.

Mỗi bạn trẻ là một tuyên truyền viên

.

Từ nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã lồng ghép những nội dung về phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình giảng dạy. Đến nay, tại một số điểm trường trên địa bàn thành phố, học sinh (HS), sinh viên (SV) đã được tiếp cận kiến thức này bằng nhiều hình thức khác nhau.

Nằm trong dự án “Nhảy múa vì cuộc sống”, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh viết thông điệp về HIV/AIDS.
Nằm trong dự án “Nhảy múa vì cuộc sống”, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh viết thông điệp về HIV/AIDS.

Nhảy múa vì cuộc sống

“Nhảy múa vì cuộc sống” (Dance4life) là tên một dự án quốc tế nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng phòng tránh HIV/AIDS cho thanh niên. Ở Đà Nẵng, tháng 9-2009, tại sân Trường THPT Hoàng Hoa Thám, hơn 200 HS đến từ các trường THPT trên địa bàn đã có buổi đồng diễn vũ điệu tập thể cùng các thành viên của đội Dự án “Nhảy múa vì cuộc sống” nhằm tuyên truyền các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS. Chương trình do Quỹ Dân số Thế giới (WPF) tổ chức với mục đích trao cho thanh niên vai trò tiên phong trong việc đẩy lùi căn bệnh thế kỷ này. “Nhảy múa vì cuộc sống” bao gồm các hoạt động hội thảo tại trường học nhằm nâng cao nhận thức về HIV/AIDS trong HS, SV, cũng như đào tạo kỹ năng sống, các hoạt động gây quỹ, thi sáng tác tranh ảnh nghệ thuật...

HS Trường THPT Phan Châu Trinh từ năm 2009 cũng được tiếp cận những kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS qua nhiều hoạt động ngoại khóa; tổ chức lồng ghép kiến thức về HIV/AIDS vào các môn Văn, Giáo dục công dân, Sinh học. Đưa nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào các hoạt động chào cờ, đố vui để học, sinh hoạt lớp, thảo luận nhóm... Bà Nguyễn Thu Nga, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Điểm mới nhất trong năm học này, trường đã phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng tổ chức quyên góp sách và làm 32 bưu thiếp tặng cho người nhiễm HIV/AIDS tại buổi giao lưu, gặp mặt với người nhiễm HIV do trung tâm tổ chức chiều ngày 30-11. Điều này đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành động của HS.

 Đầu tháng 12 vừa qua, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2011, tại sân Trường Phan Châu Trinh, khoảng 400 HS đã tổ chức nhảy múa để truyền đi thông điệp “Hãy cùng chung tay phòng, chống HIV/AIDS; Hãy chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”. Tổ chức thi thuyết trình, vẽ tranh nghệ thuật, làm pa-nô tuyên truyền… Trong thông điệp của mình, bạn Lê Thị Minh Thư, lớp 11A8 viết: “Ai cũng có phút lầm lỡ trong cuộc sống. Bạn có thể cảm thông cho một tội nhân biết phục thiện, tại sao bạn lại không thể chia sẻ với một người bị nhiễm HIV/AIDS? Hãy hành động để ngăn chặn sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV ngay từ bây giờ, bạn nhé”.

Mở rộng lòng nhân ái

Những ngày này, thầy và trò Trường THCS Tây Sơn vẫn chưa vơi  niềm hạnh phúc khi bộ phim ngắn Lan, đừng khóc đoạt 1 trong 5 giải ưu tú-giải cao nhất ở Liên hoan phim HS châu Á tổ chức tại Nhật Bản. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện cô học trò tên Lan. Giờ ra chơi, một bạn cùng lớp đã lục lọi cặp sách của Lan và nhìn thấy dòng chữ in đậm “HIV - Ta căm thù mi đã cướp đi bố mẹ của ta!” trong quyển sổ tay. Từ đó, các bạn trong lớp bắt đầu xa lánh Lan, dán vào lưng Lan tờ giấy ghi: “Tui bị AIDS, hãy tránh xa tui!” khiến em khóc òa rồi bỏ chạy. Cô giáo biết được đã giảng giải cho các bạn trong lớp hiểu đúng về HIV/AIDS và cả lớp đã chia nhau đi tìm, xin lỗi Lan, rủ Lan cùng trở lại lớp học. Với thời lượng chưa đầy 3 phút, Lan, đừng khóc do các em học sinh Phan Thị Thùy Dung, Trịnh Lan Phương, Võ Tuấn Quang tự xây dựng và diễn xuất dưới sự hướng dẫn của cô giáo Phạm Thị Phong đã gửi gắm thông điệp cùng sẻ chia, không phân biệt đối xử với người có HIV.

Lan Phương chia sẻ: “Chúng em đọc báo và được nghe thầy cô kể về nhiều trường hợp các bạn nhỏ bị nhiễm HIV/AIDS ít được đến trường và bị bạn bè xa lánh. Vì vậy nhóm em làm phim này như tự nhắc nhở bản thân và bạn bè hãy mở rộng lòng nhân ái, giúp các bạn ấy hòa nhập cộng đồng”. “Để hoàn thành bộ phim, cả cô và trò đã đọc rất nhiều tài liệu liên quan đến HIV/AIDS. Trong công tác dạy và học, chúng tôi luôn hướng đến xây dựng mỗi bạn trẻ là một tuyên truyền viên, không chỉ trong các vấn đề về HIV/AIDS mà còn ở các vấn đề xã hội khác”, cô giáo Phạm Thị Phong nói.

Từ đầu năm 2011, Ban Thường vụ Thành Đoàn Đà Nẵng đã triển khai kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS trong thanh thiếu niên, SV 7 quận, huyện Đoàn và các đơn vị Đoàn trực thuộc nhằm trang bị cho bạn trẻ kiến thức và kỹ năng thông qua các tiết mục kịch, đồng diễn vũ điệu, âm nhạc và trò chơi tập thể. Chương trình đã tạo được chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của giới trẻ. Đơn cử, ngày 27-11 vừa qua, 2 nhóm “SV Tình nguyện” và “SV Kết nối” thuộc Trường Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng đã phối hợp với UBND phường Nam Dương, quận Hải Châu tổ chức Ngày hội Chung tay hành động với chủ đề “Điều nhỏ nhoi cho người nhiễm HIV/AIDS”. Bạn Bùi Lê Anh Duy, thành viên nhóm “SV Kết nối” chia sẻ: “Xuyên suốt trong chương trình, mình rất cảm động khi được nghe chia sẻ về cuộc sống và ước mơ của một bệnh nhân có “H”. Anh ấy đã giúp mình hiểu, không gì đau khổ bằng sự ghẻ lạnh của mọi người, giúp mình có cái nhìn thiện cảm hơn đối với những nạn nhân của căn bệnh thế kỷ này”.

Được biết, Bộ GD-ĐT vừa biên soạn xong tài liệu “10 sự thật về trẻ em và HIV/AIDS” để triển khai tới tất cả các trường học, đưa nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính và phòng, chống HIV/AIDS vào chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020, song song với việc triển khai thực nghiệm chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản và phòng chống HIV/AIDS cho HS trong các trường THCS, THPT trên toàn quốc.

Tiểu Yến

 

;
.
.
.
.
.