Thói quen tán gẫu hay còn gọi là “buôn dưa lê” nơi công sở sẽ chẳng có gì đáng chê trách, nếu những người tham gia không đi quá sâu vào đời sống cá nhân của người khác kèm theo những bình phẩm phiến diện. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được điểm dừng ấy…
“Buôn dưa lê” không phải lúc nào cũng xấu. (Ảnh minh họa) |
“Buôn” dưới mọi hình thức
Dung được nhận vào làm kế toán cho một công ty Nhà nước. Ngay ngày đầu tiên, cô thực sự bị choáng khi thấy phòng làm việc trở thành nơi các “ông tám, bà tám” trong cơ quan tụ tập. Tranh thủ thời gian rảnh, mọi người lại túm tụm kể nhau nghe đủ chuyện, từ chuyện con chó nhà mình bị ốm, ông chồng hay ghen đến giá quần áo cửa hàng này, shop nọ mắc rẻ ra sao… Nói về mình chán chê, các chị, các cô lại lôi chuyện riêng của người này, người nọ trong cơ quan ra nói cho vui miệng. Dung chia sẻ, nếu không muốn bị cho “ra rìa” và để dễ thở hơn trong công việc, cô cũng bắt đầu “buôn” cùng mọi người. Lâu dần thành quen. Tuy nhiên, cô chỉ dừng lại ở những đề tài vui để giảm căng thẳng trong công việc chứ không đi sâu vào các vấn đề nhạy cảm, đụng chạm đến người khác.
Trái ngược với Dung, Liên làm việc trong lĩnh vực truyền thông nên xem chuyện “buôn dưa lê” là điều hoàn toàn bình thường, nếu không muốn nói là rất có lợi cho công việc của cô. Những hôm “bí” đề tài, cô lại í ới bạn bè, đồng nghiệp đi uống café nói chuyện trên trời, dưới đất hay vào mail và yahoo tán gẫu. Cũng nhờ những cuộc nói chuyện tưởng chừng vô thưởng vô phạt đó, cô lại có thêm nhiều ý tưởng để viết một đề tài mới. Liên bảo, nếu biết “buôn” đúng lúc, đúng chỗ, đúng đề tài sẽ có được nhiều thông tin có thể có lợi cho công việc cũng như cải thiện mối quan hệ của mình và đồng nghiệp.
Vui người này, buồn người kia
Nếu chuyện “buôn dưa lê” ở công sở được xem là niềm vui của đại đa số công chức hiện nay thì cũng có không ít người trở thành “nạn nhân” của nó. Trường hợp của Khánh là ví dụ. Một thời gian ngắn nhận việc tại cơ quan mới, Khánh chưa kịp thiết lập mối quan hệ với đồng nghiệp thì cô bị sốc bởi nội dung chát riêng tư của mình với người bạn bị mọi người đọc được và chuyền tay nhau. Dù nội dung chát không đụng chạm đến cá nhân nào, nhưng cô nói lên những suy nghĩ của mình về công việc hiện tại, về những điều làm mình chưa vừa ý. Thế là, những ngày sau đó, đồng nghiệp trong cơ quan nhìn cô với ánh mắt vừa khó chịu vừa mỉa mai, họ cứ túm tụm vào nhau rồi lại tản ra khi thấy cô xuất hiện. Phải mất một thời gian khá dài, cô và mọi người mới “bình thường hóa” mối quan hệ nhưng cũng khá gượng ép vì không thể xem như không có chuyện gì xảy ra.
Chuyện của Khánh không phải là cá biệt khi người “buôn dưa lê” thường pha một chút “mắm muối” cho câu chuyện thêm phần cuốn hút, sinh động. Từ đó, những “chuyện bé” thường bị “xé ra to”, nghe một đường, nói một nẻo. Điều này tưởng chừng như vô hại nhưng thực ra lại gây ra nhiều hiểu lầm, những xung đột không đáng có.
Thật ra, không phải ai thích “buôn dưa lê” cũng là người có ý xấu bởi nói chuyện, chia sẻ là nhu cầu chính đáng của con người. Tuy nhiên, nếu không biết dừng lại đúng lúc, từ chuyện “buôn” cho vui miệng sẽ trở thành con dao 2 lưỡi, không những đánh mất lòng tin của người khác mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ lẫn công việc. Nghiêm trọng hơn còn có thể bị sa thải, mất việc làm khi tại nhiều cơ quan hiện nay, rất nhiều công chức thường buôn dưa “hội đồng” vào giờ hành chính. Vấn đề không chỉ là lãng phí thời gian và tiền bạc mà còn thể hiện thái độ thiếu nghiêm túc trong công việc. Điều này vô tình sẽ hình thành thói quen xấu trong giao tiếp, làm mất thời gian chỉ vì những chuyện không đâu vào đâu.
Tiểu Yến