng là tác giả của nhiều bài văn thơ nhưng nay đã thất lạc do bị tịch thu vì con trai ông tham gia khởi nghĩa Duy Tân năm 1916, chỉ còn Hịch Văn thân Quảng Nam viết vào những năm đầu phong trào Nghĩa hội Quảng Nam do Trần Văn Dư và Nguyễn Duy Hiệu phát động năm 1885. Trong bài hịch dài hơn 1.400 chữ này có những câu kêu gọi lòng yêu nước như sau:
Khuyên những kẻ hung tàng binh giáp, ra mà ngăn sức ngựa lúc bon chân,/ Khuyên những người phúc uẩn kinh luân, ra mà giúp cuộc cờ khi túng nước./ Binh thời chốn làng đông xã cả, một kẻ theo ngàn kẻ đều theo,/ Lương thời nơi phú hộ đại điền, một người nghĩ muôn người cũng nghĩ.
Các con của ông như Phạm Như Giáp, Phạm Như Đỉnh, Phạm Như Chương... tham gia vào các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp vào đầu thế kỷ XX. Bản thân ông cũng là cố vấn của tổ chức Việt Nam Quang phục hội do Phan Bội Châu lãnh đạo.
Ở Đà Nẵng, theo Nghị quyết số 06-2000/NQ-HĐ của HĐND thành phố, khóa VI, ngày 19-7-2000 về đặt tên một số đường của Đà Nẵng, tên ông đã được đặt cho con đường dài 1.820m, ban đầu rộng 6m, từ đường Tôn Đức Thắng (Trường Đại học Sư phạm) đến Đoàn 532 (Binh đoàn 12, Bộ Quốc phòng) thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.
Do đường Phạm Như Xương đã xuống cấp, nên cuối năm 2009, sau khi địa phương có chủ trương làm lại đường với hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, 239 hộ dân ở 7 tổ dân phố của phường Hòa Khánh Nam đã tự nguyện hiến hơn 7.000m2 đất (giá lúc đó hơn 10 tỷ đồng) để mở đường rộng ra 10,5m. Ngoài ra, người dân cho rằng vì việc chung nên không yêu cầu bố trí tái định cư, do đó vốn đầu tư làm đường đã tiết kiệm được rất nhiều.
LÊ GIA LỘC